Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Thi tuyển thẩm phán: “1 chọi 70”

ĐẠI THẮNG - NA THY

PLO - Có thể không quá gay cấn với tỉ lệ “1 chọi 70” như ở Mỹ nhưng hầu hết các nước đều chọn phương án thi chọn thẩm phán với các quy định rất khắt khe nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất của những người “cầm cân nảy mực”.

Tại Nhật, có khi các ứng viên phấn đấu hơn 20 năm vẫn chưa thể trở thành thẩm phán. Trong nghiên cứu “Tư pháp ở Nhật Bản: Duy trì sự công minh, tính tự chủ và niềm tin xã hội”, GS người Mỹ John O. Haley, ĐH Washington, đưa ra nhận xét: “Các thẩm phán ở Nhật được đánh giá là một trong những thẩm phán trung thực, độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị và chuyên nghiệp nhất trên thế giới. Họ cùng những cán bộ hoạt động trong ngành luật cũng được xem là thành phần nhỏ hội tụ “tinh hoa” của cả đất nước”.

Ở Nhật, có khi về hưu vẫn chưa là thẩm phán

Việc trở thành thẩm phán Nhật Bản nói riêng và các cá nhân hoạt động trong ngành luật nói chung là rất khó do phải vượt qua không ít những thử thách. Nếu muốn trở thành thẩm phán, ứng viên phải hoàn thành khóa huấn luyện hai năm tại Học viện Đào tạo và Nghiên cứu pháp lý với bài sát hạch đầu vào mang tính cạnh tranh một cách khắc nghiệt. Trong hai năm này, học viên được đào tạo ở các bộ phận hình sự và dân sự của tòa án khu vực, văn phòng công tố viên của tòa án quận và công ty luật. Ngoài ra, học viên còn trải qua hai thời kỳ học lý thuyết, làm bài tập xử lý tình huống ở giảng đường thuộc Viện Tokyo.

Sau khi hoàn thành khóa học này, các ứng viên tiềm năng sẽ được lựa chọn để bổ nhiệm vào làm ở vị trí trợ lý thẩm phán trong thời gian xuyên suốt 10 năm. Khi hoàn thành 10 năm với chức vụ trợ lý thẩm phán, đạt hiệu quả và kết quả đầu ra theo yêu cầu, các học viên lúc này mới đủ điều kiện để xin được bổ nhiệm vào vị trí thẩm phán. Tuy nhiên, bấy nhiêu thời gian không phải là đủ để có thể được bổ nhiệm trở thành một thẩm phán. Tùy vào năng lực bản thân và sự lựa chọn của phòng nhân sự thuộc Ban Thư ký Tòa án Tối cao mà ứng viên có thể trở thành thẩm phán hay không. Hoặc ứng viên đó vẫn phải tiếp tục công việc trợ lý thẩm phán đến khi đủ điều kiện. Nghiên cứu của GS John O. Haley cho thấy trung bình phải mất 10 đến 20 năm làm trợ lý thẩm phán, thậm chí có khi ứng viên đã 65-70 tuổi mới được bổ nhiệm làm thẩm phán.

Ví dụ, trong khóa học thứ 22 của học viện trên vào năm 1970, với 71 học viên có 53 người (chiếm 74,6%) phải trải qua 26 năm trên ghế trợ lý thẩm phán, nghĩa là mãi đến năm 1996 họ mới được ngồi ghế thẩm phán chính thức. Trong số còn lại, có một số ít trở thành thẩm phán hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc không đạt yêu cầu làm thẩm phán dù đã đến tuổi về hưu. Phần lớn các thẩm phán được lựa chọn từ các trợ lý thẩm phán, tuy nhiên vẫn có các thẩm phán từng là công tố viên, luật sư tập sự. Bên cạnh đó, hầu hết thẩm phán người Nhật đều phải trải qua tất cả chức vụ cơ sở từ cấp huyện trở lên sau đó mới được thăng chức nếu công việc đạt hiệu quả, đạt thành tích tốt.

Mỹ: Tỉ lệ trung bình “1 chọi 70”

Tại Mỹ, việc lựa chọn thẩm phán, đặc biệt là thẩm phán tòa án tối cao luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Hiến pháp Mỹ không đề ra các tiêu chuẩn cụ thể hay chính thức đối với việc chọn lựa thẩm phán. Thế nên không có các quy định cụ thể về độ tuổi, bằng cấp, công dân bản xứ, tốt nghiệp ngành luật hay không. Dù vậy, vẫn có những tiêu chuẩn không chính thức hay những quy định bất thành văn mà mỗi thẩm phán đều phải đáp ứng.

