Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

Thân phận giáo viên ngoài biên chế

LÊ THANH PHONG

LĐO - 376 giáo viên ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) nhận thông báo không được ký tiếp hợp đồng lao động, có nghĩa là họ bị sa thải. Nhiều gia đình có hai vợ chồng đều bị mất việc, lấy gì để sống.

Chắc chắn chính quyền địa phương đắn đo nhiều trước khi ra quyết định này, bởi vì liên quan đến đời sống của gần 400 người lao động và gia đình của họ. Và lẽ dĩ nhiên, phải có lý do khi đưa ra quyết định này, theo thông báo của huyện Vĩnh Lộc, những giáo viên này bị sa thải không phải do họ không đáp ứng yêu cầu hay thừa, mà vì họ không phải giáo viên biên chế nhà nước, họ ký hợp đồng với chủ tịch UBND huyện và hiệu trưởng nhà trường.

Nếu chỉ vì họ là những người không phải biên chế mà đẩy họ ra đường thì có công bằng không? Cũng là giáo viên, được đào tạo như nhau, làm công việc như nhau, nhưng chỉ vì trong và ngoài biên chế lại khác nhau về thân phận, quả là quá bất công.

Bất công hơn là nhiều trường hợp trong biên chế năng lực kém hơn vẫn tồn tại, còn người ngoài biên chế giỏi hơn vẫn bị cho ra đường. Đến bao giờ đất nước đổi thay được khi còn những phân biệt đối xử theo cách này. Giả sử địa phương đang trong tình trạng dư thừa giáo viên không thể có lựa chọn nào khác buộc phải cắt giảm thì cần thực hiện theo cách công bằng, không thể cứ thẳng tay loại bỏ toàn bộ người ký hợp đồng lao động. Công bằng chính là xem xét cả người trong và ngoài biên chế, người nào đủ năng lực thì giữ lại, người nào thực sự kém năng lực hay không phù hợp thì giảm. Trên thực tế, cũng có những người làm việc không tốt, chuyên môn yếu làm ảnh hưởng tới chất lượng công việc, nhưng dứt khoát không phải chỉ duy nhất người ký hợp đồng lao động là kém, còn biên chế thì giỏi.

Ngoài cái lý ra còn có cái tình, nhiều người trong số giáo viên không được tiếp tục ký hợp đồng lao động có thâm niên và chuyên môn vững vàng, cống hiến nhiều năm cho ngành giáo dục, chính quyền nên tìm cách sắp xếp, bố trí để họ có cơ hội tiếp tục công tác. Những người không thể bố trí làm giáo viên thì chuyển đổi công việc phù hợp, những người có cả hai vợ chồng cùng trong trường hợp này thì không thể cho nghỉ cả hai. Đối với những người sắp đến tuổi hưu, cần có chính sách hỗ trợ để họ an tâm về làm việc riêng hoặc nghỉ ngơi. Hãy cứ đặt trường hợp của người ra quyết định vào hoàn cảnh của từng giáo viên, sẽ thấy không thể máy móc sa thải mà cần tính toán cẩn thận.

Chính quyền vì dân không phải là chuyện xa vời, mà giải quyết hợp tình hợp lý và công bằng những vụ việc cụ thể cho người dân.