TTO - Ngẫm lại câu nói của người xưa rằng: “Xây khó, phá mấy hồi” mới thấy xót xa cho một thương hiệu Đà Nẵng đang ít nhiều bị tổn thương.
Chỉ một đoạn status ngắn trên Facebook miêu tả lại trạng thái của một nữ giáo viên trở về từ Mỹ rằng “Ôi xấu hổ thay… Hải quan sân bay Đà Nẵng” (nhân chuyện nhân viên hải quan “vòi” tiền bồi dưỡng), ngay lập tức thông tin chẳng “hay ho” ấy… tràn ngập trên mặt báo lẫn mạng xã hội.
Có không ít bình luận được gõ trong xót xa rằng: chẳng lẽ chỉ vì 200.000 đồng mà các cán bộ hải quan ấy đã tự đánh mất mình, tự đánh mất đi hình ảnh của ngành vốn được nhiều thế hệ cán bộ hải quan dày công
vun đắp.
Phải thừa nhận rằng những nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu cho Đà Nẵng vốn đã được lãnh đạo chính quyền TP này chăm chút từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Không chỉ những người có trách nhiệm, mà ngay cả những công dân của TP này cũng rất ý thức đến việc đó…
Chính vì thế, ngoài chuyện hạ tầng tốt, an ninh đảm bảo thì hình ảnh thân thiện, mến khách của chính người dân TP này đã góp một phần không nhỏ tạo nên thương hiệu của một “thành phố đáng sống”…
Không hề đơn giản để Đà Nẵng trở thành một “điểm đến” hấp dẫn trong hành trình khám phá của nhiều du khách thời
gian qua.
Thế nhưng, giờ đây ngẫm lại câu nói của người xưa rằng: “Xây khó, phá mấy hồi” mới thấy xót xa cho một thương hiệu đang ít nhiều bị tổn thương.
Có lẽ khi ngồi vào bàn phím để viết những dòng kia, vị nữ hành khách (vốn là một giáo viên kỳ cựu) này ít nhiều cũng mang tâm trạng hụt hẫng về những cán bộ hải quan vốn đang được sống và làm việc ở một TP đầy tự hào như Đà Nẵng.
Chính vì mang tâm trạng đó nên vị nữ giáo viên này viết: “Trước đây tôi nghe mọi người nói là hải quan sân bay Đà Nẵng rất đàng hoàng và dễ chịu nhất nên tôi chọn nơi đây để mua vé đến.
Và nhất là tôi đã đọc báo thấy chính quyền TP Đà Nẵng tuyên bố là TP này không hề có bóng dáng tham nhũng. Thế thì hành động của 2 vị cán bộ hải quan sân bay quốc tế này là gì?”.
Cũng ngay trong sáng 8-7, khi Tuổi Trẻ khởi đăng bài “Vòi vĩnh lộ liễu, xử lý qua loa”, đã có rất nhiều bạn đọc phản hồi tỏ thái độ nuối tiếc cho Đà Nẵng khi việc nhũng nhiễu của những cán bộ hải quan sân bay nơi đây đang ít nhiều làm hoen ố đi thương hiệu của một đô thị vốn đã được xác lập.
“Đà Nẵng TP đáng sống mà lại có tình trạng như thế? Hỏi ai dám tới Đà Nẵng qua đường hàng không?” hay “Thật đáng xấu hổ vì những vị cán bộ như thế này. Bao nhiêu công sức của người dân Đà Nẵng xây dựng TP văn minh, đáng sống nay đã đổ xuống sông, xuống biển”…
Tương tự, vụ lật tàu du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn mới đây cũng đã “nhấn chìm” luôn hình ảnh của ngành du lịch đường sông mà TP này đang cất công gầy dựng. Con sông Hàn hay ngay cả con tàu cải hoán không hề có tội.
Thế nhưng chỉ vì sự tắc trách của một nhóm cán bộ được giao nhiệm vụ, cộng với sự hám lợi, bất chấp của chủ tàu đã khiến hình ảnh du lịch đường sông Đà Nẵng chẳng mấy chốc mà “chìm sâu”, giờ muốn phục hồi cũng phải tốn không ít
thời gian.
Dù không nói ra nhưng khi đọc bình luận bên dưới những bài viết ấy, chắc chắn những vị lãnh đạo cao nhất của TP đáng sống này cũng cảm thấy xót xa, hổ thẹn…
Vậy nên cần phải loại khỏi bộ máy những công chức sách nhiễu, vòi vĩnh, hành dân…, nhất là ở những nơi như sân bay - cảng biển, vốn được xem như cửa ngõ giao tiếp với toàn thế giới.
Có như thế, Đà Nẵng mới hi vọng lấy lại hình ảnh của mình và ngành hải quan cũng nhờ vậy mà xác lập lại kỷ cương, làm trong sạch đội ngũ phục vụ.
Xây thì khó chứ phá mấy hồi là vậy.