Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Khi người đứng đầu dám nhận mình thua cuộc

Sông Hàn - Hải Đăng 

VNN - Trên tất cả, để thành công, dù là chính thể nào cũng phải biết trọng người tài, thậm chí người đứng đầu còn phải biết “thua”, biết gác lại sỹ diện chính trị vì lợi ích quốc gia.

Đã có nhiều lời xưng tụng giành cho những là "thung lũng Silicon" của nhiều quốc gia, nhưng những hình mẫu thực sự thành công không nhiều. Ngay tại nước Mỹ, người ta cũng khó có thể sao chép được một Silicon Valley thứ hai bên ngoài San Jose, California.

Với Việt Nam, làm thế nào để chúng ta có được một Silicon Valley, làm thế nào để chúng trở thành quốc gia khởi nghiệp (start-up nation), có vị trí quan trọng trong hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Bài học Tân Trúc (Đài Loan)

Khu Công viên khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science Park – HSP), Đài Loan là một thành công hiếm hoi bên ngoài nước Mỹ.

Đầu thập niên 1980, sau khủng hoảng dầu lửa và tiền tệ thế giới, chính quyền Đài Loan khi đó quyết định Công nghệ cao (high tech) là hướng phát triển chiến lược cho đảo quốc. Họ bắt đầu bằng việc thành lập những khu công viên khoa học (science park) trên khắp lãnh thổ.

Ý tưởng thành lập khu công nghệ cao được đề xuất bởi nhà một nhà toán học nổi tiếng - Từ Hiền Tu. Sau nhiều năm được đào tạo bài bản và giảng dạy tại Mỹ, giáo sư Từ được mời về để giúp nền giáo dục và khoa học công nghệ Đài Loan. Từ trải nghiệm thực tế, Gs Từ (khi đó đã là Bộ trưởng Khoa học Công nghệ) đề xuất với chính quyền về ý tưởng xây dựng khu công viên khoa học công nghệ kiểu mẫu như Silicon Valley bên Mỹ.

Nhưng, ngay sau đó đã có một cuộc tranh cãi giữa Gs Từ và nhà lãnh đạo Đài Loan khi đó. Trong khi nhà lãnh đạo muốn đặt dự án gần căn cứ quân sự; còn Gs lại cho rằng điều đó là không nên, dự án phải đặt ở nơi hội tụ thiên thời, địa lợi và đặc biệt là phải ở gần nguồn nhân lực chất lượng cao. Chỉ có vậy khu công nghệ cao mới có thể mở rộng năng lực sáng tạo, thúc đẩy sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân tại Đài Loan.

Nhà lãnh đạo Đài Loan cuối cùng đã “thua” nhà trí thức. Dự án Khu công viên khoa học đặt tại thành phố Tân Trúc, sát cạnh hai ĐH danh tiếng và mạnh nhất của vùng lãnh thổ này về Khoa học công nghệ là ĐH Quốc gia Thanh Hoa và ĐH Quốc gia Giao Thông. Điều này hoàn toàn giống với mô hình của Silicon Valley (Mỹ) vốn là một khu đất trong khuôn viên của ĐH Stanford và cách không xa Berkeley.

Sau 30 năm phát triển, thực tế đã chứng minh cho tầm nhìn của vị Gs. Những cựu sinh viên của hai  trường ĐH Thanh Hoa và Giao Thông đã có những đóng góp to lớn cho sự thành công của  Khu công viên khoa học Tân Trúc và nền kỹ nghệ của Đài Loan.

Về phía nhà lãnh đạo Đài Loan, sau khi đồng ý xây dựng Khu công viên khoa học tại Tân Trúc, ông đã giao Bộ trưởng Tài Chính Lý Quốc Đỉnh (tốt nghiệp tại Cambridge) trọng trách xây dựng hạ tầng. Bộ trưởng Lý đích thân tham khảo ý kiến của Frederick Terman, người được xem như cha đẻ của Silicon Valley, rằng: Đài Loan có thể tiếp bước Hoa Kỳ xây dựng lên một thung lũng Silicon?

