Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Thu nhập thấp nhưng người Việt có chất lượng sống ngang bằng nước có thu nhập 10.000 USD/người?

An Ngọc - Theo Trí thức trẻ

Cafef - Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc gắn tăng trưởng kinh tế với chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo nghiên cứu của Công ty BCG về Đánh giá Phát triển Kinh tế bền vững (SEDA) vừa công bố thì người dân Việt Nam có chất lượng cuộc sống tổng thể tương đương với người dân ở một quốc gia khác có GDP ngang giá sức mua (GDP PPP) bình quân đầu người cao gấp đôi Việt Nam. Do đó, kỳ vọng của người dân và các nhà đầu tư chưa bao giờ ở mức cao như hiện nay.

Mặc dù chưa nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu về chất lượng cuộc sống, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc chuyển đổi sự thịnh vượng kinh tế thành chất lượng cuộc sống con người.

Theo đó, điểm SEDA hiện tại của Việt Nam là 42,4 và ở mức trung bình, xếp thứ 79 trong tổng số 149 quốc gia được BCG đánh giá. Tất nhiên, Việt Nam thua nhiều nước phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Singapore… song xét về tiến bộ đạt trong giai đoạn bảy năm từ 2006 đến 2013, Việt Nam nằm trong nhóm 20% dẫn đầu.

Với điểm tăng trưởng SEDA trong thời gian gần đây là 74,8 điểm, Việt Nam đang ở nhóm các quốc gia có những thành tựu đáng kể trong một thập kỷ qua, bao gồm Ba Lan, Indonesia, Trung Quốc, Brazil, Ecuador và Ma-rốc.

“Tiến bộ của Việt Nam về cải thiện chất lượng cuộc sống là đặc biệt ấn tượng khi đặt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009” – BCG đánh giá.

Việt Nam cũng dẫn đầu về chuyển đổi thịnh vượng kinh tế thành chất lượng cuộc sống. Theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm 10% các quốc gia dẫn đầu trên thế giới về khả năng chuyển đổi sự thịnh vượng của nèn kinh tế thành chất lượng cuộc sống của người dân, với hệ số chuyển đổi từ thịnh vượng thành chất lượng cuộc sống là 1,48.

Có nghĩa, với GDP bình quân đầu người theo ngang giá sức mua khoảng 5.200 USD, người dân Việt Nam có chất lượng cuộc sống tương đương với người dân ở một quốc gia có GDP bình quân đầu người cao hơn 10.000 USD.

Việt Nam cũng vượt xa các nước có cùng mức thu nhập như Philippines (GDP bình quân đầu người đạt khoảng 6.300 USD); và cả những quốc gia thịnh vượng hơn như Trung Quốc và Thái Lan. Theo đánh giá của BCG, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam tương đương với Trung Quốc, mặc dù GDP bình quân đầu người của nước này cao hơn gấp đôi Việt Nam.

Theo BCG, việc Nhà nước có tầm nhìn xa hơn mục tiêu phát triển kinh tế đơn thuần để tập trung các yếu tố thúc đẩy thịnh vượng khác như khả năng tiếp cận giáo dục và y tế. Bên cạnh đó, thành quả của Việt Nam trong chuyển đổi từ thịnh vượng kinh tế thành chất lượng cuộc sống vững chắc. Hệ số chuyển đổi từ tăng trưởng thành chất lượng cuộc sống của Việt Nam được thể hiện rất rõ.

Những năm qua Chính phủ đã tiếp tục đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng, bao gồm mục tiêu tăng hơn gấp đôi GDP bình quân đầu người vào năm 2020, với trọng tâm là kế hoạch đưa Việt Nam từ một nền kinh tế công nghiệp dựa vào lao động giá rẻ, trở thành một nền kinh tế tri thức, hiện đại của quốc gia có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của BCG cũng chỉ ra rằng ba lĩnh vực cốt lõi cần được Chính phủ quan tâm giải quyết đó là tăng cường liên kết giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục, nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện quản trị Nhà nước.