(Dân trí) - 700 tỉ đồng riêng việc cắt cỏ thì không chỉ cả nước giật mình mà tháng 7 này là tháng cô hồn, mở cửa địa ngục, không khéo lũ ma tà nghe thấy cũng “giật mình” mà bỏ chạy hết về âm phủ...
“Nói ra mọi người sẽ giật mình, có 24km đường Đại lộ Thăng Long nhưng một năm chi phí cắt cỏ lên tới 53 tỷ. Tôi đi khảo sát trực tiếp thấy chỉ cắt 3 thứ: Cắt cỏ, một ít trúc anh đào, hoa dâm bụt. Một năm 53 tỷ là không thể chấp nhận được”.
Đó là một đoạn trong lời phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1, quận Hoàn Kiếm.
Cái thông tin ngắn ngủi của vị Chủ tịch Hà Nội không chỉ làm “giật mình” cử tri Hoàn Kiếm, cũng không chỉ “giật mình” cử tri Hà Nội mà nó làm “giật mình” cử tri cả nước, từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau.
Nó giật mình bởi có 24 km mà mỗi năm chi hết 53 tỉ đồng (khoảng 2,5 triệu USD) tức là khoảng 2,2 tỉ đồng/km/năm. Trừ các khoản hao mòn dụng cụ, chi phí khác một cách hoang phí nhất thì cũng không thể hết được con số lẻ 200 triệu. Giả sử mỗi công nhân phụ trách cắt cỏ trên chiều dài 1km, tức là mỗi tháng người đó có doanh thu gần 200 triệu đồng.
Hơ! Công nhân cắt cỏ 200 triệu đồng/tháng thì đến nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng nổi tiếng thế giới như Juyn Vécnơ của đất nước “Phờ răng xe” cũng không thể tưởng tượng ra được.
Hay là họ dùng…. liềm vàng, cuốc ngọc nhỉ? Còn cỏ ở đây đích thị là cỏ vua chúa, không, phải là loại cỏ… hoàng đế?
Một thông tin thứ hai, tiếp tục khiến cả nước “giật mình”. Đó là nếu dừng việc cắt cỏ ở Hà Nội, mỗi năm tiết kiệm tới 700 tỉ đồng.
Ui cha, 700 tỉ đồng riêng việc cắt cỏ thì không chỉ cả nước giật mình mà tháng 7 này là tháng cô hồn, mở cửa địa ngục, không khéo lũ ma tà nghe thấy cũng “giật mình” mà bỏ chạy hết về âm phủ.
Bởi 700 tỉ đồng to lắm.
Thử làm một phép so sánh, ví như với ngân sách năm 2015 của tỉnh Bắc Cạn, một năm thắng lợi nhờ những biện pháp quyết liệt đã thu được 482 tỉ đồng.
Ơ, ngân sách toàn tỉnh Bắc Cạn một năm thu chưa được 500 tỉ, sao họ không nghĩ đến chuyện đấu thầu cái vụ “cắt cỏ, chăn trâu” này nhỉ? Nhận xong, huy động nhân dân cả tỉnh về Thủ đô chơi, chiều chiều chỉ cần đi bộ, tập thể dục dẫm đạp là đám cỏ gà, cỏ gấu đó đố mà mọc được.
Mà không chỉ Đại lộ Thăng Long, báo Dân trí vừa cho biết nhiều tuyến đường khác trên địa bàn Hà Nội cũng "ngốn" hàng chục tỷ đồng cho việc này như tuyến đường vành đai 3 (giá trúng thầu 27 tỷ đồng), đường Văn Cao - Liễu Gia - Nguyễn Chí Thanh (26 tỷ đồng)…
Nói nhỏ nhé, ở Hà Nội, cứ dính vào công việc cỏ cây này là hời lắm. Nhớ dạo nào thay cây, giá cưa một cái cây cũng lên đến… 36 triệu đồng, bằng lương một cử nhân mới ra trường làm lụng cả năm.
Nói thế thôi, xin đừng mừng vội vì ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã không để chuyện đó tiếp diễn.
Ngay tại buổi tiếp xúc, ông Chung nói: “Chi phí như trên là không thể chấp nhận được. Chúng tôi nhận thức được vấn đề này và yêu cầu tất cả các quận dừng việc cắt cỏ từ 1/7/2016. Như vậy, chúng ta sẽ tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm khoảng 700 tỷ đồng".
Ông Chung cho biết, thành phố không thể không có vườn hoa, cây cỏ. Tuy nhiên, sau khi dừng lại, sẽ cho kiểm tra, đánh giá toàn bộ. Đoạn đường nào cần trồng cỏ thì trồng cỏ, đoạn nào cần trồng cây thì trông cây…
Rất hoan nghênh tinh thần và thái độ của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung với những quyết định ngay và luôn như thế này.
Chỉ mong ông, cùng với việc “kiện toàn” lại cỏ, ông đồng thời “kiện toàn” cả những người cắt cỏ gián tiếp (vì thực tế, thu nhập của những người trực tiếp cắt cỏ, chẳng cần điều tra cũng biết là… bèo bọt, cỡ 3 triệu đồng/tháng thôi) đồng thời công khai đấu thầu và mạnh dạn tư nhân hóa lĩnh vực này.
Đặc biệt là mong muốn ông Chủ tịch cho công khai “công ty nào thực hiện dự án đó, cơ sở nào để tính giá như vậy, định mức như vậy đã hợp lý hay chưa? Bởi vì tiền ngân sách là tiền của nhân dân đóng thuế nên không thể chi phí tùy tiện được. Dư luận người ta hỏi rằng công ty đó có phải là sân sau của ông nào đấy không mà tại sao lại chi như thế và ai giám sát khoản chi đó” như trả lời phỏng vấn báo Dân trí của TS Lê Đăng Doanh.
Xin đừng để trở lại cái thời máy cày về nông thôn xưa, mỗi khi về là “cơm gà, cá gỏi” đã đi vào kho tàng văn học dân gian: “Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ (máy cày thường sơn màu đỏ) ăn gà”.
Cũng đừng để “tôi thấy “hoa hồng” trên cỏ xanh” nở rộ trên mỗi tuyến đường, vườn hoa cây cảnh, phải không các bạn?