(GDVN) - Bắc Kinh càng bất chấp mọi thủ đoạn để chống lại phán quyết của PCA càng bộc lộ bản chất, dã tâm bành trướng siêu cường.
The Japan Times ngày 17/4 cho hay, Trung Quốc đã kêu gọi Thủ tướng New Zealand John Key "giữ ý trong vấn đề Biển Đông" ngay trước thềm chuyến thăm chính thức của ông tới Bắc Kinh bắt đầu ngày Chủ Nhật 17/4. Đây là một thủ đoạn mới của Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế làm đòn bẩy để chiếm ưu thế trong vấn đề Biển Đông.
Dùng "võ mồm" bành trướng Biển Đông
Trong bài xã luận đăng trên Tân Hoa Xã ngày Chủ Nhật, Bắc Kinh nhắc nhở ông John Key khi sang thăm Trung Quốc thì nên tập trung nhiều vào quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương và ít đề cập chuyện Biển Đông, tốt nhất là không nên quan tâm.
"Ông Key nên được nhắc cho nhớ rằng, New Zealand là một quốc gia tuyệt đối đứng ngoài trong các tranh chấp và không phải là một bên liên quan ở Biển Đông. Bất kỳ nỗ lực nào phá vỡ cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề này sẽ có nguy cơ làm phức tạp quan hệ hương mại đang hưng thịnh.
Wellington được khuyến cáo nên kín đáo hơn trong lời nói và hành động của mình", Tân Hoa Xã cao giọng.
Trong một cuộc họp vào tháng Hai vừa qua, ông John Key và người đồng cấp Úc Malcolm Turnbull hối thúc Bắc Kinh kiềm chế không làm tăng căng thẳng trên Biển Đông vì hoạt động bồi đắp, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp.
Thủ tướng John Key cho biết, New Zealand đã tận dụng mối quan hệ với Trung Quốc để thúc đẩy các biện pháp để giảm căng thẳng. Căng thẳng leo thang ở Biển Đông đã khiến Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực, còn Úc và New Zealand cũng tỏ thái độ rõ ràng, cứng rắn hơn trước các động thái leo thang bành trướng từ phía Trung Quốc.
Tháng trước, Ngoại trưởng New Zealand dẫn bình luận của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Victoria, David Capie thể hiện sự thay đổi thái độ của Wellington trong vấn đề Biển Đông. Quan trọng nhất là lập trường của New Zealand về đường lưỡi bò ở Biển Đông đã trở nên rõ ràng hơn.
"New Zealand muốn làm rõ lập trường của mình trong vụ kiện của Philippines trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vào giữa năm nay. Nếu quyết định có đi ngược lại với mong muốn của Trung Quốc như nhiều người dự đoán, thì sau đó Bắc Kinh cũng chớ nên tỏ ra ngạc nhiên nếu New Zealand kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết", Capie nói.
Trong một động thái khác có liên quan, Tân Hoa Xã ngày 17/4 cho hay, cùng ngày Trung Quốc tổ chức một hội thảo quốc tế về Biển Đông và vụ kiện của Philippines hòng thanh minh cho lập trường "không tham gia, không chấp nhận phán quyết của PCA". Tân Hoa Xã cho biết, có khoảng 30 chuyên gia, học giả trong và ngoài Trung Quốc tham dự.
Nội dung tường thuật của Tân Hoa Xã cho thấy, hầu hết chỉ có các học giả Trung Quốc bảo vệ lập trường bành trướng của nước mình, chỉ có 2 học giả nước ngoài tham gia phụ họa. Giáo sư Thomas Cottier từ Đại học Bern, Thụy Sỹ cho rằng "vùng đặc quyền kinh tế yêu sách bởi Trung Quốc không cản trở tự do hàng hải ở Biển Đông", và việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện là "điều dễ hiểu"?!
Còn một vị Giáo sư khác, Kim Hyun-soo từ Đại học Inha, Hàn Quốc thì tỏ ra trung dung hơn. Ông nói, Trung Quốc và Philippines nên cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.
Có lẽ cũng vì cả nể chủ nhà hay áp lực nào đó nên ông Kim Hyun-soo mới đưa ra khuyến cáo vô thưởng vô phạt như vậy. Ông không phủ nhận vai trò của cơ quan tài phán hay PCA, ông chỉ nói hai bên nên đàm phán. Philippines đã nỗ lực 18 năm theo đuổi đàm phán, nhưng vô ích.
Người viết cho rằng, đây là một thủ đoạn "võ mồm" mới hết sức nguy hiểm của Trung Quốc, công khai sử dụng lợi thế so sánh về kinh tế - thị trường của mình được tạo ra bởi chính môi trường hòa bình và ổn định của khu vực để làm bàn đạp leo thang bành trướng trên Biển Đông, thực hiện giấc mộng bá chủ cường quyền và chà đạp lên luật pháp quốc tế.
