Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

VTV lại nhầm lẫn giữa Ngọc Hân công chúa và Huyền Trân công chúa

Tiểu Vũ

MTG - Trong phóng sự “Từ vịnh Đà Nẵng đến cửa biển quốc tế” được VTV phát mới đây, những người thực hiện đã có sự nhầm lẫn khó chấp nhận khi cho rằng vùng đất này thuộc sính lễ của vua Chăm Chế Mân cho nước Đại Việt trong cuộc hôn ước với công chúa Ngọc Hân…

Phóng sự ấy dài 14 phút, tên Từ vịnh Đà Nẵng đến cửa biển quốc tế trong chủ đề “Biển đảo Việt Nam – Không gian sinh tồn của dân tộc” được phát trên Đài truyền hình Trung ương - VTV vào khung giờ phim phóng sự tài liệu lúc 19 giờ 30 ngày 7.7.2016. Những người thực hiện đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc về kiến thức lịch sử dân tộc. Ngay từ phần đầu, cụ thể ở thời điểm 1 phút 29 giây, dưới nền hình ảnh biển Đà Nẵng bên chân núi Sơn Trà người đọc lời bình đã thể hiện nội dung nguyên văn như sau: "Đầu thế kỷ 14 vùng đất này (chỉ Đà Nẵng) thuộc về Đại Việt bởi đây là sính lễ cho cuộc hôn ước của công chúa Ngọc Hân và vua Chăm Chế Mân".

Với lời nội dung lời bình nhầm lẫn như vậy, nhiều người xem đài đã tỏ ra khá bức xúc. Đài truyền hình Trung ương mà cũng nhầm lẫn sai sót về kiến thức phổ thông đến thế này. Phóng sự được đưa lên trang VTV online nhưng sau đó không lâu đã  được gỡ xuống.

Hai nhân vật lịch sử Huyền Trân công chúa và Ngọc Hân công chúa cách nhau đến 4 thế kỷ ở hai triều đại khác nhau.

Bà Ngọc Hân (1770-1799) tên đầy đủ là Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (1770) tại kinh thành Thăng Long. Bà là con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông. Mẹ bà là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội), là con gái lớn của ông Nguyễn Đình Giai. Bà Ngọc Hân thường được gọi là Ngọc Hân công chúa hay Bắc cung Hoàng hậu, vốn là công chúa nhà Hậu Lê và hoàng hậu nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, vợ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ). Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ phong bà làm Bắc cung Hoàng hậu. Bà có 2 người con với vua Quang Trung: công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức. Năm 1792, Quang Trung hoàng đế đột ngột băng hà. Bà viết bài Tế vua Quang Trung và Ai tư vãn bày tỏ nỗi đau cũng như nỗi tiếc thương vô hạn cho người anh hùng vắn số.

Còn Công chúa Huyền Trân (1289 - 1340) là công chúa đời nhà Trần, con gái vua Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông. Năm 1306, Công chúa Huyền Trân được gả cho Quốc vương Chiêm Thành Chế Mân (tiếng Phạn: Jaya Sinhavarman III) để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Một năm sau, Chế Mân chết, Huyền Trân công chúa được vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành bày mưu đem về, sau đó bà xuất gia. Câu chuyện về công chúa Huyền Trân được truyền tụng trong dân gian, khiến bà trở thành một trong những công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. 

Đây không phải là lần đầu tiên chương trình của VTV nhầm lẫn về kiến thức lịch sử. Trước đó, chương trình S-Vietnam phát sóng trên VTV1 ngày 19.2 với chủ đề "Đầu năm vãn cảnh đình Hàng Kênh" (Hải Phòng) cũng đã đưa sai thông tin lịch sử.

Được biết loạt phóng sự chủ đề “Biển đảo Việt Nam – Không gian sinh tồn của dân tộc” do Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Bizmedia thực hiện.