VNExp - Gần 20 năm trước tôi về Đồng Tháp Mười. Ông Tư Thu ở ấp Sồ Đo, xã Tuyên Thạnh (Mộc Hoá, Long An) - chủ nhà nơi tôi ở nhờ suốt ba tháng - kể chuyện ngày xưa, người dân xứ này tới mùa chở khẳm mấy ghe lúa, ghe than tràm vô công binh xưởng ủng hộ kháng chiến.
Cũng những ngày đó, ông Sáu, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Long An nói bộ đội là do dân nuôi. Sau giải phóng nhiều anh ở trong cứ ra làm cán bộ, hư hỏng nạt nộ dân, bị các bà má mắng: "Hột cơm dân nuôi bây còn dính kẽ răng mà trở mặt coi dân như rơm rác, bây là thứ đồ bỏ!". Nhiều anh nhớ ngày xưa mà tỉnh ngộ.
30 năm trước, trong cuốn "Đảng trả lời nhân dân về ruộng đất" do ban tuyên huấn Trung ương xuất bản năm 1988 có đoạn: "Cán bộ đảng viên, cán bộ chính quyền không được phép lợi dụng biện pháp hành chính, mệnh lệnh để xóa nhòa ranh giới, quy chụp, bắt bớ vì thiên vị hoặc thù oán cá nhân. Nếu ai lợi dụng chức quyền làm sai chính sách, lại phạm vào luật pháp, bắt bớ sỉ nhục người dân thì phải xử lý ngay một cách kiên quyết và nghiêm chỉnh. Tại sao vậy? Bởi vì đó chẳng những là hành vi phạm pháp mà còn là hành vi thiếu đạo đức. Bởi vì làm như thế là tàn nhẫn với người đã nuôi dưỡng, bảo vệ mình khi gian nguy; làm như thế là thất nhân tâm, hậu quả tai hại không lường hết được”.
Tôi nghĩ, một chính quyền trọng nhân nghĩa, lấy dân làm gốc, phải hiểu điều đó.
Tuy nhiên càng ngày tôi lại càng thấy một điều khác, khi những gì mà tôi cho là đúng đắn đó, đang bị lợi dụng từng ngày để ngụy biện, để đòi hỏi sự lấp liếm cho những việc làm sai trái.
Tôi chứng kiến một cô bé khi đôi co với một cảnh sát giao thông đã nói rằng: "Ông là cái gì, ông ăn cơm dân sao nói hỗn với dân?". Một bà bán rong khác cũng lấy lý lẽ "ăn cơm dân phải biết thương dân" để cự cãi khi bị cán bộ phường tịch thu thúng mủng hàng hóa.
Theo tôi, gọi cán bộ chính quyền là kẻ "ăn cơm dân" để bắt họ phục vụ dân theo những mục đích riêng là thiếu thỏa đáng. Với lối suy nghĩ đó, xã hội sẽ dần lộn xộn, dân tiếp tục coi thường kỷ cương - thứ được thiết lập để phục vụ lợi ích công cộng - và cán bộ, công chức viên chức sẽ tiếp tục lôi thôi, thiếu chuyên nghiệp.
Việc thực thi pháp luật, giữ lễ tiết tác phong của công chức, viên chức, công an và bộ đội được quy định bởi luật, công chức có nghĩa vụ thực thi. Với người dân, những quy định của luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, phục vụ lợi ích công thì dân có bổn phận chấp hành. Cho dù đó là người dân đã trực tiếp hoặc từng có ông bà cha mẹ nuôi bộ đội, hy sinh cho cách mạng.
Việc dùng chuyện ngày xưa để bất chấp sai sót hôm nay là sự cậy thế, công thần rất ấu trĩ.
Mặt khác, mặc dù cảnh sát đúng là "ăn cơm dân", bởi chi phí trả lương công chức lấy từ ngân sách, tức tiền thuế của dân. Nhưng không vì vậy mà bất kỳ ông dân nào cũng có thể nói chuyện như mình là người ơn của cán bộ công chức.
Vì để được tuyển dụng làm công chức, viên chức, mỗi người đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn luật định về chuyên môn, qua các kỳ sát hạch. Công chức, trước hết là một lựa chọn nghề nghiệp, trước khi nói chuyện hy sinh. Nghĩa vụ của ông công an, thuế vụ cũng như nghĩa vụ của bác sĩ với bệnh nhân, giáo viên với học trò, tài xế taxi với khách. Họ phải có chuyên môn, năng lực, có nguyên tắc ứng xử phù hợp và được trả lương cho những lao động ấy.
Ông công chức đó thực ra đang thực hiện nghĩa vụ của một người lao động mà chủ thể sử dụng lao động là chính quyền. Vì vậy khi ông công chức nào làm trật, hãy khiếu nại tố cáo, hãy kiện ra toà hành chính, hãy chứng minh ông đó không xứng đáng với việc nhận lương. Không thể và không nên kể ơn chuyện cơm dân nuôi. Làm vậy, tâm lý mang ơn - trả ơn sẽ khiến bạn ức chế, làm thế là cổ suý cho những chuyện du di vô pháp vô thiên, là diễn dịch ấu trĩ quan niệm nhân trị cổ xưa khi chúng ta đang hướng đến một xã hội pháp trị.
Lẽ nào khi đòi quyền lợi chính đáng cho mình hay đấu tranh cho sự thay đổi tốt đẹp vì cộng đồng, chúng ta vẫn dùng cách kể lể công đức cá nhân như thế?