(GDVN) - Nước Áo có Bộ trưởng ngoại giao 27 tuổi, New Zealand có nghị sỹ 28 tuổi hay Canada có nghị sỹ 19 tuổi…còn ở nước ta thì sao?
LTS: Nhìn nhận quy trình bổ nhiệm cán bộ trên thế giới và soi chiếu vào nước ta, Ths Trương Khắc Trà đã thấy nhiều điểm khác biệt.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết nêu ý kiến này của tác giả.
“Sống lâu lên lão làng” là câu thành ngữ có từ ngàn xưa của người Việt ta, bởi ngày xưa những người lớn tuổi mới thực sự được coi trọng và giữ các chức sắc trong làng.
Khi họp hành, ăn uống họ cũng nghiễm nhiên ngồi “chiếu trên”, bất luận tài năng hoặc đức độ thế nào cũng không thể giỏi hơn…“chòm râu” và “cây gậy”!.
Điều này tuy thể hiện tâm tính kính trên nhường dưới, kính lão đắc thọ nhưng sống trong thời buổi hiện đại liệu rằng những quan niệm như “tôi già tôi có kinh nghiệm”,“tôi có tuổi tôi mới làm lãnh đạo”…có còn phù hợp?
Cạnh nhà tôi có vị cán bộ về hưu, ngày xưa ông đi bộ đội, sau khi xuất ngũ được bố trí làm nhân viên của hàng mậu dịch quốc doanh rồi sau biên chế vào cơ quan cấp huyện.
So với những người đồng trang lứa ông là người hiếm hoi có học vấn cao nhất thời đó, được cử đi học ngoài Bắc hẳn hoi.
Về huyện công tác hơn 25 năm nhưng vẫn lẹt đẹt lính tráng, không rõ là do hạn chế năng lực hay vì lý do gì khác, mãi đến khi ông gần về hưu người ta mới bố trí cho ông cái chức phó.
Hỏi ra mới rõ vì ông…đã lớn tuổi nên người ta mới “nâng” cho cái chức phó để an ủi tuổi già!.
Đến đây có thể rút ra mấy điều, đề bạt chức danh lãnh đạo ở cái tuổi xế chiều liệu có còn hiệu quả khi mà sức lực, tâm trí, hoài bão của người ta đã giảm đến mức thấp nhất trong cuộc đời và nếu có còn tí chút nhiệt huyết thì khoảng thời gian ít ỏi trước khi hạ cánh cũng không thể làm được gì đáng kể.
Vậy là những gì người ta học hỏi tích lũy trong mấy mươi năm chinh chiến ở đời trở nên lãng phí đáng tiếc.
Cứ mãi giữ quan niệm cũ kỹ “tôi già tôi có quyền” thì tài năng trẻ còn lãng phí dài dài, nhìn vào một cuộc họp công sở là sẽ rõ, trung tâm khi nào cũng là người lớn tuổi và hiển nhiên tuyệt đại đa số họ là lãnh đạo, suốt cả buổi họp những người trẻ chỉ nghe và gật…
Trẻ “bật” lại già thì bị coi là hỗn, là ngựa non háu đá, người ác miệng hơn còn phán đừng tưởng có bằng cấp cao mà thể hiện ta đây.
Thế là xong! Ngồi im… cho an lành và bao nhiêu sự sáng tạo, đột phá, cải cách, dám nói dám làm chết dần chết mòn theo thời gian.
Thành tích của cấp trên bao giờ cũng chói lọi xuất sắc còn những đóng góp của nhân viên chỉ là bèo bọt nhẹ tựa lông hồng!
Bởi hiếm khi khen thưởng tuyên dương đến được tay những người cấp dưới, trẻ tuổi, giả sử có được “quy hoạch” khen không ít người cũng từ chối khéo vì chẳng ai dại dột lao vào cuộc cạnh tranh sòng phẳng với sếp mình.
Cơ chế hiện nay ít tin tưởng và e ngại giao trọng trách cho người trẻ, có chăng chỉ là những con người “gốc gác”, “lý lịch” làm tốn giấy mực của báo chí.
Dư luận cũng đặt câu hỏi nếu không có những cái gốc “cổ thụ” ấy thì những người trẻ đó có đủ sức với tới những chức vụ cao ngất ngưỡng?
Nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt, là số ít trong vô vàn cử nhân, thạc sỹ đang phí phạm tài năng và tuổi trẻ sau những cánh cửa nặng nề đầy định kiến.
Tôi có anh bạn thời đại học, là người tài năng nhiệt huyết.
Sau khi ra trường biết bao người chật vật đôn đáo chạy tìm việc thì anh bạn tôi đã bản lĩnh từ chối lời mời ở lại trường giảng dạy để làm nhân viên cho một công ty tư nhân. Lý do là vì sợ “đụng” phải những người thầy đã từng dạy mình.
Bởi quan niệm thầy – trò đã và sự phục tùng thầy trong suốt nhiều năm sẽ là lực cản cho cái gọi là “đồng nghiệp” vốn đầy cạnh tranh và mất lòng.
Nhiều người cho rằng anh bạn tôi dại dột nhưng tôi luôn cho rằng anh là người thức thời và bản lĩnh, lựa chọn của anh ta đã được xã hội chứng minh là đúng!
Chính sách cho cán bộ trẻ không phải không có nhưng khâu thực hiện vẫn là hình thức, hầu hết người đã công tác lâu năm đều nhìn cán bộ trẻ với con mắt hoài nghi lẫn đố kỵ, cho dù họ tốt nghiệp đại học, thạc sỹ ở nước ngoài.
Trong công việc đôi lúc cần kinh nghiệm để xử lý nhưng người lớn tuổi hơn không có nghĩa là “dày” kinh nghiệm hơn, kinh nghiệm và kỹ năng không phải khi nào cũng dày lên cùng với tuổi tác, trẻ tuổi nhưng không có nghĩa là hạn chế kinh nghiệm.
Cái quan trọng nhất là người ta học hỏi ra sao, lượm lặt được gì trong cuộc sống để vun đắp cho bản thân mình.
Nước Áo có Bộ trưởng ngoại giao 27 tuổi, New Zealand có nghị sỹ 28 tuổi hay Canada có nghị sỹ 19 tuổi…và dĩ nhiên trong không ai trong số họ là quan chức “cây nhà lá vườn”.
Ở ta việc bổ nhiệm cán bộ phải căn cứ vào bằng cấp, ngoài bằng chuyên môn thì phải có bằng lý luận, rồi phải có thành tích khen thưởng này nọ kia…chỉ bấy nhiêu thôi thì cũng khiến người trẻ bị loại ngay vòng gửi xe, cho dù anh ta tài giỏi tới đâu mà không đủ “ chuẩn”, không “đúng quy trình” cũng ra rìa.
Còn nhớ trong những năm tháng khó khăn sau cách mạng tháng Tám năm 1945, thời điểm nhiều cán bộ trẻ được giao trong trách, tất nhiên là vì lý tưởng cách mạng chứ không tơ hào công danh.
Tuổi trẻ thời ấy đã chứng minh được tài năng đức độ, góp phần không nhỏ đưa đất nước vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng…còn tuổi trẻ thời nay phải chăng kém cỏi?
Thiết nghĩ, sở dĩ dân tộc Việt Nam có được vị tướng tài ba lỗi lạc như Võ Nguyên Giáp cũng là nhờ con mắt tinh tường, tin tưởng giao trọng trách cho người trẻ như Bác Hồ kính yêu đã từng làm, kinh qua công việc để rút lấy kinh nghiệm, tôi luyện bằng thực tiễn chứ không phải bằng tuổi tác. Không được giao trọng trách thì lấy gì để người trẻ “kinh” và “rút”?
Ngày nay quan niệm “sống lâu lên lão làng” chỉ còn đúng theo nghĩa đen, bởi sự nhanh nhạy thức thời của người trẻ là lợi thế để họ có thể vượt xa người già về mọi thứ. Đổi mới đất nước trước hết phải đổi mới từ trong tư duy, suy nghĩ.
Lớp trẻ là rường cột của đất nước nên hãy tạo điều kiện thật sự cho người trẻ có những vị trí rường cột. Không nên ôm khư khư những giá trị đã lạc hậu của quá khứ để soi chiếu cho hiện tại và tương lai.