Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Nhà tạm giữ công an quận, huyện đang phình to

H.KHÁ - V.THỦY

TT - Có hiện tượng công an quận huyện nào cũng muốn xây nhà tạm giữ của mình ngày càng to ra để giam luôn bị can, chứ không muốn chuyển bị can lên trại giam công an tỉnh, thành.

Ngày 3-3 tại Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP kiêm giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết hiện đang có tình trạng nhà tạm giữ của công an các quận huyện trên cả nước bị phình to.

Theo ông Chung, hiện công an quận huyện nào cũng muốn xây dựng nhà tạm giữ của mình ngày càng to ra để giam luôn bị can, chứ không muốn chuyển bị can giam ở trại giam công an tỉnh, thành.

“Thực trạng này đang xảy ra nên tôi đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhiệm kỳ tới phải vào cuộc giám sát để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ cho dừng ngay việc này lại. Chúng ta không nên để quận huyện nào cũng bị phình to nhà tạm giữ giống như trại giam.

Nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra sẽ đẻ ra ở công an quận huyện thêm một bộ phận hỗ trợ tư pháp, phải có thêm nhà ăn, người phục vụ...” - ông Chung nói.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng ngày, các đại biểu đã nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật dược (sửa đổi).

Xung quanh quy định liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề dược, hiện nay vẫn có hai phương án: cấp một lần (vĩnh viễn) hoặc có thời hạn 5 năm.

Báo cáo tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra việc cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần tuy phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn nhưng lại phát sinh thủ tục hành chính, chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.

Nhiều đại biểu đề nghị ngành y tế nói rõ hơn về hai phương án để có cơ sở giúp đại biểu Quốc hội ra quyết định ủng hộ phương án nào.

Kết luận tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Tiên - phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng trước mắt cần phải chấp nhận quy định cấp chứng chỉ hành nghề trong thời gian 5-10 năm tới.

Tuy nhiên trong thời gian đó, Bộ Y tế cần nghiên cứu, xây dựng phương hướng rõ ràng để Quốc hội ủng hộ việc cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn.