BizLIVE - “Ta đi sau Trung Quốc đã đành nhưng bi kịch ở chỗ ta lại đi theo cách của Trung Quốc, có nghĩa là học theo cả những kinh nghiệm xấu, những mặt trái của nước bạn”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.
Tại hội thảo “Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường những vấn đề cải cách thể chế giai đoạn 2016-2020” diễn ra hôm qua (12/4), PGS.TS Trần Đình Thiên đồng tình với những bình luận về hạn chế được các chuyên gia đưa ra, vấn đề nghiêm trọng theo ông là những vấn đề của thể chế kinh tế được nêu ra đúng mãi và vẫn được nhắc đi nhắc lại.
Nhưng để kinh tế thay đổi không thể chỉ “thay đổi lặt vặt” ở một số ngành, lĩnh vực mà phải có sự thay đổi về mặt thể chế, giải quyết được vấn đề hệ thống. Nếu làm chậm trễ tiến trình này mọi thay đổi nhỏ đều là lãng phí thời gian, chi phí cơ hội của nền kinh tế sẽ tăng lên.
Đáng lưu ý, trong phát biểu của mình, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tỏ lo ngại kinh tế Việt Nam học kinh nghiệm xấu từ thế giới rất nhanh trong khi kinh nghiệm tốt lại khá chật vật.
“Ta đi sau Trung Quốc đã đành nhưng bi kịch ở chỗ ta lại đi theo Trung Quốc, có nghĩa là học theo cả những kinh nghiệm xấu, những mặt trái của nước bạn”, ông Thiên nhấn mạnh.
Theo đó, ông Thiên cho rằng để cải cách thể chế một cách hiệu quả Việt Nam cần sàng lọc những kinh nghiệm từ thế giới, không phải “khuân” về cả những mặt xấu và mặt trái.
Bình luận về quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, ông Thiên cho rằng cần dùng đến khái niệm “tư nhân hoá” thay vì chỉ dừng lại cổ phần hoá như hiện nay.
Trước bình luận của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương CIEM, TS. Nguyễn Đình Cung đã đưa ra nhận xét phạm vi, mức độ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước còn lớn, vượt ngoài quy định điều này hạn chế cơ hội, tạo môi trường bất bình đẳng cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt khu vực tư nhân trong nước.
“Doanh nghiệp nhà nước dàn trải quá nhiều ngành, lĩnh vực, trong khi nguồn lực nhà nước rất hạn chế và nhiều ngành, lĩnh vực khu vực tư nhân đã có khả năng đảm nhiệm. Chuyển đổi sở hữu còn mang tính hình thức, đặc biệt trong việc cổ hoá, tỷ lệ cổ phần nhà nước còn rất lớn”, ông Cung cho hay.
Ông Cung dẫn trường hợp Trung Quốc và cho biết, ở Trung Quốc, sau chiến tranh để tái thiết đất nước, một loạt doanh nghiệp nhà nước được thành lập ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế để tập trung nguồn lực.
Để giải phóng và tăng cường sức sản xuất từ năm 1978, Trung Quốc đã thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước. Với phương châm “nắm lớn buông nhỏ” vai trò, chức năng của nhà nước có xu hướng thu gọn.
Theo đó, nhà nước chỉ giữ lại những doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, tập trung ở những ngành, lĩnh vực chiến lược, trụ cột, thoái vốn khỏi những ngành có ít tính chiến lược…