Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Không thể “nuôi báo cô” mãi được

ĐÀO TUẤN

LĐO - Quản lý hạ tầng đồ sộ với 3.000km đường sắt, 287 nhà ga... trên tổng quỹ đất 6.0000ha, nhưng hằng năm, ngân sách nhà nước vẫn phải cấp 1.200 tỉ đồng cho công tác bảo trì của ngành đường sắt.

Đây là những con số quá lạnh lùng, nhưng khách quan, vừa được Bộ Tài chính đưa ra trong một báo cáo về quản lý và hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt.

1.200 tỉ từ ngân sách cho bảo trì ấy, để mỗi cuối năm, ngành đường sắt thu lại cho ngân sách nhà nước 350 tỉ đồng.

Quá vô lý. Nói là kinh doanh ngược cũng đúng, mà bảo là “nuôi báo cô” một ngành chỉ được mỗi cái “kềnh càng” cũng chẳng sai.

Và không thể không thêm những gạch đầu dòng: Năng lực vận tải chỉ đạt khoảng 4,5 tổng lượng hành khách.

Và những ưu thế vận tải hạng nặng, siêu trường, siêu trọng ấy đang chỉ vận chuyển 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa.

Hồi đầu năm, ông Đinh La Thăng, khi đó còn là Bộ trưởng Bộ GTVT, ngay trong hội nghị sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt đã thẳng thắn: Hiệu quả sản xuất kinh doanh của TCty này còn quá yếu. 

Yếu đến độ ngay cả đơn vị chủ lực là Cty vận tải đường sắt Sài Gòn cũng chỉ lãi nổi... 5 tỉ đồng mỗi năm. (Kế hoạch 2016 lãi... 10 tỉ đồng). Rồi cả TCty chỉ lãi 65 tỉ và kế hoạch năm 2016 “phấn đấu” lên 69 tỉ. Trong khi bộ máy “cồng kềnh” không kém với 30.000 nhân viên.

Lãi như không! Lãi như hạt cát trong khi khối hạ tầng khổng lồ. Không thể cạnh tranh cả với đường bộ và hàng không ngay trong thế mạnh nhất của mình là vận tải hàng hóa.

Trong bản báo cáo hôm qua, ngay Bộ Tài chính cũng nhận thấy rằng chính nguyên nhân bao cấp, chẳng hạn không cả thu tiền sử dụng đất với những diện tích được sử dụng với mục đích kinh doanh - chính là yếu tố triệt tiêu động lực cạnh tranh của 
ngành này.

Có thể, đã đến lúc để đặt câu hỏi có nên “nuôi báo cô” những doanh nghiệp nhà nước chỉ bởi chúng là doanh nghiệp nhà nước!

Có lẽ, đã đến lúc cần chấm dứt bầu sữa bao cấp để chúng có thể tự ăn, tự hít thở, tự lớn dậy.

Có lẽ, ngay trong việc bổ nhiệm người đứng đầu, không thể thiếu chỉ tiêu hiệu quả qua những con số.

Và có lẽ, đừng mãi say sưa với cái bình tái cơ cấu khi thứ “rượu” trong đó vẫn là những con người cũ, vẫn là những tư duy cũ, vẫn là những cơ chế cũ, vẫn là sự bao cấp cũ.

Nhìn ngay sang láng giềng, trong khi ngành đường sắt Trung Quốc đang bị hội chứng phát triển quá nóng thì ở ta vẫn loay hoay đặt câu hỏi với cái khổ đường sắt đã có từ thế kỷ trước. Thế thì bao giờ mới lớn được!