VNN - Không ít vị quan chức chốn giao tiếp giờ đây phải là nhà hàng, phải là “lọ, chai xịn”, là “trăm phần trăm...”. Vậy mà xem ra, nếp ứng xử, lời ăn tiếng nói vẫn như sau lũy tre làng, kiểu bố cu mẹ đĩ, kể cả khi cần giữ thể diện cho chiếc ghế quyền lực.
Văn hóa một số quan chức quả là …. chậm chân kiểu “không vội được đâu”
Khác hẳn với phát ngôn của các hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam, những ngày qua, dư luận truyền thông cũng ồn ào không kém về những phát ngôn của một quan chức với giới nhà báo.
Ai ngôn từ lung tung hơn ai?
Đó là ngôn từ ông Trần Anh Tú – Phó Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Nội (nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị), dùng để đối thoại với một nhà báo khi nhà báo này phỏng vấn ông- một trong những người chịu trách nhiệm một dự án “xe bus nhanh” tiêu tốn tiền thuế mà nhiều năm vẫn dậm chân tại chỗ.
Không biết có phải vì bị dồn nén về tâm lý, ấm ức với cái dự án tốn tiền tỷ mà vẫn ậm ạch nằm một chỗ, tức tối và cả "dị ứng" với giới báo chí, truyền thông hay “soi mói” vào những tiêu cực của các dự án hay không mà ông này không tốn... ngôn từ chợ búa với anh nhà báo nọ ở báo Tiền Phong:
-Không hiệu quả không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định? Rồi:
-Ùn tắc không phải việc của chúng mày. Chúng mày là cơ quan báo chứ không phải cơ quan thẩm định, không phải là cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Mày ăn nói lung tung!
Cứ thế, chúng mày- giới nhà báo mà anh chàng phóng viên nọ vô tình thành đại diện- hứng chịu những tràng liên thanh ngôn từ.
Chả biết ai ăn nói lung tung, cẩu thả hơn ai?
Cũng chẳng phải riêng ông Trần Anh Tú, dư luận xã hội chưa quên vụ ông Lê Hồng Thăng – Giám đốc Sở Công thương Hà Nội “mày tao” với một nhà báo khác ở báo Một Thế Giới, khi nhà báo này hỏi về việc thực hiện 02 dự án đường dây điện 500KV và 220KV được cấp chồng lấn lên khu nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Quốc Oai (Hà Nội), liên tục vặn lại nhà báo này: Thì làm sao? Rồi cũng "liên thanh" không kém:
-Mày bảo Giám đốc Sở Công Thương là nói không đúng với lại Chủ tịch hả? Tao sẽ làm cho nó ra chuyện. Cái việc của tao nói là việc của tao chứ không phải báo chí bình luận được những cái lời như thế, nhá. ...Nhưng mà nói trên báo chí mà động đến Giám đốc Sở Công Thương í, mày còn nói tồi tệ hơn như thế, nhá. Tao nói để mày biết như thế đấy!
Dường như giờ đây, nói chuyện với báo chí, ở một số quan chức, chỉ có rặt loại ngôn từ rất “hàng tôm hàng cá”.
Bởi hai vị quan chức ở Hà Nội- đất thủ đô thanh lịch không phải cá biệt, mà loại ngôn từ này còn là của vị quan chức của đất Thần kinh- cố đô, cũng nổi tiếng thanh lịch nốt- ông Ngô Văn Tuân, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên- Huế. Chỉ khác hai ông quan chức ở Hà Nội, ông quan chức ở Thừa Thiên- Huế cao ngạo mày tao với nhà báo: “Mày làm sao làmviệc với tao được, tao là bạn ông Th. (một cán bộ cao cấp)… mày làm việc với ông Th. đi…”, chỉ vì đã có chút “chai, lọ vào rồi”.
Nói cho công bằng, mày tao vốn là cách xưng hô thông thường của con người, giữa những người bạn bằng vai phải lứa, giữa cuộc trà dư tửu hậu thân thiết, đùa cười. Nhưng mặt khác, mày tao cũng là ngôn từ mang tính “sát khí” giữa những kẻ phàm phu tục tử, hoặc làm tổn thương nhau giữa những người đang cơn nóng giận.
