Bút ký luật sư, ngày chủ nhật, ngẫm về Đại án Phạm Công Danh, viết bài bút ký này...
Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án Phạm Công Danh đã đi gần hết chặng đường tố tụng, hiện đang trong giai đoạn tranh luận giữa 45 luật sư với hai vị đại diện VKSND TP. Hồ Chí Minh thừa ủy quyền của VKSNDTC thực hành quyền công tố trong nỗ lực tìm kiếm một sự thật khách quan về bản chất của vụ án, về số phận pháp lý của Phạm Công Danh và các đồng phạm. Giai đoạn xét hỏi kéo dài hơn ba tuần với nhiều tài liệu, chứng cứ còn ẩn sâu trong hồ sơ vụ án được đưa ra trong cuộc điều tra công khai giữa thanh thiên bạch nhật, đã để lại trong tôi những suy ngẫm về khoảng trống trong bản Cáo trạng với thực tế của vụ án đang phơi ra trước phiên tòa.
Còn nhớ, vụ án này là một trong 8 vụ án tham nhũng được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, với yêu cầu phải được đưa ra xét xử ngay để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân trong công cuộc chống tham nhũng hiện nay. Trước và trong phiên tòa này, dư luận xã hội đã dùng một cụm từ để gọi vụ án Phạm Công Danh là “Đại án 9000 tỷ”. Cụm từ ấy đã có sức thu hút và là đề tài thật hót cho các phương tiện thông tin đại chúng khi phản ánh, đưa tin về vụ án này. Con số 9000 tỷ đồng bị coi là thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng đã khiến bao người giật mình về độ “khủng” của nó khi so sánh với những con số nhỏ nhoi khiêm tốn về vay mượn tiền bạc của người dân trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Có lẽ những người quan tâm đến vụ án này phải đặt một câu hỏi : Cơ sự nào đã khiến Phạm Công Danh từ một ông chủ nổi tiếng của Tập đoàn Thiên Thanh, chỉ trong một thời gian ngắn lại sa vào vòng lao lý, phải ra đứng trước vành móng ngựa với những thông tin động trời như thế? Quá trình xét hỏi qua gần một tháng của ông Chủ tọa phiên tòa, của hai vị đại diện VKS và các luật sư với các tình tiết còn ẩn sâu trong hồ sơ vụ án, dần dần được lộ ra. Đặc biệt, qua lời bào chữa của luật sư Phan Trung Hoài, mở đầu cuộc tranh luận của các luật sư với thời lượng kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ, đã giúp phần nào chăng để có một cái nhìn khá toàn diện, đầy đủ về hành vi và số phận của Phạm Công Danh ?
Trong hoạt động xét xử, yêu cầu phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ các nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh cũng như động cơ mục đích của người có hành vi phạm tội để có một phán quyết công bằng về số phận pháp lý của họ là một nguyên tắc quan trọng của pháp luật tố tụng hình sự. Nhưng hình như, nguyên tắc này ít khi được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Vụ án này cũng nằm trong tình trạng chung như thế trong quá trình tố tụng. Bài bào chữa của Luật sư Phan Trung Hoài dài 42 trang, đã dành tới 18 trang trình bày về tổng quan của vụ án, như là một bức tranh tổng quát có ý nghĩa giải mã những điều còn ẩn khuất trong hồ sơ vụ án, giải đáp câu hỏi về bản chất hành vi của Phạm Công Danh.
Hãng gạch Bông Hương Sơn do cha ruột của Phạm Công Danh là ông Phạm Tòa thành lập, hoạt động từ năm 1964, chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm vật liệu xây dựng được chế biến từ ciment như gạch bông, ngói ciment, ống cống ciment. Kế thừa sự nghiệp của cha, từ một hãng gạch bông, trong quá trình phát triển, Phạm Công Danh đã thành lập Công ty Thiên Thanh và sau đó đầu tư thành lập thêm các công ty con, đưa Công ty Thiên Thanh trở thành Tập đoàn Thiên Thanh, mở rộng hoạt động đa ngành nghề như: Tư vấn xây dựng; kinh doanh mặt bằng- kho bãi, khách sạn; mua bán, sửa chữa, bảo trì lắp ráp, kinh doanh ô tô; đầu tư kinh doanh khách sạn và du lịch thông qua các Trung tâm kinh doanh VLXD- Trang thiết bị Nội thất Thiên Thanh, đặt ở những vị trí đắc địa tại nhiều địa phương trên cả nước. Tập đoàn đã tạo lập được rất nhiều tài sản, đặc biệt là bất động sản có giá trị rất lớn ở các địa phương như Hà Nội, TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi, TP,HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu... Năm 2011, doanh thu của Tập đoàn đạt 2.025 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 188 tỷ đồng; tổng tài sản 3.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 1.218 tỷ đồng.
