Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Nhân lực Việt Nam: Mất lợi thế trên sân nhà

Song Quý

(TBKTSG) - Kỹ năng tốt, nói tiếng Anh lưu loát, năng suất lao động cao... những lao động, thậm chí là lao động phổ thông người nước ngoài đang có lợi thế tại Việt Nam dù đang ở trên... sân khách.

Những con sóng đầu tiên

Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành. AEC cho phép lao động có tay nghề cao, dịch vụ, đầu tư và hàng hóa của 10 quốc gia thành viên khu vực ASEAN được di chuyển tự do hơn trong khu vực. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, thời gian đầu, tác động của việc công nhận lao động lẫn nhau giữa các nước trong cộng đồng ASEAN vẫn chưa tác động đến thị trường lao động rõ rệt. Bởi, đoạn đường đi từ lý thuyết đến ứng dụng vào thực tế luôn có độ trễ nhất định, ít nhất là vài năm. Tuy nhiên, khảo sát thực tế, đã có những tín hiệu đầu tiên của làn sóng dịch chuyển này.

Nhà hàng NAMO Artisanal Pizzeria trên đường Hai Bà Trưng, TPHCM khai trương những ngày đầu năm 2016. Quán phục vụ pizza Ý truyền thống cùng các món ăn đến từ xứ sở khởi nguồn của văn hóa châu Âu. Tuy nhiên, nếu chưa quen, thực khách rất dễ bất ngờ khi nói tiếng Việt mà được trả lời bằng tiếng Anh, bởi quản lý ở đây là người Philippines, cùng với hai đầu bếp người Ý. Đánh giá của chủ nhân NAMO, năng lực và kỹ năng làm việc chính là lợi thế của người nước ngoài so với lao động trong nước. Thuê quản lý người Philippines, ông chủ NAMO hy vọng anh này sẽ thiết lập được chuẩn mực quản lý ngay từ đầu cho nhà hàng.

Tương tự, hai năm trở lại đây, làm việc trong hệ thống phòng khám Victoria có sự góp mặt của những y tá đến từ Philippines. Giao tiếp chuẩn mực với những người bản xứ, lại khá chuyên nghiệp trong tác nghiệp, những y tá ngoại này nhanh chóng chiếm được cảm tình của bệnh nhân đến thăm khám.

Ở những phân khúc việc làm cao cấp hơn, như đội ngũ sáng tạo tại các công ty quảng cáo, lượng lao động nước ngoài cũng chiếm thế thượng phong. Riverorchid Việt Nam, một công ty quảng cáo có 60 nhân lực, không tính hai chuyên viên thiết kế người Myanmar vừa kết thúc hợp đồng thì công ty có bốn thành viên người nước ngoài, đến từ Nam Phi, New Zealand và Anh giữ vị trí chủ chốt ở khâu sáng tạo. “Với những người ngoại quốc như chúng tôi, môi trường làm việc tại Việt Nam có sức hấp dẫn lớn. Ở đó, có nhiều cơ hội. Công sở luôn rất vui và thoải mái, con người thì thân thiện và trong lúc làm việc thì chuyên nghiệp và dễ gần. Tôi đặc biệt ấn tượng với phong cách “làm hết mình, chơi hết mình” của đồng nghiệp nơi đây”, ông Stuart Grieve.

Trưởng bộ phận sáng tạo Riverorchid Việt Nam, đến từ New Zealand, nhận định. Làm việc ở Việt Nam gần một năm nay, với Stuart Grieve, thị trường mới mẻ này là đất tốt để anh mở rộng những trải nghiệm sáng tạo của mình.

Đồng quan điểm, Kevin Yee, Giám đốc tiếp thị POPS Worldwide, người có hơn bảy năm gắn bó với Việt Nam, cho biết môi trường làm việc trong các công ty Việt Nam ngày càng cởi mở, anh và vợ đều không gặp trở ngại trong công việc. Ngoài công việc chính ở công ty, Kevin Yee đã từng tham gia giảng dạy các khóa đào tạo MBA ở Việt Nam.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, lượng lao động người nước ngoài đến Việt Nam ngày càng đông. Ngoài việc tham gia vào các ngành đặc thù, các vị trí cấp cao hay cấp trung người nước ngoài còn tham gia vào cả những công việc lao động phổ thông. Xây dựng, cầu đường, thẩm mỹ, dịch vụ, y tế, du lịch, giáo dục... là những ngành ở Việt Nam đang có lao động phổ thông nước ngoài làm việc. Ông Tuấn tiết lộ: “Đáng chú ý, có một bộ phận không nhỏ người nước ngoài đến Việt Nam làm công việc rất phổ thông như giúp việc nhà, chăm em bé...”. Với khả năng ngoại ngữ, kỷ luật làm việc và sự chuyên nghiệp vốn có, nếu so sánh với lao động bản địa, người lao động nước ngoài có lợi thế hơn hẳn. “Đây là một thách thức lớn bởi lao động Việt Nam đang bị cạnh tranh ngay trên sân nhà”, ông Tuấn nhận định.

