Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Hoan hô: Cá nhiễm phenol không được ăn, không ăn được

LÂM CHÍ CÔNG

LĐO - Từ Cộng hòa Liên bang Đức, tiến sĩ Nguyễn Hữu Phương gửi riêng báo Lao Động bài viết “Cá nhiễm phenol dưới góc độ khoa học và luật pháp”. Hàng chục ngàn lượt bạn đọc của laodong.com.vn đã bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao hiểu biết và bản lĩnh của TS Nguyễn Hữu Phương trước một sự kiện đang và vẫn “sôi sục truyền thông” trong nhiều ngày qua. Nhiều bạn đọc bình luận rằng, qua bài viết về cá nục nhiễm phenol cho thấy tác giả Nguyễn Hữu Phương là một tiến sĩ có tâm, có tầm.

Trước sự kiện cơ quan chức năng y tế tỉnh Quảng Trị phát hiện chất độc phenol trong lô cá nục 30 tấn và đưa ra khuyến cáo tiêu hủy, cấm sử dụng thì giới khoa học trong nước chia làm “hai phe”: Một phe là “các chuyên gia thống nhất nhận định” cho rằng cá nhiễm phenol như ở Quảng Trị không đáng lo ngại, ăn được; còn phe kia là một vài nhà khoa học có nêu danh tính khẳng định phenol là chất độc, do vậy cá nhiễm phenol không thể ăn vào cơ thể người. Cuộc tranh cãi “ăn được” “không ăn được” cá nục nhiễm phenol vẫn tiếp tục sôi sục, và giữa lúc tưởng chừng như “tắc tị” thì TS Nguyễn Hữu Phương lên tiếng. “Về mặt khoa học, phenol là hoá chất thuộc lĩnh vực công nghiệp. Về mặt luật pháp, phenol thuộc danh mục chất cấm trong lĩnh vực thực phẩm. Từ tiền đề khoa học và luật pháp phổ quát trên, thế giới không đưa ra ngưỡng hàm lượng phenol an toàn trong thực phẩm. Điều đó được hiểu nếu phát hiện có dấu hiệu định tính phenol chứ không cần định lượng bao nhiêu là buộc phải hủy do luật pháp chế tài” - TS Phương khẳng định.

Trường phái “ăn được” do “các chuyên gia thống nhất nhận định” cho rằng Phenol vẫn sử dụng được vì luật pháp các nước “không đưa ra ngưỡng”. Như đã nói, các quốc gia văn minh trên thế giới không đưa ra ngưỡng hàm lượng phenol an toàn/ không an toàn trong thực phẩm là vì đó là hóa chất dùng trong công nghiệp, và cấm trong thực phẩm. Mà đã cấm thì một tí tẹo cũng không được phép có, làm gì có quy định ngưỡng. TS Phương cho rằng lập luận “với hàm lượng 0,037mg/kg, nếu một gia đình 4 người ăn 1kg thì nồng độ chỉ còn 0,009mg/ngày. Lượng ăn này không nhiều, khi vào cơ thể không đủ tác động ngay, lại bị đào thải một phần nên không đáng ngại” là không có bất cứ cơ sở, bằng chứng khoa học nào cả.

Trong bài viết, TS Nguyễn Hữu Phương nói mặc dù con số 30 tấn cá nục bị phát hiện nhiễm chất phenol đã được cơ quan chức năng tiêu hủy nhưng việc đề cập, làm rõ việc hóa chất có trong cá trong bối cảnh hải sản trên Biển Đông ở Việt Nam có an toàn thực phẩm hay không là cần thiết. Chúng tôi đồng tình cao với TS Nguyễn Hữu Phương trong tình cảnh hiện nay, rất cần có những thông tin, phát ngôn chính thức, có cơ sở, bằng chứng khoa học để giúp người dân có niềm tin chứ không nên và không thể tuyên bố tùy tiện, cảm tính (thậm chí phản cảm) đẩy người tiêu dùng thực phẩm vào ngõ cụt “không biết đâu mà lần”.

Như vậy, đã có đủ cơ sở để kết luận rằng cá nhiễm phenol là không được ăn do pháp luật cấm hoá chất này có trong thực phẩm và không ăn được là do nó là hoá chất độc hại (chỉ dùng trong công nghiệp). Hoan hô TS Nguyễn Hữu Phương!