Còn trong giao tiếp giữa các cơ quan công quyền, chẳng ai, nhất là quan chức có chút học vấn, bằng cấp đầy mình, có vị thế trong xã hội lại có quyền dùng mày tao một cách cao ngạo, miệt thị người khác, nhất là với giới truyền thông khi họ đến làm việc với mình.
Khi đó, mày tao là vũ khí.. sát thương chính các vị. Dù các vị vốn được xã hội liệt vào loại miệng nhà quan có gang có thép.
Không phải ngẫu nhiên, dân gian có những câu ca dao rất hay: Sảy chân gượng lại cho vừa/Sảy miệng còn biết đá đưa đường nào?
Dép lê và… đi giầy
Những ngày qua, ông Trần Anh Tú đúng là chẳng còn biết đá đưa đường nào.
Khỏi phải nói mớ “mày tao” hổ lốn- cuối cùng thành minh chứng, vật chứng minh họa cho cái phông văn hóa quan chức của ông ra sao, trên báo chí, truyền thông những ngày qua.
Mặc dù trong câu trả lời thô lỗ của ông, có một sự thật.
Đúng là báo chí không phải là cơ quan chuyên môn, có khả năng thẩm định những vấn đề đi sâu vào kỹ thuật, công nghệ, nhưng tòa soạn báo nào cũng luôn có một đội ngũ các chuyên gia, tư vấn, cố vấn về các vấn đề, lĩnh vực. Cũng chính vì vậy, trong hoạt động tác nghiệp nhà báo càng cần phải gặp những người am hiểu dự án, phỏng vấn các vị, những quan chức có trách nhiệm của các dự án thua lỗ bạc tỉ. Bởi tiền của các dự án đi vay, xét cho cùng vẫn là tiền thuế của dân!
Và có lẽ, chính vì áp lực dư luận quá lớn, thậm chí, lãnh đạo Hà Nội đã phải có chỉ đạo điều tra làm rõ vụ này, mà mới đây, ông Trần Anh Tú đã gửi lời xin lỗi tới nhà báo và tập thể báo Tiền phong, cùng bạn đọc về những phát ngôn không lấy gì làm văn hóa của mình.
Ông có day dứt và thật tâm hay không, chỉ thâm tâm ông mới biết.
Người viết bài chợt nhớ tới một quyết định thú vị những năm bắt đầu Đổi mới.
Đó là nhà nước chỉ đạo toàn thể cán bộ công nhân viên chức không được đi dép lê, mặc quần sooc tới công sở. Thay vào đó phải là dép có quai hậu, hoặc giầy tây.
Chỉ là một chủ trương về y phục, giầy dép, nhưng đó là một cuộc cách tân đáng kể về văn hóa công sở, một sự đổi thay về hình thức để văn hóa sống tương thích với một xã hội mới đang háo hức bước vào kinh tế thị trường, đòi hỏi từ tư duy đến giao tiếp, hành xử văn minh.
Ngành giáo dục một số tỉnh còn chủ trương dạy cho trẻ em không nói ngọng l, n…, từ tiểu học
30 năm đổi mới đã qua. Cả xã hội, cán bộ công sở, chốn công quyền đời sống đã khá hơn rất nhiều. Y phục cũng thay đổi, hiện đại hơn trước. Không ít vị quan chức chốn giao tiếp giờ đây phải là nhà hàng, phải là “lọ, chai xịn”, là “trăm phần trăm”… Vậy mà xem ra, nếp ứng xử, lời ăn tiếng nói vẫn như …. sau lũy tre làng, kiểu bố cu, mẹ đĩ, kể cả khi cần giữ thể diện cho chiếc ghế quyền lực.
Văn hóa một số quan chức quả là …. chậm chân kiểu “không vội được đâu”
Người xưa nói y phục xứng kỳ đức
Liệu đã đến lúc ngôn từ của một số quan chức công sở cũng đồng loạt phải…. “đi giầy” chưa?