(GDVN) - VAFI tiếp tục chỉ ra những tồn tại ở Bộ Công Thương khiến Bộ này hoạt động không hiệu quả suốt một thời gian dài.
Liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải “tái cơ cấu ngay Bộ Công Thương”, mới đây Hiệp Hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) tiếp tục chỉ ra những tồn tại ở Bộ Công Thương khiến Bộ này hoạt động không hiệu quả suốt một thời gian dài, đặc biệt là dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Sai lầm trong công tác quản lý vốn và tài sản Nhà nước
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI nhấn mạnh, dưới thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có nhiều sai lầm trong công tác quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Theo đó, xuất phát từ việc bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương quản lý đã không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị cao dẫn tới các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả.
Điển hình từ việc bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐQT tại 3 Tập đoàn kinh tế lớn như Sabeco, Habeco, Vinataba có thể thấy, thành tích quản trị 3 doanh nghiệp trên hết sức nghèo nàn.
“Họ (Chủ tịch HĐQT - pv) không phải là những người thành công và đi lên từ Habeco, Vinataba... Họ chưa đáp ứng được yêu cầu phải là linh hồn của doanh nghiệp, phải được đào tạo thủ thách và có nhiều thành tích tại các vị trí đã kinh qua”, VAFI nhận định.
Hiện tại, Chủ tịch Sabeco kiêm nhiệm luôn cả chức danh Tổng giám đốc Sabeco mà theo VAFI, hành vi bổ nhiệm này là sai Luật Doanh nghiệp và Luật quản lý vốn nhà nước.
“Vấn đề đặt ra là tại sao Bộ Công Thương không có phương án bổ nhiệm Tổng giám đốc Sabeco? Chẳng nhẽ Sabeco không còn ai có thể đảm đương vị trí Tổng giám đốc? Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”, Phó chủ tịch VAFI đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, VAFI cũng chỉ rõ: Hiện nay các Tập đoàn, Tổng công ty của Bộ Công Thương như Tổng công ty Thép, Tập đoàn Hóa Chất, TKV ở một vị thế tài chính rất yếu so với 10 năm trước kia.
“Mang tiếng là công ty mẹ nhưng mẹ không có khả năng cứu được con mà phải trông chờ nhà nước hỗ trợ hay bơm vốn. Điều này đang diễn ra tại Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Công ty Gang thép Thái Nguyên…”, VAFI đánh giá.
Cũng theo VAFI, nếu nhìn vào cách bổ nhiệm nhân sự chủ chốt tại đa phần doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hiện nay dễ thấy, không bao giờ có cách thức bổ nhiệm như trên.
Mọi chức danh chủ chốt phải được đào tạo và rèn luyện, thử thách qua nhiều vị trí khác nhau, từ thấp lên cao.
Trong quá trình làm việc, nếu cán bộ lãnh đạo nào không đạt yêu cầu thì phải tự nguyện thôi chức nếu không sẽ bị sa thải và điều chuyển bởi HĐQT hay Đại hội cổ đông.
Nhiều doanh nghiệp “trốn” niêm yết
Tại văn bản lần này, Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải một lần nữa nhắc lại, dưới thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Công Thương chậm bàn giao một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho SCIC quản lý.
Điển hình là Sabeco, Habeco sau 9 năm cổ phần hóa vẫn không được chuyển giao về cho SCIC.
“Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình bộ máy quản lý của Bộ Công Thương cồng kềnh cần phải tái cơ cấu. Tuy nhiên tại sao cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại chậm bàn giao một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho SCIC? Một điều chắc chắn rằng việc chậm trễ bàn giao không phải là do Bộ Công Thương có khả năng quản lý vốn tốt hơn SCIC?”, VAFI nêu ý kiến.
Theo VAFI, nếu tình trạng này không được khắc phục sẽ là thách thức cho sự thành công của việc ra đời Ủy Ban quản lý doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Chính phủ.
Một thực trạng khác tồn tại từ lâu ở Bộ Công Thương dưới thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ trốn tránh niêm yết, người đại diện không thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
VAFI cho biết, hơn 10 năm trước VAFI đã từng có nhiều văn bản gửi Bộ trưởng Hoàng Trung Hải kiến nghị bán bớt cổ phần nhà nước, thúc đẩy doanh nghiệp trực thuộc Bộ niêm yết nhằm tạo hàng hóa phát triển thị trường chứng khoán.
Nguyên Bộ trưởng Hoàng Trung Hải khi đó đã rất cầu thị và thị trường chứng khoán liên tục đón nhận nhiều hàng hóa chất lượng được bán bớt cổ phần nhà nước và IPO thành công như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Đạm Phú Mỹ….
“Tuy nhiên đến thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì không như vậy. Nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa như Sabeco, Habeco, Vinatex, Petrolimex, nhiều đơn vị thành viên đã cổ phần hóa trực thuộc các tập đoàn… không chịu niêm yết”, văn bản VAFI nêu.
Trong số các doanh nghiệp, Sabeco và Habeco tiếp tục là những điển hình của việc tìm mọi cách trốn tránh niêm yết, không thực hiện chỉ thị của Chính phủ.
"Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ, chắc phải nhiều lần nghe Thủ tướng nói về việc thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết nhưng tại sao cựu Bộ trưởng không chấp hành lệnh của cấp trên, không triển khai thúc đẩy việc niêm yết nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ? Bộ trưởng mà không quan tâm đến việc thúc đẩy sự minh bạch thì cấp dưới cũng không thực hiện hoặc như Sabeco có nói rằng, họ không có quyền cho doanh nghiệp niêm yết", VAFI phân tích.
Và hệ quả của việc nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa rồi trốn tránh niêm yết theo VAFI là không thực hiện cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư chứng khoán, từ đó làm giảm lòng tin từ giới đầu tư.
“Dưới thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phong trào cổ phần hóa đi xuống và trì trệ”, VAFI khẳng định.
***
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Công Thương ngày 12/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nêu các hạn chế của Bộ này, đặc biệt là trong công tác quản lý bộ máy nhân sự, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp còn quá chậm. Qua đó, tạo dư luận không tốt và gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Bộ Công Thương hiện có đến 30 vụ, cục và khoảng 10 viện trực thuộc chưa kể các viện thuộc các tập đoàn, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty... với bộ máy lên tới hàng vạn người. Do đó phải cơ cấu ngay bộ máy này để phục vụ cho sản xuất và phát triển, kể cả sản xuất và xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế.
Đặt ra yêu cầu với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, người đứng đầu Chính phủ cho rằng: “Người thì đông, đi vào rồi lại đi ra, làm việc không có hiệu quả thì làm sao phát triển được. Chúng ta cứ nói tái cơ cấu toàn ngành nhưng ngay trong bộ máy của Bộ Công Thương cũng cần tái cơ cấu triệt để, công khai. Người nào việc nấy mới có hiệu quả, xác thực”.
Thủ tướng chỉ ra, ngành công thương sắp tới phải thay đổi cơ bản cách quản lý để xây dựng một nền kinh tế thị trường thực chất, hiệu quả với sự tham gia của khu vực doanh nghiệp tư nhân.