SOHA - "Rủi ro có thể là 1 lần nhưng rút kinh nghiệm đến 18 lần thì sao có thể rút được, việc không xử lý trách nhiệm sẽ khiến người dân không đồng tình", ông Trần Quốc Thuận nói.
Không xử lý trách nhiệm sẽ khiến người dân không đồng tình
Xung quanh việc không xem xét trách nhiệm hình sự 5 lãnh đạo Vinaconex (trong đó có ông Phí Thái Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên PCT TP Hà Nội) với lý do phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu, khai báo thành khẩn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ông Thuận cho rằng, theo kết luận từ tháng 2/2012 đến tháng 9/2015, tuyến ống nước sạch Sông Đà bị vỡ 14 lần, khiến doanh nghiệp khai thác phải chi hơn 13,4 tỷ đồng để khắc phục sự cố... như vậy hành vi vi phạm rõ ràng nghiêm trọng.
"Việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả vỡ đường ống nước tới nay là 18 lần, thiệt hại rất nhiều như vậy thì không ai có thể bỏ qua được.
Rủi ro có thể là 1 lần nhưng rút kinh nghiệm đến 18 lần thì sao có thể rút được, việc không xử lý trách nhiệm sẽ khiến người dân không đồng tình, do đó, theo tôi, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", luật sư Thuận nói.
Ông Thuận cũng nêu thêm, lý do không xem xét trách nhiệm hình sự được đưa ra là ông Phí Thái Bình cùng 4 thành viên khác của Vinaconex khai báo thành khẩn, vi phạm lần đầu, sức khỏe yếu... nhưng, cần phải xem rõ là vi phạm lần đầu hay là lần thứ 18.
"Cần phải phân tích thật rõ là vi phạm lần đầu hay là lần thứ 18, bởi ống nước sông Đà đã vỡ đến nay là 18 lần. Còn trách nhiệm quản lý mà lại không bị xử lý thì dễ dẫn đến mất niềm tin trong nhân dân. Cứ xong rồi phủi tay thế thì làm sao đây...?
Thêm vào đó, cứ xem xét nhân thân nhưng nhân thân tốt rồi muốn làm gì cũng được hay sao? Dư luận, nhân dân yêu cầu là mọi thứ phải rõ ràng và phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật", ông Thuận bày tỏ.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng chia sẻ, Vinaconex là doanh nghiệp của Nhà nước, nguồn tiền sử dụng làm đường ống đó là tiền thuế của nhân dân nên những người làm sai, gây thất thoát, hậu quả nghiêm trọng thì phải bị xử lý.
"Vi phạm như thế, số tiền mà đơn vị khai thác phải bỏ ra lớn như thế để xử lý hậu quả sai phạm gây ra, rồi việc này gây ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn hộ dân, khiến họ phải chịu cảnh thiếu nước như vậy... thì phải xử lý và trách nhiệm bồi hoàn cũng cần phải làm rõ.
Nếu ở đây, những người làm sai mà dùng tiền của mình để bồi thường với hậu quả từ các hành vi mình gây ra ở trên thì có thể xem xét nếu không dư luận, nhân dân khó chấp nhận", ông Thuận nhấn mạnh.
Phải xử lý dù ở cương vị nào
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị, hiện Đảng, Nhà nước ta đã có đầy đủ các Nghị quyết, văn bản pháp luật quy định rõ về việc xử lý đối với các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
"Do vậy, tôi đề nghị các cơ quan tố tụng pháp luật, nếu phát hiện sai phạm cần phải xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm ở đây, dù người đó ở cương vị nào", ông Thuận nêu quan điểm.
Cùng trao đổi với PV, luật sư Trần Đình Triển (Hà Nội) cũng cho hay, các sai phạm của các cá nhân ở Vinaconex đã dẫn đến đường ống liên tục bị vỡ, gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây bức xúc cho công luận.
"Việc lãnh đạo Vinaconex được xác định là làm sai dự án, thi công, kỹ thuật,…và trái pháp luật nhưng lại không bị xử lý hình sự với một trong các lý do là "nhân thân tốt", theo tôi là không phù hợp.
Bởi, theo quy định của pháp luật thì nhân thân tốt chỉ là một tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình; nếu đây trở thành án lệ thì mọi tội phạm mà có nhân thân tốt thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hay sao?
Không thể vì dư luận, để trấn an dư luận mà đưa một số người làm tốt thí, còn kẻ phạm tội chính thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật...", luật sư Triển nêu rõ.