Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

5 phút mỗi ngày với sự thật

Tuấn Khanh Blog

Người lữ khách Eric Weiner kể lại câu chuyện thú vị của mình. Ông mang theo nỗi sợ hãi bệnh tật đeo đẳng, du hành đến đất nước Phật giáo Bhutan, và nơi đây, ông đã nhận được một lời khuyên kỳ lạ.

Một người dân Bhutan có tên là Karma Ura khi nghe ông Eric thổ lộ về nỗi ám ảnh đau bệnh, đã nói rằng Eric hãy bắt đầu tập nghĩ về cái chết của mình “5 phút mỗi ngày”.

Tác giả của bài viết Bhutan’s dark secret to happiness gửi lên trang BBC Travel thoạt đầu không hiểu nổi, việc tại sao người ta lại phải tập sống với nỗi sợ hãi của mình thường nhật “5 phút mỗi ngày” chứ không phải là cố quên đi.

Cuối bài viết, ông ta nói mình nhận ra được một điều quan trọng, đó là đừng bao giờ để nỗi sợ hãi trấn áp mình, mà phải đối diện một cách bình thản – thậm chí là đối mặt với cái chết của mình – để được ung dung với sự thật.

Bài học “5 phút mỗi ngày” không chỉ là chuyện đối diện với sức khỏe, mà có thể nhìn thấy đó là một lời khuyên khôn ngoan để mỗi người dành ra một ít thời gian – mỗi ngày – của mình, để đối diện với chính mình, đối diện với sự thật và nhân cách của mình, trước khi rũ bỏ và trở về với cát bụi.

Năm 2014, cô gái 21 tuổi Yeonmi Park đào thoát khỏi Bắc Hàn và đến được thế giới tự do.

Nói với báo chí khắp nơi, Yeonmi Park thú nhận rằng cuộc sống của hàng triệu người sống trong chế độ độc tài như cô không có cơ hội để nhìn lại mình.

Cuộc sống của cô là chuỗi liên tiếp với sợ hãi ập đến, áp đặt từng ngày về lời thề tẩy não và trung thành, những cuộc hành quyết công khai, những vụ hãm hiếp trừng phạt kẻ “phản bội”…

Chỉ khi thoát đến một nơi khác, thức dậy và đối diện với nỗi sợ hãi của mình, cô nói điều mình khao khát là có được một nhân cách.

Câu chuyện của ông Eric Weiner và cả cô gái Yeonmi Park, nhắc tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của người phụ nữ vĩ đại ở đất nước Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi.

Cuộc đời của bà tràn ngập trong những vòng vây sợ hãi, mà kỳ diệu nhất là bà đã bước đi qua trên đó, nhẹ nhàng đi vào kỷ nguyên mới cùng dân tộc mình.

“Ngục tù chính là sự sợ hãi, muốn có được tự do thật sự là phải đi qua nỗi sợ hãi ngục tù ấy”, câu nói của bà đã trở thành tâm nguyện của hàng triệu người Miến Điện khao khát quê hương mình có một tương lai mới.

“5 phút mỗi ngày” đôi khi là một bài tập cần thiết với mọi người. 5 phút mỗi ngày để đối diện với sự sợ hãi của mình, tự vấn về nhân cách và chiêm nghiệm vì sao trong đời người, khuynh hướng tôn thờ sự sợ hãi, nuông chiều nó, đến mức chúng ta trở thành những kẻ hèn mọn đáng thương.

Tập nhìn lại mình có thể sẽ giúp cho chúng ta một cơ hội nhục nhã, để không biến mình thành kẻ vụ lợi, thờ ơ hay hoang dã với đồng loại của mình.

Ít phút với sự thật mỗi ngày, là cơ hội làm người, là điểm tựa nhỏ nhất để ta không rơi xuống đáy vực suy đồi.

Ít giây phút đó để con tim còn đập dồn máu nóng khi nghe các tàu đánh cá Trung Quốc ác độc bắn đạn bi sắt vào tàu cá Việt Nam, ngạo nghễ đi sâu vào biển Quảng Bình như chỗ không người.

Ít phút để tập lại sự căm giận cần thiết khi nghe người Trung Quốc vào tận Hóc Môn, TPHCM để bắt cóc trẻ em nhưng báo chí thì khẽ khàng gọi tránh đi là “người nước ngoài”, bao gồm chuyện đại diện cơ quan công an thành phố lên tiếng bác bỏ chuyện có nạn bắt cóc trẻ em.

Ít phút với sự thật, chắc sẽ giúp cho bạn và tôi suy nghĩ về đất nước vang dội những lời thề chống tham nhũng nhưng số tiền không rõ nguồn gốc ở Việt Nam đưa ra nước ngoài, trung bình 9 tỷ USD/năm, từ năm 2004 đến nay, theo tổ chức nghiên cứu Global Financial Integrity, trụ sở đặt tại Washington, Mỹ.

Vậy thì câu hỏi đơn giản của đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về điều “diệu kỳ” của cán bộ, quan chức Việt Nam sao ai nấy đều im tiếng “Lương quan chức chỉ có thế mà sao nhà lầu, xe con, con cái du học nước nọ nước kia. Lấy ở đâu?”

Bản tin của Investvine tháng 4 này, cho biết Việt Nam sẽ dẫn đầu trong toàn khu vực, trở thành đối tác thương mại lớn nhất với Trung Quốc, dự báo lên đến 100 tỷ USD trong năm 2016.

Tất cả những cảnh báo về việc lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm việc nhập khẩu vô tội vạ các loại hàng hoá kém phẩm chất mà người dân bất an liên tục tố cáo… dường như không có giá trị gì trong các suy nghĩ về chính sách kinh tế.

Dành chút thời gian cho sự thật, bạn có cảm thấy cái chết?

Không phải vô lý mà thỉnh thoảng vẫn có vài bản video thu lại các diễn văn của các đại biểu Quốc hội như của ông Trương Trọng Nghĩa, Lê Văn Lai… được nhân dân giữ lại, xem lại, bàn tán trên mạng xã hội để biết sự thật về sĩ diện quốc gia trước sự bắt nạt của “bạn vàng”, về sự sống chết của đồng bào trên biển…

Sự thật là ngọn lửa âm ỉ, và luôn bùng cháy sáng rực khi được khơi gợi, rộn rã như ngày hội của lương tri.

Nhưng sự thật không phải lúc nào cũng có.

Kết thúc chuyến đi của mình, ông Eric Weiner nói rằng ông nhận ra người dân Bhutan có thể tìm thấy hạnh phúc bằng cách ung dung với sợ hãi, đối diện với sự thật – giáp mặt cuộc đời.

Mầu nhiệm thay, hạnh phúc của một dân tộc chính là đối diện với sự thật, chứ không thể là loại hạnh phúc với chỉ số được đo bằng sự hèn nhát sợ hãi với cuộc sống, vô tâm với đồng loại và tổ quốc mình.

5 phút mỗi ngày với sự thật, là một bài tập để từng người chúng ta cứu lại phần ung dung đời mình đã mất, biết đâu.