(GDVN) - Chỉ riêng hai năm 2015-2016, trường có chỉ tiêu cho ra lò 700 tiến sĩ; thông tin bung ra, lãnh đạo nhà trường tìm mọi cách trốn tránh, loanh quanh.
Dư luận xã hội, thậm chí cả những nhà sư phạm mấy ngày qua đều tỏ ra bất ngờ với “năng suất” cho ra lò nhiều tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
Có những người tự tính toán cơ học từ chính nguồn là trang web của Học viện thì thấy rằng, tính trung bình “năng suất” năm 2015 là 1 ngày 3 giờ 55 phút sẽ có 1 tiến sĩ được bảo vệ thành công.
Cũng với thống kê chưa chính thức khác, năm 2016, kể từ đầu năm đến đầu tháng 4, Học viện đã tổ chức bảo vệ thành công cho 58 tiến sĩ, năng suất 1 ngày 01 giờ 15 phút/tiến sĩ.
Ý kiến trên của một vị chuyên gia giáo dục có uy tín, và ông lưu ý, có thể chưa phản ánh được bức tranh cả năm, vì có ý kiến cho rằng biết đâu đây là thời gian cấp tập bảo vệ tiến sĩ trong một năm?
Nhưng với những gì đã diễn ra trong năm 2015, từ 1/1/2015 đến 31/12/2015, Học Viện Khoa học Xã hội cho “ra lò” 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là 01 ngày 03 giờ 55 phút cho ra lò 1 tiến sĩ.
Trên trang thông tin của Học viện có dữ liệu: Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cũng là 350.
Như vậy hai năm là 700 tiến sĩ.
Với chỉ tiêu này, vài năm sau (nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh) ước chừng sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ rất nhanh chóng vượt đích cho ra lò dưới 1 ngày làm việc một tiến sĩ.
Bên cạnh tần xuất cho ra lò nhiều thạc sĩ, tiến sĩ trong thời gian qua, trên mạng xã hội còn dẫn chứng nhiều hình ảnh cho thấy những đề tài mà học viên bảo vệ cấp tiến sĩ chỉ ngang với những bài tiểu luận ở bậc đại học, đề tài có tính phục vụ đại chúng không cao.
Các đề tài tiến sỹ nổi tiếng mà học viện này cho bảo vệ có thể kể đến như: Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã; Lời cầu khiến trong tiếng Anh (so với tiếng Việt-Bình diện lịch sự); hay như “Câu bị động tiếng Anh và các phương thức dịch sang tiếng Việt”; Thần thoại về Mặt trời ở Việt Nam; Hành vi nịnh trong tiếng Việt…
Chứng kiến hiện tượng này, có người bình luận: “Nhìn chung sự thích có cái danh, cái uy lấn át cái thực tiễn cống hiến hay phụng sự cộng đồng. Việc bảo vệ luận án hầu như đều có chữ: ...đã thành công ,chưa thấy ai bảo vệ không thành công.
Có lẽ do hội đồng phản biện chiếu lệ và đề tài cũng chung chung, nhỏ hẹp. Hình như có thống kê nào đó về so sánh số lượng bằng phát minh sáng chế, chúng ta nhiều tiến sĩ nhưng lại không có thứ đó”.
Để giải đáp cho những băn khoăn của dư luận, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có ý kiến trên Báo điện tử Infonet rằng, đây là đợt bảo vệ của 44 mã ngành, sau 3 năm làm luận án đến hạn bảo vệ chứ không phải như thông tin suy luận trên mạng xã hội.
Để tìm hiểu rõ hơn, ngày 20/4 phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có mặt tại trụ sở Học viện Khoa học Xã hội, số 477 đường Nguyễn Trãi để trao đổi những vấn đề liên quan.
Tại đây PGS. TS Hồ Sỹ Sơn – Phó giám đốc Học viện từ chối tiếp vì chưa chuẩn bị nội dung liên quan (mặc dù trong giấy giới thiệu phóng viên đã đề rõ nội dung cần làm việc).
Sáng ngày 21/4, phóng viên tiếp tục có mặt tại trụ sở Học viện để trình nội dung làm việc, tại đây bà Trần Thị Xuân, Phó Chánh Văn phòng trực tiếp chuyển nội dung cho Trưởng phòng đào tạo Học Viện trực tiếp làm việc với phóng viên.
Tuy nhiên, chiều cùng ngày phóng viên có liên hệ với trưởng phòng đào tạo (bà Định) nhưng không được tiếp nhận và tiếp tục “đá bóng” sang cho Chánh văn phòng.
Ngày sau đó chúng tôi liên hệ với PGS. TS Hồ Sỹ Sơn nhưng vẫn chưa có thông tin mới và hẹn vào một buổi làm việc khác khi tập hợp được các báo.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ có buổi làm việc chính thức với Học viện Khoa học Xã hội về nội dung liên quan.
***
Trao đổi với phóng viên, khi nghe thông tin về những phép tính cơ học mà dư luận cho rằng Học viện Khoa học Xã hội cho ra lò tiến sĩ với tần xuất lớn trong một thời gian ngắn, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, hàng năm, Học viện Khoa học Xã hội xác định chỉ tiêu và báo cáo Bộ GD&ĐT theo quy định. Trong 3 năm gần đây, học viện xác định và tuyển sinh vào khoảng 350 nghiên cứu sinh/năm.
Học viện Khoa học Xã hội được thành lập năm 2010 trên cơ sở tổ chức lại 17 viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) trước đó đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ.
Như vậy, việc thành lập học viện không phải hình thành một cơ sở đào tạo mới mà là hợp nhất bộ phận quản lý đào tạo của các viện thuộc VASS với mong muốn công tác quản lý đào tạo được chuyên nghiệp và tiết kiệm hơn.
Chỉ tiêu của học viện hiện nay là tổng chỉ tiêu của 17 viện nghiên cứu, nếu tính bình quân thì số chỉ tiêu của mỗi cơ sở đào tạo không phải là quá lớn. Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện hậu kiểm, xử lý những đơn vị xác định chỉ tiêu không đúng qui định” bà Phụng cho biết.