Người Đưa Tin - Tại sao chúng ta có quyền yêu thích, có quyền đồng ý với một quyết định, một sự kiện mà chúng ta lại không cho người khác quyền được phản biện
Quả thật cuộc sống là một chuỗi mâu thuẫn và nghịch lý khó có thể lý giải bởi một mặt, ai ai cũng mong muốn có một xã hội mà con người được “tự do ngôn luận”, được phản biện và sống thật với chính mình. Vậy mà mặt khác, họ sẵn sàng dìm một cá nhân không thương tiếc nếu như cá nhân đó “khác biệt”, không chịu đeo chiếc mặt nạ của đám đông.
Một trong những minh chứng cụ thể nhất cho “mâu thuẫn” đó chính là sự bức xúc một cách độc đoán của dư luận dành cho cô giáo Trần Thị Mỹ Hà, tổ trường bộ môn Ngữ Văn trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội về việc cô bày tỏ quan điểm liên quan đến chính sách đặc cách vợ Đại tá Trần Quang Khải được vào ngành giáo dục.
Chỉ sau một dòng chia sẻ: “Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học. Ku Tây không thích điều này” mà cô đã gánh lấy không biết bao nhiêu phiền toái. Từ bạn bè đồng nghiệp đến những “vị khách vãng lai” trên mạng xã hội... Tiếng dữ đồn xa, chẳng mấy chốc độc giả cả nước đã biết đến cô và “dành tặng” cho cô những mỹ từ đẹp đẽ nhất để nói về con người dã tâm.
Khoan hãy bàn tới những vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ hay những ý nghĩa nhân văn đằng sau hành động đặc cách đó. Chúng ta chỉ bàn tới “cảm xúc” trong sự việc này – vấn đề mà gắn liền vào suy nghĩ của hầu hết chúng ta khi nói đến phát ngôn của cô giáo Mỹ Hà.
Có thể thấy, những chia sẻ của cô Hà đơn thuần chỉ bày tỏ sự “không thích” trước việc đặc cách tuyển dụng vợ Đại tá Trần Quang Khải vào trường THPT Chu Văn An. Sự không đồng tình này của cô đều dựa trên những cơ sở khách quan chứ hoàn toàn không phải là tính “đố kị”, “nhỏ nhen” mà nhiều độc giả lầm tưởng.
Bởi riêng với đặc thù của ngành giáo dục, không thể có chuyện dễ dãi trong tuyển dụng nhân sự. Hậu quả của sự “dễ dãi” trong ngành y chỉ tính bằng người còn hậu quả của sự “dễ dãi” trong giáo dục lại tính bằng cả thế hệ.
Vậy tại sao chúng ta có quyền yêu thích, có quyền đồng ý với một quyết định, một sự kiện mà chúng ta lại không cho người khác quyền được phản biện? Phải chăng chúng ta đang tự biến xã hội thành một bầy cừu, tất cả đều phải đi theo đàn, chú cừu nào thoát ra khỏi “quy luật” ấy sẽ ngay lập tức bị “ăn thịt”?
Có lẽ chính những người đang ngày đêm lên tiếng bảo vệ sự “nhân đạo” một cách mù quáng mới là căn nguyên của bệnh vô cảm mà chúng ta đang ngày đêm áp đặt cho người khác. Bởi nếu ai đó vẫn còn có tâm lý phản biện, đưa ra chính kiến của mình về một vấn đề thì chứng tỏ họ vẫn còn “cảm xúc", vẫn còn quan tâm. Chỉ khi họ cứ lầm lũi đi theo đám đông, không dám nêu quan điểm của mình, chẳng phân biệt được đâu là sự phải, cũng chẳng biết mình cần hành động gì, mình cần nói gì đấy mới là lúc con người ta dương tính với bệnh vô cảm.