Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Thế nào là giàu? Thế nào là sang?

Nguyễn Thanh Lâm

(TBKTSG) - Hai câu hỏi “thế nào là giàu?”, “thế nào là sang?” nghe rất đơn giản nhưng không hề là “đang giỡn”.

Giàu là có nhiều tiền, và sang là ăn mặc hàng hiệu đắt tiền, xức nước hoa xịn, đi xe trị giá hàng chục tỉ đồng..., nghĩa là cũng phải nhờ có tiền mới sang. Rất nhiều người đã hiểu theo cái nghĩa cực kỳ hạn hẹp như thế.

Ý thức ngày xưa có thể bị đóng khung trong suy nghĩ của vàng bạc, nhung lụa, áo mão cân đai... nên hiểu giàu sang đơn giản là thế. Đọc những dòng chữ của ông tổ sáng tạo ra chữ quốc ngữ là Alexandre de Rhodes, viết về lễ lên ngôi hay đám tang vua ở cố đô Huế, ai cũng thấy sự phô trương giàu sang để thể hiện vương quyền thật hợm hĩnh và lố bịch như thế nào trong một đại dương nghèo khổ và thất học của người dân. Như thế thì mất nước cũng là điều dễ hiểu.

Ý thức ngày nay rộng mở, nhưng chúng ta tiếp nhận được đến đâu; hiểu sâu xa về giàu và sang đến đâu; dạy về giàu và sang ở nhà trường như thế nào?

Thử định nghĩa lại chữ “giàu”

Giàu là có nhiều tiền, đúng vậy, nhưng đó là giàu vật chất. Tiền là cơ bản, là nền tảng, là phương tiện nuôi thân, nuôi gia đình hay cho những mục tiêu tốt thật đáng hoan nghênh. Ai cũng cần tiền, nhưng cách có được tiền, cách làm ra tiền nên dựa trên sự thông minh, tài năng và lao động lương thiện. Nếu có tiền nhờ có ông bố tham nhũng, hay nhờ một cú lừa đảo lớn, hay do được sinh ra từ “bọc điều” trong một gia đình giàu nứt vách thì cũng nên hạn chế khoe khoang và tự phụ.

Người giàu lòng nhân ái là người biết yêu người, là người mà như nhà thơ Bertolt Brecht đã viết cho một xã hội gần với không tưởng (utopia/utopie) là “lòng tốt trở nên thừa thãi”. Đã có những con người huyền thoại như thế - nhân văn và đầy lòng bác ái. Đã có rất nhiều người nghèo nhưng giàu lòng nhân ái, họ rất đáng được kính trọng hơn những trọc phú đốt tiền và quăng tiền qua cửa sổ.

Người giàu có là người cho đi nhiều nhất. Vì có mới cho đi được. Họ có thể làm việc từ thiện như nhiều nhà tỉ phú hiện nay. Họ có thể đóng góp nhiều sáng tạo tinh thần, như những nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà văn, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội...

Người giàu có là người có nhiều bạn, nhiều người yêu mến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người giàu bạn, được nhiều người yêu mến, vì đám tang của ông không xa xỉ, phô trương mà hàng vạn người vẫn ra đứng ngoài đường để tiễn ông từ Hà Nội về đến Quảng Bình quê ông.

Làm người giàu của xã hội hiện đại rất cần có ý thức xã hội, lòng nhân ái, có sự mến phục và nể trọng, có nhiều bạn.

Trăm người bạn vẫn là quá ít, mà có một kẻ thù đã là quá nhiều.

Thử định nghĩa lại chữ “sang”

Chỉ mới đây thôi, những đám cưới rình rang trong một lâu đài lộng lẫy ở Nam Định với quà tặng cô dâu là một vương miện 100 cây vàng, thực đơn 18 món. Một đám cưới khác ở Bạc Liêu cũng khoảng 2.000 người. Một họ nhà trai ở Hà Tĩnh thuê máy bay riêng để rước dâu... Có lẽ chẳng có chuyện cổ tích nào dám kể chi tiết ăn chơi như thế. Có chăng cũng chỉ là “mọi người nơi nơi chúc tụng và cùng chung vui”.

Những thiếu gia với dàn xe Maybach, Bentley, Lamborghini, Rolls-Royce..., những chuyện cặp bồ với ca sĩ nổi tiếng và ai cũng biết mình là vua tê giác, kim cương và nhiều câu chuyện tương tự khác đang được phát tán nhan nhản, được dư luận theo dõi chi tiết còn hơn cả những mối hiểm họa khác đang rình rập đất nước và thế giới.

Như thế là sang hay sao? Có cần phải như thế không?

Xin thưa, nếu hiểu sang là “nở mặt, nở mày” theo kiểu tung tiền khoe của, và đã có trường hợp ngay sau đám cưới tưng bừng thì phá sản và quỵt nợ công nhân, xấu hổ đổ xuống sông Hậu cũng không hết; nếu hiểu sang là chơi trội để chứng tỏ mình thuộc giới đại thượng lưu (high society) bất chấp nhân, lễ, trí, văn, thiện, mỹ, thì ấy là cốt cách phi văn hóa.

Ngay cả một bộ phận truyền thông đại chúng và một số mạng xã hội cũng hùa theo các chiêu trò lá cải ấy, đã vô tình phát tán bừa bãi những vi trùng xã hội vô cùng nguy hiểm: một mặt là lòng ganh ghét, sự khinh ghét người giàu và người nổi tiếng - một trong những lý do gây ra nhiều xung đột đẫm máu trong lịch sử loài người; mặt khác là sự lệch lạc trong giáo dục thế hệ trẻ, sự định hướng rất sai lầm khi chạy theo những thần tượng lố bịch. Đó là những cách PR hạ cấp và truyền thông nên dứt khoát nói không với nó.

Những trò kệch cỡm của thế hệ con nhà giàu thứ hai ở Trung Quốc hiện nay (phú nhị đại/fuerdai) là một tấm gương tối để xã hội tránh xa. Lẽ ra, sang thì phải như ông Điền Văn nước Tề, tức Mạnh Thường Quân, vừa là tướng quốc, vừa là người biết tiêu tiền để chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà luôn có khoảng 3.000 thực khách, môn khách, văn có, võ có.

Rất nhiều người dễ rơi vào bệnh tưởng Molière đã viết Le Malade imaginaire và Le Bourgeois gentilhomme cách đây gần 350 năm, và hình ảnh ông Jourdain thật đáng nực cười. Nhưng hình như ngày nay, không riêng gì ở Việt nam, sự suy đồi về đạo lý đã đẻ ra những sự kệch cỡm quái dị mà Molière, Mark Twain, Vũ Trọng Phụng... cũng không nghĩ ra!

Sang là vẻ đẹp của tri thức, của văn hóa, của cách cư xử đúng mực và có ảnh hưởng tốt, là làm những việc đắc nhân tâm. Và như thế, dù không giàu tiền bạc vẫn có thể sang. Bài viết này chủ yếu kêu gọi các doanh nhân đại gia và con cháu của họ (không kêu gọi các đại gian) hãy nhìn xuống những người bất hạnh, hay ngước lên nhìn ông Trời, hay nhìn ra chung quanh để thấy bà con và đồng bào mình, để cố gắng sáng với hai chữ giàu và sang, chứ không để sự giàu sụ của mình tối và tồi.

Mong lắm thay hỡi những người thông minh và tài giỏi, vì chỉ cần nghĩ đến đạo lý sống trên đời.