TP - Bộ Tư pháp vừa họp thẩm định dự thảo Luật Công an xã, trong đó có nhiều tiêu chí gây tranh cãi như tuyển chọn công an xã ở bậc học tối thiểu là tiểu học; công an xã có quyền huy động phương tiện của người dân như ô tô, xe máy, điện thoại di động…
Dự thảo Luật Công an xã cụ thể hóa tiêu chuẩn tuyển chọn công an xã như là công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án, tiền sự…
Chỉ cần tốt nghiệp tiểu học
Ngoài ra, trưởng công an xã, phó trưởng công an xã phải là người đã học xong chương trình THPT trở lên; công an viên phải là người đã tốt nghiệp THCS trở lên. Đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không có đối tượng tuyển chọn đủ tiêu chuẩn học vấn như trên thì trình độ học vấn của trưởng công an xã, phó trưởng công an xã và công an viên có thể thấp hơn nhưng tối thiểu phải tốt nghiệp tiểu học.
Tuy nhiên, một số người tỏ ra chưa yên tâm về việc trình độ tối thiểu của công an xã. Anh Nguyễn Văn Tuấn (phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) cho rằng, nhìn vào tổng thể, dự thảo quy định công an xã chỉ cần tốt nghiệp tiểu học là quá thấp so với mặt bằng dân trí nước ta hiện nay.
Thực tế đã xảy ra những vụ công an xã lạm quyền, xâm phạm tài sản, sức khỏe… của người dân vì trình độ hạn chế, trong khi hầu hết người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa đều sợ “động chạm” công an. Họ không có điều kiện tiếp xúc với các hoạt động trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình khi công an xã lạm quyền.
“Nếu công an huy động tài sản như điện thoại mà sau đó làm mất, làm lộ hình ảnh, clip cá nhân, làm lộ tài liệu làm ăn kinh doanh, mật khẩu hộp thư điện tử, tài khoản ngân hàng… thì giải quyết thế nào?
Hiện công an xã chưa được đào tạo bài bản, học vấn chỉ ở mức tiểu học thì không tránh khỏi sai sót khi làm việc. Ngoài ra, với số lượng công an xã tương đối nhiều như hiện nay, nếu tăng quyền cho các đối tượng này sẽ không tránh được việc lạm quyền gây phiền nhiễu tới người dân” – anh Tuấn lo ngại.
Lo ngại chuyện huy động phương tiện
Nhiều ý kiến phân tích, thực chất việc công an xã “huy động” phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác theo dự thảo Luật Công an xã chính là hoạt động trưng dụng tài sản có thời hạn. Do vậy, việc trưng dụng tài sản phải tuân thủ Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Chủ nhiệm Văn phòng Luật sư Trường Lộc cho rằng, theo Điều 5 Luật Trưng mua, trưng dụng 2008, các trường hợp cấp cứu người bị nạn, cứu nạn, cứu hộ, truy bắt người phạm tội quả tang, người gây tai nạn bỏ chạy, người có quyết định truy nã, truy tìm không phải là trường hợp được trưng dụng tài sản.
Theo Điều 24 luật này, công an xã cũng không có thẩm quyền trưng dụng tài sản. “Việc huy động tài sản của công an xã có thể xâm phạm đến quyền về tài sản của người dân được pháp luật bảo hộ nên không được trái với Hiến pháp 2013.
Đặc biệt, cần phải quy định rõ đó là hoạt động trưng dụng chứ không phải là huy động chung chung và dự thảo Luật Công an xã về nội dung này không được trái với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản” - luật sư Tuấn nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng: Nếu chính quy đội ngũ công an xã, số lượng sẽ rất lớn, ngân sách nhà nước chưa thể bảo đảm được.
Công an xã là những người gắn với đời sống sản xuất ở cấp xã, chứ thành chính quy thì đồng nghĩa với việc nhà nước phải trả lương cho thêm hàng trăm ngàn sĩ quan, hạ sĩ quan nữa, tức là biên chế rất lớn. Vì thế không nên đi theo hướng chính quy.
Về quy định trình độ tối thiểu của công an xã là tốt nghiệp tiểu học, Thiếu tướng Trần Thế Quân nói: Đó chỉ là đầu vào, tuyển chọn mà yêu cầu cao quá thì cũng không có ai muốn làm, vì thực tế hiện nay phụ cấp cho công an xã rất thấp (200.000 đồng - 300.000 đồng/tháng), không có lương, công việc lại vất vả, nguy hiểm.
Cũng vì phụ cấp thấp, môi trường làm việc phức tạp, khó khăn nên nhiều người phải bỏ việc. Còn trưởng công an xã, phó trưởng công an xã thì phải có trình độ trung cấp công an trở lên. Chỉ trưởng công an xã mới có lương.