Một mô hình lựa chọn thẩm phán khác cũng được Cộng đồng tổ chức pháp luật Hoa Kỳ đánh giá là hiệu quả nhất để lựa chọn thẩm phán, đó là hệ thống lựa chọn dựa trên sự xứng đáng. Theo thống kê, 2/3 các bang tại Mỹ và quận Columbia sử dụng mô hình này để lựa chọn thẩm phán. Theo đó, một hội đồng đánh giá công tâm nhất được thành lập để có thể lựa chọn các ứng viên tiềm năng, thường là ba người. Các ứng viên được lựa chọn phải đáp ứng các yêu cầu không chỉ về bằng cấp mà còn về phẩm chất như cởi mở, công bằng, không thiên vị, lịch thiệp, điềm tĩnh, kỹ năng giao tiếp... Các ứng viên cũng phải là người có uy tín để từ đó có thể ứng cử vào những chức vụ cao hơn. Từ danh sách các ứng viên được đề cử, thống đốc bang sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Con số sau đây cho thấy mức độ khốc liệt của nghề thẩm phán. Đơn cử ở Colorado có đến 21.000 luật sư tập sự nhưng chỉ có 300 thẩm phán. Họ là những người đáp ứng được gần 50 tiêu chuẩn do hội đồng lựa chọn và thống đốc đề ra, trong đó việc từng có nhiều năm kinh nghiệm làm luật sư với nhiều thành tích và uy tín là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, Mỹ còn áp dụng mô hình tuyển chọn thẩm phán theo dạng “tranh cử”, vận động ủng hộ. Mô hình này thường sử dụng dựa trên chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực vận động thuyết phục của ứng viên. Theo đó ứng cử viên phải đảm bảo những tố chất vượt trội của một thẩm phán tiềm năng. Cụ thể, về năng lực chuyên môn, thẩm phán thường là những luật sư giỏi và có sự vượt trội về mặt chuyên môn. Điều này được thể hiện qua uy tín và danh tiếng trong sự nghiệp của họ. Bên cạnh đó, thẩm phán phải có thành tích hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Các ứng viên tiềm năng phải khẳng định mong muốn trở thành thẩm phán hoặc phục vụ tòa án thông qua những chiến dịch vận động. Từ đó họ sẽ được cân nhắc khi có một chiếc ghế trống. Quá trình lựa chọn thẩm phán được diễn ra với quy mô rất lớn, với sự tham gia quyết định của tổng thống, Bộ Tư pháp, lãnh đạo các bang và địa phương, các nhóm lợi ích, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, Ủy ban Tư pháp.

Anh: Chọn lựa minh bạch

Từ năm 2005, thẩm phán tại Anh được Ủy ban Tư pháp lựa chọn và bổ nhiệm. Ủy ban này hoạt động một cách độc lập và không chịu ảnh hưởng của bất kỳ tổ chức nào. Ủy ban này tổ chức một kỳ thi công khai, minh bạch và công bằng để lựa chọn các ứng cử viên xuất sắc nhất. Những ứng cử viên đảm bảo được các yếu tố về đóng góp, uy tín, sự tín nhiệm, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp (thông qua hồ sơ, phỏng vấn và kiểm tra chuyên môn) sẽ được Ủy ban Tư pháp đề xuất lên quan chưởng ấn, người đứng đầu nhánh tư pháp tại Anh và Xứ Wales, xem xét và bổ nhiệm.

Thông tin từ trang web chính thức của Văn phòng Tư pháp Vương quốc Anh và Xứ Wales cho thấy các tiêu chuẩn dành cho ứng viên tham dự cuộc thi tuyển chọn thẩm phán của Ủy ban Tư pháp tại Anh là không quá khó khăn. Ứng viên thẩm phán phải là công dân (gồm cả công dân có hai quốc tịch) - của Anh, Ireland và các quốc gia thuộc đế quốc Anh trước đây, không phân biệt người khuyết tật cũng như độ tuổi (trừ khi quá 70 tuổi - tuổi nghỉ hưu).

Về yêu cầu chuyên môn, các ứng viên được yêu cầu phải có bằng cấp luật tương ứng và kinh nghiệm phục vụ ít nhất từ năm đến bảy năm trong ngành, thường là bắt đầu từ các vị trí thẩm phán ở các cơ sở huyện và phát triển dần lên đến khi tham gia vào cuộc thi tuyển thẩm phán tòa án tối cao. Mỗi bước chọn lọc ứng viên đều có sự thẩm định kỹ lưỡng và điều chỉnh để đảm bảo tính công bằng.