TTTG - Loay hoay trong các kỳ thi, học sinh tuần này đang chạy nước rút những bài học và kỳ thi cuối cùng để chuẩn bị vào hè. Nhưng khi về đến nhà, nhiều phụ huynh phải lau nước mắt cho con và cũng có khi đón nhận một gương mặt lạnh lùng, vô cảm khi hỏi: “con thi môn văn có tốt không?” Một vài câu chuyện thực tế dưới đây, như là lời giải đáp.
Không phải ngày nay không ít học sinh mới nói câu này. Ba mươi năm về trước khi còn là một cô bé mười tuổi như con gái tôi bây giờ, tôi đã nói với cha mình như vậy.
Cha tôi vốn là một người mê văn chương, vì thế ở nhà, tài sản quý giá trong nhà không có gì, ngoài sách.
Tôi ảnh hưởng tình yêu văn học từ đó và luôn mơ mình trở thành nhà văn hoặc ít nhất cũng là cô giáo dạy văn.
Nhưng càng lớn, tôi càng thất vọng vì môn văn mình học ở nhà trường, và tôi ngán ngẩm những “đề bài”, “đề thi”…
Khi có con, tôi bắt đầu quay trở lại với cảm giác đó khi con mình than thở: “Mẹ ơi, sao tụi con phải học văn mẫu? Con tự làm được mà?”, “Mẹ ơi, thi học kỳ, cô bắt học thuộc hết tất cả các bài văn mẫu để đến lớp chỉ cần chép ra”…
Cho đến hôm nay, tình cờ trong buổi nói chuyện với một thầy giáo, khi quay sang hỏi con: thầy nói, “con chỉ cần học giỏi ba môn toán văn ngoại ngữ, con thấy sao?”, con gái trả lời: “Con ghét môn văn!” khiến tôi hơn bất ngờ và lúng túng trước mặt thầy, vì trước đó tôi hay khoe con gái mình mê đọc sách và thích viết truyện.
“Sao con lại ghét môn văn, mẹ thấy con thích viết mà?” – “Nhưng môn văn ở trường, chỉ bắt mình viết toàn những gì người khác nghĩ, còn khi con viết, con được viết những điều con cảm nhận”.
Mới đây, tôi tình cờ đọc một đề thi tốt nghiệp trung học của một trường tại Gia Lai, tôi đã phát hoảng với kiểu đề áp đặt và khiên cưỡng khi đưa ra một đoạn văn cũng đầy khiên cưỡng, áp đặt nhưng được khoác lên những từ mỹ miều như “thủ pháp ẩn dụ”, “phép liên tưởng”… để viết những câu văn sáo rỗng.
Đây là đoạn văn được trích để làm đề thi: “Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là hai vật tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa, để rồi từ đó loài người đã cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm phải chết vì thiếu lửa.
Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun con rắn. Không có lửa, làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm! Làm gì có “sốt” sắng, “nhiệt” tình, đuốc tuệ!
Làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng! Sẽ đâu rồi “lửa” yêu thương? Việc mẹ việc cha, việc nhà việc nước, làm gì với đôi vai lạnh lẽo, ơ hờ? Không có lửa, em lấy gì “hun” đúc ý chí, “nấu” sử sôi kinh? Em không thể “woot!” cũng chẳng “hot”, sống đời thực vật vô tri như lưng cây, mắt lá, đầu cành, thân cỏ…
Cho nên: Biết ủ lửa để giữ phẩm cách – người, nhân cách – Việt. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Thế nhưng: Nếu không có lửa, sao thành mùa xuân?”
Có người nói tôi không cần phân tích nữa, vì với một “đề bài” như trên dành cho học sinh lớp 12, là lớp cuối cùng sau 12 năm miệt mài với tiếng Việt, thì việc còn lại chỉ là cảm nhận của chính bạn đọc.
Nhưng cũng trên trang FB của người thầy tôi quen đó, tôi đã nhận được một ý kiến rất khoa học về đề bài này của cô Phuong Ha, có lẽ cô cũng là giáo viên, đã viết: “Đề thi “mở” và có nhiều “đất” để phát huy sự sáng tạo của thí sinh là xu hướng ra đề hiện nay. Nhưng “mở” không có nghĩa là lấy bất cứ ngữ liệu nào làm đề thi cũng được.
Ngữ liệu đọc hiểu trong đề thi này thực sự là còn rối rắm; câu chữ, hình ảnh, cách diễn đạt chưa thật sự sáng, dễ gây hiểu nhiều cách khác nhau, dẫn đến sai lệch với ý tác giả muốn nói… Như thế, là chưa đạt tính khoa học của đề thi. Tôi thiết nghĩ, sự tranh luận là để đi tới một sự tiến bộ hơn”.
Vâng, đến giờ, chúng ta vẫn tiếp tục tranh luận về câu chuyện giáo dục của nước nhà, và chỉ bắt đầu từ một “đề thi” tưởng là rất nhỏ, nhưng chính những thứ “nhỏ” thế này, khi được sắp đặt và lồng ghép vào bức tranh lớn của giáo dục Việt Nam, sẽ mãi không bao giờ có thể hoàn thiện vì những mảnh ghép lỗi.
Đề thi “mở” và có nhiều “đất” để phát huy sự sáng tạo của thí sinh là xu hướng ra đề hiện nay. Nhưng “mở” không có nghĩa là lấy bất cứ ngữ liệu nào làm đề thi cũng được.