Vị Bộ trưởng này là người đầu tiên của Đài Loan đưa ra ý tưởng về quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital) để thu hút vốn, hỗ trợ các công ty công nghệ khởi nghiệp. Ông cũng thành công trong việc mời gọi rất nhiều nhân tài gốc Hoa (có những người không hề sinh ra tại Đài Loan) về cống hiến cho vùng lãnh thổ này, trong đó có Trương Trung Mưu - Morris Chang.

Đến nay, Khu công nghệ cao Tân Trúc đã có được một nền tảng vững chắc với gần 500 công ty công nghệ lớn nhỏ trên thế giới đầu tư và đặt đại bản doanh. Mô hình của HSP đã được chính quyền Đài Loan áp dụng và nhân rộng ra nhiều khu vực trên cả nước, nó hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Silicon Valley của châu Á.

Nhìn từ Việt Nam

Ngày 25/11/2014, Nhà nước ban hành Quyết định 66/2014/QĐ-TTg, theo đó Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư phát triển 58 công nghệ cao và khuyến khích phát triển 114 sản phẩm công nghệ cao[1]. Tham khảo kinh nghiệm từ nhiều nước tiên tiến, chúng ta đã có quy hoạch, kêu gọi đầu tư cho những dự án công viên khoa học kết hợp đô thị, ĐH, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.

Hòa Lạc và Saigon High-Tech Park được kì vọng sẽ trở thành những Silicon Valley của Việt Nam, đưa nước ta lên một vị trí quan trọng trên bản đồ công nghệ thế giới. Nhưng hai năm qua, tại Hòa Lạc, không một dự án FDI mới nào đăng kí, nhiều nơi đất bỏ hoang [2]. Oái oăm thay, chúng ta có thể bắt gặp những đàn bò đang gặm cỏ trong phần đất của khu công nghệ này [3]

Chúng ta đang… làm ngược. Trong khi ĐH Quốc gia chưa rời đất vàng Hà Nội, một ĐH FPT là chưa đủ để khỏa lấp khoảng trống mênh mông về nhân lực chất lượng cao cũng như đem lại một môi trường khởi nghiệp từ nghiên cứu và kinh doanh công nghệ.

Samsung electronis, Microsoft, không chọn Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và thực sự là rất khó để từ Hòa Lạc chúng ta có được một Asus, hay Acer như của Đài Loan.

Giá trị của thung lũng Silicon không  nằm ở những tài sản vật chất hữu hình mà là tinh thần, vị trí đắc địa để khởi nghiệp. Cả Intel, HP, AMD, Google, Apple, Facebook, vv… đều đã khởi nghiệp và đặt trụ sở chính tại Silicon Valley [4]. Tương tự như vậy với khu Tân Trúc (Đài Loan), nơi có TSMC, UMC, Asus, Acer, vv.  Trên tất cả, để thành công, Chính phủ phải trọng người tài, thậm chí người đứng đầu Chính phủ còn phải biết “thua”, gác lại sỹ diện chính trị vì lợi ích quốc gia như trường hợp của người đứng đầu Đài Loan.
***

Tham khảo

[1]  Cổng thông tin Chính phủ , Quyết định 66/2014/QĐ-Ttg, Nguồn: http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=177646

[2] Diễn đàn Doanh nghiệp, Khu công nghệ cao Hòa Lạc bị lãng quên, Nguồn: http://enternews.vn/khu-cong-nghe-cao-hoa-lac-bi-lang-quen.html

[3] VietNamNet, Nuôi lợn trên đất đại học, trồng lúa giữa khu công nghệ cao. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/143322/nuoi-lon-tren-dat-dai-hoc-trong-lua-giua-khu-cong-nghe-cao.html

[4] Paul Graham, How to be Silicon Valley. Link: http://paulgraham.com/siliconvalley.html