Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Tham nhũng, đói nghèo, con số biết nói

PHẠM VŨ

TTO - “18% người dân chọn đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất của đất nước mà Nhà nước cần tập trung giải quyết”

Kết quả của công trình khảo sát PAPI 2015 (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN) thật sự là một bất ngờ. 

Bất ngờ hơn nữa là khi phân tích chỉ số ấy: tỉ lệ người dân “quan ngại đói nghèo” đo được ở nông thôn lớn hơn thành thị, lớn nhất ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên và miền Trung.

Chúng ta vẫn đinh ninh rằng miền Tây “gạo trắng nước trong”, rằng ở nông thôn có ruộng vườn, sông biển sẽ không sợ đói. Chúng ta biết VN đã được xếp vào các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình và tiến trình xóa đói giảm nghèo được đánh giá rất cao từ nhiều năm qua.

Thế mà mối lo đói nghèo lại có thật vì PAPI là những chỉ số đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, được khảo sát qua hàng chục ngàn người trên khắp các tỉnh thành cả nước.

Mối lo ấy lại lớn thêm bằng những tin tức cập nhật: nợ công sắp đụng trần, lạm phát dự báo tăng kèm các loại thuế, viện phí, học phí..., thực tiễn hạn mặn ngày càng gay gắt và biến đổi khí hậu rất gần...

Bức tranh mưu sinh của người dân mỗi ngày mỗi khốc liệt khiến cho công tác quản trị, điều hành, lãnh đạo ở các địa phương đứng trước những thách thức không dễ giải quyết.

Nhưng vẫn phải tìm lối ra. Tất nhiên lối ra sẽ chẳng thể tìm thấy nếu mối lo của người dân không được nhìn nhận là có thật, lớn thật.

Sẽ chẳng thể tìm thấy nếu những nguy cơ, vấn nạn đe dọa nguồn sống và cuộc sống người dân vẫn còn bị che lấp bằng những báo cáo không đúng sự thật, không rõ bản chất, ví như kết luận “các đập thủy điện trên sông Mekong gây ảnh hưởng không đáng kể ở đồng bằng sông Cửu Long” mà thực tế đang cho câu trả lời.

Sẽ chẳng thể tìm thấy nếu các cơ quan ban ngành tiếp tục làm đẹp lòng nhau bằng những mỹ từ đánh tráo khái niệm trong các báo cáo tổng kết...

Và còn một kết quả nữa của PAPI 
cũng không ít bất ngờ: “Tham nhũng tồn tại dai dẳng và có xu hướng gia tăng ở cấp tỉnh. Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền và người dân suy giảm qua thời gian”.

Năm 2015, chỉ 3% trong số người tham gia khảo sát cho biết sẽ tố cáo hành vi đòi hối lộ của cán bộ với số tiền lên tới gần 25 triệu đồng.

Con số và kết luận rất đáng để tất cả mọi người phải suy nghĩ, trong hoàn cảnh quyết tâm chống tham nhũng đã nhiều lần được các cấp lãnh đạo tuyên bố với những ngôn từ mạnh mẽ nhất.

Đói nghèo cũng là một trong những hệ quả trực tiếp của tham nhũng. Vậy nên, khi thỏa hiệp với tham nhũng, chính quyền và người dân đã trực tiếp gia tăng nguy cơ đói nghèo cho đất nước, cho chính mình.

Sau đọc là suy nghĩ. Sau suy nghĩ là nhận thức. Sau nhận thức là hành động. Đó hẳn là điều mà các nhà nghiên cứu độc lập đã dày công khảo sát để có những con số biết nói trong PAPI mong đợi.