Trên đà phát triển ấy, Tập đoàn Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh điều hành có khát vọng thành lập một Ngân hàng để hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng nhà ở quốc gia (như nhà cho người nghèo, nhà ở cho học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp tại các đô thị…), các Trung tâm thương mại và Triển lãm vật liệu xây dựng quy mô lớn. Đồng thời mong muốn góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tồn kho hàng hóa vật liệu xây dựng, bất động sản nhằm tạo thành một chuỗi khép kín góp phần vào việc quản lý và phát triển thị trường vật liệu xây dựng và bất động sản minh bạch, bền vững, thúc đẩy sự phát triển của ngành xây dựng trong cả nước và trên thế giới. Tiếc rằng, khát vọng ấy của ông lại không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, nhưng lại được đề nghị ông nhận chuyển nhượng lại Ngân hàng Đại Tín, 1 trong 9 Ngân hàng yếu kém phải tái cấu trúc đã được đặt dưới chế độ kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Vào thời điểm đó, thực trạng tài chính của Ngân hàng Đại Tín rất xấu, trong đó vốn chủ sở hữu bị âm 2.854,833 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061,738 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu lên đến 95%, trong đó tập trung vào hai nhóm chính là nhóm Phú Mỹ và nhóm Phương Trang. Khát vọng thể hiện mình đã khiến Phạm Công Danh đồng ý mua lại Ngân hàng Đại Tín với giá 4.600 tỷ đồng, đã trả 3.600 tỷ đồng với niềm tin nhận được tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng bán đi để giải quyết khó khăn về vốn.
Nhưng, sự đời lại không chiều theo lòng người. Phạm Công Danh rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”. Khi chuyển đổi Ngân hàng Đại Tín thành Ngân hàng Xây dựng theo đúng khát vọng của mình, Phạm Công Danh lại bị ràng buộc bởi các quy định về cơ chế quản lý của Nhân hàng Nhà nước như : Phải chịu sự giám sát của Tổ công tác đặc biệt với quyền hạn chỉ cho phép Ngân hàng Xây dựng được thực hiện các giao dịch tín dụng với hạn mức dưới 05 tỷ đồng; Ngân hàng Nhà nước bằng một quyết định hành chính đã mua lại toàn bộ số cổ phần của các cổ đông Ngân hàng Xây dựng với giá 0 đồng/1 cổ phần…mà không có ý kiến gì của các cổ đông… Cơ chế quản lý ấy đã khiến Phạm Công Danh rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, ngậm một cục nợ trong cổ, nhả ra không trôi, nuốt vào không được, đành phải “vượt rào” với hy vọng sẽ vượt qua được những khó khăn của những ngày “vạn sự khởi đầu nan”. Trên thực tế, Phạm Công Danh đã phải chịu nhiều áp lực, trong đó có áp lực chi chăm sóc khách hàng nhằm duy trì và bảo đảm khả năng thanh khoản của VNCB. Tại phiên tòa, Phạm Công Danh khai thật sự “bị sốc” khi tiếp nhận Ngân hàng, thậm chí đã phải dùng tài sản cá nhân, từ cái xe máy đến căn nhà, bất động sản đem đi thế chấp, bán đi để lấy tiền tái cơ cấu. Từ ngay sau khi vào tiếp quản Ngân hàng Đại Tín để “tái cơ cấu”, các chi nhánh liên tục đòi tiền chi chăm sóc khách hàng đã thực hiện từ trước đó. Các cộng sự của ông Danh khai ông đã phải chi rất nhiều tiền. Ông Danh thừa nhận các khoản chi nói trên không có giấy tờ chứng minh nhưng là chi thực, việc huy động vượt trần trái quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là có thật. Sự thật này cũng được bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng, tác giả bản Đề án tái cơ cấu nổi tiếng và các bị cáo khác xác nhận rằng ngân hàng đã phải huy động vượt trần lãi suất 2-4%/năm và không có giấy tờ gì, tiền là do phía Tập đoàn Thiên Thanh chi trả. Số tiền đã chi lãi suất ngoài lên đến 2.500 tỷ đồng cho nhóm Trần Ngọc Bích thuộc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Chưa dừng lại ở đó, Phạm Công Danh còn phải chịu áp lực liên quan việc đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước tăng vốn điều lệ của VNCB từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng và các áp lực khác.
Và thế là số phận của Phạm Công Danh đã bị định đoạt bởi các hành vi “vượt rào” như thế để thực hiện khát vọng của mình. Có thể nói, Phạm Công Danh đã tự biến mình thành nạn nhân của chính mình. Theo tôi, đây là bản chất thật của “Đại án 9000 tỷ” hay có thể gọi là “Bi kịch của Đại án Phạm Công Danh” gắn liền với tương lai của Tập đoàn Thiên Thanh. Thấy được những điều đó, hy vọng những ai có ác cảm với Phạm Công Danh có thể mở lòng nhìn lại hình ảnh của một đại gia đi lên từ Hãng gạch Bông Hương Sơn phải lâm vào vòng lao lý sau khi kết thúc vụ “Đại án” này.
Đến đây, tôi chợt nhớ tới hình ảnh Tăng Minh Phụng trong vụ “Đại án Minh Phụng – Epco” từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước với khát vọng giải một Bài toán Kinh tế của Phụng mà tôi đã dùng nó trong phần Tổng quan về vụ án mở đầu bài bào chữa của mình. Chỉ tiếc rằng, bài bào chữa đầy tâm huyết khi đó của tôi đã không đem lại hiệu quả gì đối với số phận nghiệt ngã của Tăng Minh Phụng. Và, bi kịch về khát vọng của doanh nhân Tăng Minh Phụng vẫn còn nguyên giá trị đến tận hôm nay. Khi viết những dòng cuối này, tôi thầm mong Phụng thông cảm cho tôi khi nhắc đến tên anh.
“Đại án 9000 tỷ” chưa kết thúc. Cuộc tranh luận giữa các luật sư vẫn còn đang tiếp tục. Viết bài này, lòng tôi bỗng nhen lên một tia hy vọng, những điều tôi viết ra đây có thể sẽ được xem xét và phản ánh trong phán quyết của Hội đồng xét xử vụ Đại án này chăng?