Chủ động nâng cao năng lực

Gomex Edward, kỹ sư thiết kế người Philippines là một gương mặt quen thuộc với những doanh nghiệp thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM. Làm việc tại Việt Nam đã vài năm nhưng Edward không gắn bó với một doanh nghiệp nào bởi cứ sau ba tháng, anh phải về quê nhà rồi lại xin thị thực vào Việt Nam dưới dạng du lịch để tiếp tục làm việc. Edward nhận đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp dưới hình thức freelancer (người làm nghề tự do). Năng lực tốt, đơn đặt hàng từ doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhiều, anh tổ chức hẳn một nhóm thiết kế đồng hương, cùng nhau làm việc tại TPHCM. Cơ chế làm việc như thế giúp anh cũng như các thành viên trong nhóm không phải mất thời gian đăng ký các thủ tục lao động tại đây, cũng như phải chịu các ràng buộc nào về pháp lý.

Gomex Edward là một trong những điển hình về lao động nước ngoài đang hoạt động tự do tại Việt Nam. Khảo sát từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến hết năm 2015, cả nước có hơn 76.000 lao động nước ngoài đang làm việc. Lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam đến từ 74 quốc gia. Trong đó, người có quốc tịch châu Á chiếm 58%, quốc tịch châu Âu chiếm 28,5%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số tượng trưng. Thực tế, nó còn lớn hơn rất nhiều lần do lượng lao động đến từ các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines... hầu như không thực hiện các thủ tục đăng ký lao động. Họ đến Việt Nam dưới danh nghĩa du lịch rồi làm việc. “Con số thực, nhỉnh hơn ít nhất 30% so với báo cáo”, ông Trần Anh Tuấn dự tính.

Theo ông Tuấn, cơ chế quản lý chưa tốt chính là nguyên nhân khiến lao động nước ngoài tự do làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, xét theo quy luật cung cầu, điều này đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có chiến lược sát thực hơn nữa để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm tạo thế đối trọng trong cạnh tranh. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty Tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, đánh giá thực thi những điều khoản vận hành Cộng đồng AEC tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong 8 lĩnh vực ngành nghề theo thỏa thuận (gồm bác sĩ, y tá, nha sĩ, kỹ sư, trắc địa viên, người làm trong ngành du lịch, kế toán và kiến trúc sư) nhiều cơ hội chọn lựa nhân lực. Điều này tất nhiên sẽ tạo nên sự cạnh tranh giữa lao động trong và ngoài nước. “Doanh nghiệp khi sử dụng lao động, tất nhiên là chú trọng vào kết quả làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang cố gắng kêu gọi nhận thức từ phía doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện nhiều hơn cho nhân sự trong nước”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.
***

Tiết lộ từ Tiến sĩ Nguyễn Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam, với ngành đặc thù như hàng không, lượng lao động nước ngoài đang đóng góp cho ngành là rất lớn. Chẳng hạn như vị trí lái máy bay, tỷ lệ người nước ngoài thấp nhất cũng lên đến 40%, kế đó là bộ phận sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay. “Chúng tôi đang cố gắng để giảm tỷ lệ này xuống bằng chiến lược đào tạo dài hơi. Tuy nhiên, điều này cũng mất khá nhiều thời gian”, bà Hằng chia sẻ. Nguyên nhân là vì đặc trưng của ngành hàng không đòi hỏi rất cao ở lực lượng lao động. Với tố chất chịu khó, người Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng công việc này. Tuy nhiên, công tác đào tạo chưa hoàn thiện cùng những đòi hỏi khắt khe của ngành khiến người trong nước chưa có thể làm chủ được công việc. Bà Hằng cho biết, hiện, mức thù lao cho người nước ngoài cao hơn người Việt đến 3 lần, một thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp nhưng họ vẫn phải chọn lựa.