Nó được Bắc Kinh công khai đẩy mạnh vào thời điểm PCA ra phán quyết đã cận kề, mà nhiều nhà phân tích tin rằng Tòa Trọng tài Thường trực sẽ khai tử đường lưỡi bò bất hợp pháp. Đó cũng là thủ đoạn Bắc Kinh chống lại xu thế quốc tế hóa cuộc khủng hoảng Biển Đông đang gia tăng căng thẳng từng ngày bởi hành vi leo thang quân sự hóa bất hợp pháp của Bắc Kinh.
Tuy nhiên người viết thiết nghĩ, Bắc Kinh càng bất chấp mọi thủ đoạn để chống lại phán quyết của PCA càng bộc lộ bản chất, dã tâm bành trướng siêu cường, coi thường và giẫm đạp lên luật pháp quốc tế và sẽ không dễ gì đạt được mục đích, cuồng vọng ấy.
Bởi lẽ dù có ngụy biện thế nào đi nữa, Trung Quốc cũng không thể phủ nhận thực tế hòa bình, ổn định, tự do hàng hải hàng không và bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông đã thành mối quan tâm, lo ngại thường trực của khu vực và cộng đồng quốc tế, bởi nó là lợi ích chung của khu vực và thế giới.
Quan trọng hơn, bảo vệ Công pháp Quốc tế, hòa bình và công lý mà ở Biển Đông được thể hiện tập trung vào phán quyết của PCA đã trở thành một xu thế chung để phần còn lại của thế giới chống lại áp bức, cường quyền. Hy vọng Thủ tướng John Key và các nhà chính khách quốc tế không khuất phục, cúi đầu để bảo vệ hòa bình, công lý.
Dùng vũ lực giễu võ giương oai
South China Morning Post ngày 18/4 cho hay, hôm qua 17/4 tờ Quân Giải phóng Trung Quốc đưa tin, hạm đội Nam Hải đã tiến hành một cuộc tập trận từ ngày 7/4 trên Biển Đông. Cuộc tập trận bao gồm các phương pháp mới như diễn tập tác chiến trong môi trường tác chiến điện tử, xuyên đêm, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tốc độ cao.
Tian Junqing, một viên chỉ huy tham gia cuộc tập trận nói: "Để nghiền ngẫm về những tình huống đặc biệt theo một cách phức tạp hơn, để đối phó với địch tình nguy hiểm hơn, để làm cho môi trường diễn tập sát thực tế chiến đấu hơn, cuộc tập trận này là một hoạt động quan trọng để hải quân, không quân hiệp đồng tác chiến sát nhu cầu chiến đấu thực, chống lại kẻ thù mạnh."
Người viết cho rằng, nhiều khả năng cuộc tập trận này có liên hệ với hoạt động đổ bộ bất hợp pháp của tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc lên một số đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.
Đa Chiều ngày 15/4 dẫn nguồn The Wall Street Journal cho biết, ngày 8/4 Mỹ đã phát hiện nhiều máy bay Trung Quốc cất hạ cánh ở Chữ Thập, Trường Sa bao gồm một chiếc máy bay chở khách A319 và một chiếc Bombardier CRJ. Nhiều khả năng ngày 8/4 là thời điểm Phạm Trường Long đổ bộ trái phép xuống Chữ Thập.
Là nhân vật quyền lực chỉ đứng sau ông Tập Cận Bình trong các lực lượng vũ trang Trung Quốc, việc Phạm Trường Long đổ bộ trái phép xuống Trường Sa theo Đa Chiều là một bước ngoặt trong tư thế quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Động thái này của Phạm Trường Long theo Đa Chiều, nó có thể mang theo 3 thông điệp: Một là thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện nay, bởi 30 năm trước các quan chức Trung Quốc "nghĩ cũng không dám nghĩ đến" điều này. Nếu không có sức mạnh quân sự hậu thuẫn, các vàng Phạm Trường Long cũng không dám đi.
Hai là, chuyến đổ bộ của Phạm Trường Long đã đặt dấu chấm kết thúc chính sách giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình trong lĩnh vực quân sự. Trong thực tế từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi lấp đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa đã là lúc chính sách giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình đã bị ném vào sọt rác. Phạm Trường Long đổ bộ phi pháp xuống Trường Sa chỉ chứng minh thêm điều này.
Ba là, việc Phạm Trường Long đổ bộ trái phép xuống Trường Sa không thể là quyết định của cá nhân ông ta, mà là "quyết sách tập thể", theo Đa Chiều. Còn người viết cho rằng, đó là quyết sách của người lãnh đạo cao nhất, ông Tập Cận Bình. Mặc dù chính ông Bình đã cam kết trước dư luận quốc tế rằng Trung Quốc không theo đuổi quân sự hóa Trường Sa, Biển Đông.
Không chỉ có vậy, gần đây Trung Quốc đã kéo tên lửa phòng không HQ-9, tên lửa chống hạm YJ-62, chiến đấu cơ JH-7 và J-11 ra bố trí bất hợp pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa. Biển Đông những ngày tháng tới nhiều khả năng bão lại chồng lên bão vì hành động leo thang của Trung Quốc hòng quân sự hóa, độc chiếm vùng biển này.