Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Đừng mang "đúng quy trình" ra làm bùa hộ mạng

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TTO - “Đúng quy trình” là cụm từ được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, không thể xem “quy trình” như bùa hộ mạng bảo vệ con người khi để xảy ra những sai trái, thiệt hại.

“Quy trình”, thuật ngữ vốn được dùng trong khoa học, trở thành từ dùng quen thuộc ở khu vực công mấy năm gần đây. Nói đến quy trình, người ta liên tưởng đến một chuỗi tác nghiệp bắt buộc thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quy trình được xây dựng với sự quan tâm đặc biệt trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm: tổ chức cán bộ; thu, chi tiền bạc; giải quyết yêu cầu của người dân muốn thực hiện những công việc cần phải xin phép nhà chức trách (xây dựng, kinh doanh có điều kiện...).

Quy trình được cho là cần thiết trong khu vực công để hợp lý hóa và minh bạch hóa nền công vụ: việc làm rõ các bước đi trong công tác giúp mọi người hình dung được rõ ràng trình tự thực hiện công việc theo chức năng. Sự tham gia của nhiều người vào chuỗi công tác còn cho phép người ta kiểm soát lẫn nhau, nhờ đó có thể ngăn chặn sai sót, tham nhũng, tư lợi.

Quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức được xây dựng để tránh những lời ra tiếng vào không hay về việc cất nhắc một người vào một vị trí trong bộ máy, đặc biệt là để ngăn chặn tệ nạn nâng đỡ con ông cháu cha. Quy trình xử lý đơn yêu cầu của người dân có tác dụng ngăn chặn nạn nhũng nhiễu, hạch sách của người thực thi công vụ.

Tuy nhiên, cũng chính vì được cho là có những ưu điểm đó mà quy trình có xu hướng bị lạm dụng. Ngoài việc được phát ra ở cửa miệng theo “mốt” thời thượng, quy trình được sử dụng như lá bùa hộ mạng bảo vệ con người mỗi khi có điều gì đó gây tranh cãi hoặc có thiệt hại xảy ra do hệ quả của công việc.

Chẳng hạn, doanh nghiệp do con ông cháu cha lãnh đạo bị thua lỗ nặng, dư luận nghi thua lỗ là do sai lầm trong việc lựa chọn lãnh đạo, thì chống chế bằng cách nói rằng việc bổ nhiệm đã được thực hiện theo quy trình.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh sai, dẫn đến hậu quả người bệnh bị cưa chân do hoại tử, mọi người bức xúc đòi làm rõ trách nhiệm thì đem quy trình ra để đối phó. Thủy điện xả lũ về hạ du gây ngập úng, nhấn chìm cây cối, hoa màu, nhà cửa, gia súc, thậm chí cả con người, bị đòi bồi thường thiệt hại thì chủ doanh nghiệp cho rằng đòi hỏi không có căn cứ vì thủy điện chỉ xả lũ theo đúng quy trình.

Thật ra quy trình nghiệp vụ do con người xây dựng để tổ chức thực hiện công việc theo những thể thức được xác định. Còn thực hiện công việc như thế nào và dẫn đến hệ quả ra sao lại lệ thuộc vào con người, cụ thể là người được giao việc, tuân thủ quy trình không phải là sự bảo đảm có được kết quả công việc như ý.

Được bổ nhiệm đúng quy trình nhưng lãnh đạo kém cỏi, vô trách nhiệm thì doanh nghiệp vẫn thua lỗ; chẩn đoán bệnh theo quy trình nhưng bác sĩ dốt nát thì vẫn có thể nói bậy, làm bậy.

Quy trình xả lũ là căn cứ để thủy điện giải tỏa áp lực cho hồ chứa, đó không phải là điều kiện mà chỉ cần doanh nghiệp tuân thủ, đáp ứng là có quyền tha hồ tự tung tự tác trong không gian sống, bất chấp lợi ích chính đáng của người khác.

Nguyên tắc sống và ứng xử là nếu làm một việc gì đó mà gây thiệt hại cho xã hội, cho người khác thì phải chịu trách nhiệm. Chẳng có luật nào, cũng chẳng có đạo lý nào nói rằng cứ làm đúng quy trình thì được miễn trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức mỗi khi có thiệt hại xảy ra.