Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Ô nhiễm mùi rác: lỗi tại ai?

Văn Nam

(TBKTSG Online) – Cuối cùng, nguyên nhân gây phát tán mùi hôi tại Nam Sài Gòn gần như đã được xác định: bãi rác Đa Phước.

Giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng tại cuộc gặp gỡ báo chí trưa hôm qua, 31-8, nói rằng "mùi hôi mà người dân khu Nam Sài Gòn phản ảnh gần đây có thể xuất phát từ khu xử lý rác Đa Phước"; còn Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà tại buổi họp báo chiều hôm qua cũng nhấn mạnh với báo chí rằng "mùi hôi chủ yếu từ bãi rác Đa Phước."

Và, lần ngược thời gian, nhìn lại công tác quy hoạch, quản lý các khu xử lý rác thì rõ ràng, ô nhiễm mùi hôi từ rác mà người dân gánh chịu hiện nay là hệ lụy đã có thể được dự báo trước.

Còn nhớ vào các năm 2002, Thường trực Thành ủy và UBND TPHCM đã có kết luận đóng cửa bãi rác Đông Thạnh do bị quá tải, song song đó chính quyền thành phố đã có chủ trương tạo điều kiện thuận lợi, kêu gọi các nhà đầu tham gia lĩnh vực xử lý rác cho thành phố đảm bảo sự hợp lý hai yếu tố gồm giá và công nghệ.

Cũng theo thông báo kết luận của lãnh đạo TPHCM năm 2002, khi đó thành phố xác định Khu công nghiệp xử lý rác Tam Tân (huyện Củ Chi) là công trình trọng điểm, chiến lược của thành phố cần đầu tư nhanh để thay thế bãi rác Đông Thạnh, còn Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước (huyện Bình Chánh) là khu dự trữ chiến lược và chỉ xử lý rác cho vùng phía Nam thành phố với công suất nhỏ, là địa điểm xử lý rác dự phòng của thành phố. 

Nhưng, địa điểm xử lý rác dự phòng cuối cùng lại trở thành "trung tâm chôn lấp chính" của thành phố

Một trong những lá chắn quan trọng đối với các điểm quy hoạch xử lý rác khi đó được lãnh đạo thành phố yêu cầu là phải đảm bảo hành lang cây xanh cách ly tối thiểu 300 mét xung quanh khu xử lý rác. Đặc biệt, có thể do yêu cầu phát triển đô thị về phía Nam và phía Đông thành phố nên khi đó, lãnh đạo thành phố đã xóa bỏ hai điểm xử lý rác được quy hoạch tại Quận 2, Quận 9 và nhấn mạnh rằng khu Đa Phước chỉ là điểm dự phòng bởi xét về không gian địa lý, khu Đa Phước chỉ cách dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng trên dưới 10 km vốn đã được cấp phép phát triển trước đó gần 10 năm (1993).

Mặc dù định hướng đã có, nhưng thời gian sau đó, từ năm 2007 đến nay, thành phố đã xuất hiện thêm các dự án xử lý rác được các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đầu tư, giúp thành phố giải quyết được bài toán xử lý rác; cụ thể như một số nhà máy tại huyện Củ Chi gồm Công ty Cổ phần Vietstar công suất 1.200 tấn/ngày; Tâm Sinh Nghĩa công suất 1.000 tấn/ngày, bãi chôn lấp số 3 của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị TPHCM công suất 2.000 tấn/ngày và Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước tại huyện Bình Chánh công suất xử lý 3.000 tấn/ngày …

Tuy nhiên, vấn đề là vào đầu năm 2015, chính quyền thành phố có chủ trương chuyển thêm 2.000 tấn/ngày từ bãi chôn lấp số 3 (Củ Chi) dồn về khu Đa Phước (Bình Chánh).

So sánh với địa điểm và công suất của từng dự án xử lý rác được hình thành như đã nêu ở trên, dường như các định hướng về quy hoạch các công trình xử lý rác cho thành phố cách đây 14 năm giờ không còn phù hợp.

Từ đây, mùi hôi từ rác theo không khí bắt đầu khuấy đảo cuộc sống cư dân phía Nam Sài Gòn! Và hàng loạt tiếng nói phản ứng đã bật ra.

Cụ thể, vào ngày 8-9-2015, ông Phạm Hùng Phong, Phó Ban Quản trị Khu căn hộ Phú Mỹ tại Quận 7, lần đầu tiên lên tiếng về tình trạng mùi hôi từ bãi rác Đa Phước khi đặt bút ký một văn bản gởi trực tiếp lên Chủ tịch UBND thành phố và các sở ngành liên quan phản ánh: "hàng ngàn cư dân nơi đây liên tục sống trong tình trạng ô nhiễm không khí, mùi hôi nồng nặc xuất hiện trong khoảng thời gian từ 4 giờ chiều đến 12 giờ đêm khi gió thổi từ hướng Tây Nam lại và không khí ô nhiễm đã làm người dân mất ngủ, ăn uống kém ngon…"

Tuy nhiên, tình trạng mùi hôi vẫn chưa được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm, và một năm sau, vào ngày 24-8-2016, ông Tseng Fan Chih, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, đã ký văn bản gởi UBND thành phố kiến nghị có biện pháp cấp bách xử lý tình trạng môi trường không khí ô nhiễm nghiêm trọng khi mùi hôi thối đã lan tỏa trên diện rộng, theo hướng gió vào khu đô thị hiện đại này và gây ảnh hưởng đời sống người dân.

Nguồn gốc mùi hôi dần được sáng tỏ khi mới hôm qua (31-8), cả Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đều lên tiếng khẳng định: nguồn có khả năng lớn nhất phát sinh mùi hôi là từ hoạt động của khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Một khu xử lý rác (chủ yếu là chôn lấp) công suất hiện nay lên đến 5.000 tấn/ngày và có khả năng nâng lên gấp đôi thành 10.000 tấn/ngày trong tương lại nhưng vẫn còn đó nhiều hạng mục đảm bảo an toàn về môi trường cho một khu xử lý rác vẫn chưa hoàn thành, như kế hoạch trồng vành đai cây xanh cách ly 268 héc ta xung quanh bãi rác Đa Phước hiện còn dở dang, da beo.

Dù chủ đầu tư là Công ty TNHH Việt Nam Waste Solutions (VWS) từng khẳng định đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la Mỹ đầu tư cho khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, nhưng thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày hôm qua (31-8) cho thấy thực tế hoàn toàn khác khi qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều hạng mục liên quan đến xử lý nước thải, nước rỉ rác tại khu Đa Phước cần có các bể chứa nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn thành; quá trình xử lý rác liên quan đến quy trình nhận rác, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý mùi và áp dụng công nghệ sinh học chưa hợp lý.

Từ đây, một vấn đề lớn đặt ra: đó là công tác quy hoạch các khu xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp, đặc biệt có khu xử lý nằm không quá xa các khu đô thị, cần được đánh giá lại bởi công nghệ chôn lấp sẽ rất dễ dẫn đến những hệ lụy về môi trường như mùi hôi, nước rỉ rác ngấm ra sông rạch, nguồn nước ngầm, quản lý bãi rác về sau khá nan giải trong điều kiện đất đai ngày càng hạn hẹp.

Đã đến lúc bài toán xử chất thải cần tính toán trên diện rộng, dài hạn theo vùng và khẩn trương áp dụng ngay các công nghệ xử lý rác thải hiện đại hơn (đốt phát điện) thay thế công nghệ chôn lấp.