Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Giải cứu một nền y học méo mó

Phan Sơn

TGTT - Hệ thống đào tạo này đâu chỉ cho ra không ít bác sĩ thiếu năng lực mà còn không ít những người sính bằng cấp (thạc sĩ, tiến sĩ) “hữu danh, vô thực”, đã đến lúc giải cứu nền y khoa này.

Sự việc Lê Thị Hà Vi, 15 tuổi, bị cưa chân do tắc trách của kíp trực bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin, Đăk Lăk, đã trôi qua hơn mười ngày.

Hy vọng đây là tiếng chuông cảnh báo mạnh mẽ để ngành chức năng nhìn nhận chính sách đào tạo để không còn những nạn nhân trong tương lai.

Đào tạo y khoa “dã chiến” trong thời bình

Những ai có dịp tạt qua bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ mỗi sáng sẽ không khỏi bức xúc trước cảnh quá tải và xuống cấp mọi mặt của cơ sở y tế này. Các lối đi đều có người chiếm hữu để đứng, ngồi, thậm chí… nằm trong mọi tư thế.

Nhưng xen lẫn giữa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân là từng tốp sinh viên y khoa ngồi tán gẫu hoặc nghịch điện thoại.

Hỏi một sinh viên năm thứ 6 vì sao không thực tập trong khoa phòng, em cho biết sinh viên quá đông, phòng bệnh lại nhỏ nên không chứa nổi. “Mà có muốn học cũng khó vì thiếu giáo viên hướng dẫn”, em nói.

Cảnh tượng này không chỉ ở Cần Thơ mà còn có ở nhiều bệnh viện lớn của TPHCM, nơi tiếp nhận sinh viên thực tập từ nhiều trường, nhiều hệ đào tạo khác nhau và họ phải chen chúc trong những buồng bệnh để thực tập.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên đại học Y dược TPHCM, bày tỏ quan điểm: “Hàng chục sinh viên thực tập trên một bệnh nhân thì sao học được? Chất lượng đào tạo thế này thì khó thành bác sĩ giỏi”.

Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, tiền thân là trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TPHCM, là nơi cung cấp nhân lực chính cho ngành y tế TPHCM. Những năm đầu tiên ra đời trường chỉ đào tạo 150 – 200 sinh viên y khoa/khoá.

Nhưng với áp lực đào tạo nhiều bác sĩ phục vụ cho người dân thành phố, trường tăng dần chỉ tiêu để cán mức 1.000 sinh viên/khoá trong những năm qua. Cơ sở vật chất trường chỉ như thế, giảng viên có tăng nhưng không thể theo kịp lượng sinh viên.

BS Đỗ Hồng Ngọc, nguyên giảng viên đại học Y Phạm Ngọc Thạch, từng chia sẻ với người viết: “Trong chiến tranh, cần nhiều nhân lực y tế phục vụ chiến trường, chất lượng đào tạo có thể không tính đến. Nay đã là thời bình, cần tăng cường chất lượng đào tạo y khoa chứ không thể đào tạo theo kiểu “dã chiến” để gây hậu quả cho bệnh nhân”.

Nhưng đâu chỉ đại học công lập, nguồn nhân lực y tế còn từ các cơ sở tư nhân với điểm đầu vào rất thấp và trình độ nhân lực đầu ra khó kiểm soát.

Một giám đốc bệnh viện cho biết, ông không bao giờ nhận điều dưỡng từ các trường tư nhân. Ngay cả điều dưỡng của trường công lập nếu được nhận vào cũng phải qua sáu tháng huấn luyện trước khi cho làm việc thật sự.

Cần y khoa cảm xúc hơn cảm tính

Trong giới chuyên môn, khi nói về khoa Y của một đại học trên Tây Nguyên, không ít người phải e ngại về trình độ các bác sĩ đào tạo từ đây.

Thực tế thì sự ra đời của khoa này dựa trên mục tiêu rất tốt đẹp: phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung.

Nhưng nếu nhìn vào thông tin đào tạo bác sĩ đa khoa trên website nhà trường, người ta phải… lắc đầu ngán ngẩm: “Mỗi năm tuyển khoảng 150 – 200 sinh viên theo chỉ tiêu của bộ và khoảng 70 sinh viên đào tạo theo địa chỉ từ năm tỉnh Tây Nguyên, do địa phương đầu tư kinh phí đào tạo, nhưng chỉ xét trong số những thí sinh thi vào ngành y không đủ điểm chuẩn”.

Không đủ điểm chuẩn, nhưng vẫn có thể học bác sĩ, thật nguy hiểm!

Xã hội từng phản ứng trước hình thức đào tạo chuyên tu, liên thông đại học trong y khoa, xem đây là một trong những “thủ phạm” gây ra sai sót chuyên môn bấy lâu nay.

Nhưng một bác sĩ được đào tạo theo hình thức này phản biện: “Hệ chuyên tu không có lỗi, có lỗi chăng việc tuyển sinh và đào tạo không chú trọng chất lượng, nặng cảm tính, để rồi cho ra những bác sĩ thiếu năng lực. Nhưng đâu chỉ bác sĩ chuyên tu, bác sĩ chính quy cũng có vấn đề mà”.

Đào tạo y khoa bát nháo, chạy theo số lượng hơn chất lượng đang bóp méo hệ thống chăm sóc sức khoẻ người dân và khiến không ít người thành nạn nhân, từ chỗ lành lặn thành tật nguyền như Lê Thị Hà Vi.

Hệ thống đào tạo này đâu chỉ cho ra không ít bác sĩ thiếu năng lực mà còn không ít những người sính bằng cấp (thạc sĩ, tiến sĩ) “hữu danh, vô thực” mà xã hội đề cập bấy lâu nay.

Đã đến lúc giải cứu nền y khoa này, để xã hội có được những thầy thuốc tài năng và y đức thực sự phục vụ người dân.

Mọi chuyện chắc chắn không dễ vì ngay cả người đứng đầu ngành y tế đâu đó vẫn cảm tính trong chuyện Lê Thị Hà Vi.

Thật vậy, quan tâm đến tương lai em, bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặt vấn đề lo cho em sau này nếu em thích học ngành y. Dư luận phản ứng trái chiều về ý tưởng này, có người ủng hộ tấm lòng của bộ trưởng, nhưng cũng có người phản ứng.

Một bác sĩ chia sẻ: “Học bác sĩ và làm việc trong ngành y cần thực tài của người đó chứ đâu thể thông qua “giúp đỡ” được”.

Một facebooker cũng đồng tình: “Trở thành bác sĩ không phải là phần đền bù cho một người là nạn nhân của tắc trách y khoa, nhất là nếu người đó không có khả năng và tư chất trở thành bác sĩ, mà muốn thành chiến sĩ công an. Hai cái nghề này khác xa lắm về nhiều mặt”.

“Giải cứu” cho nạn nhân Lê Thị Hà Vi là hay, nhưng hay hơn nữa là cần “giải cứu” một nền y khoa méo mó. Y khoa cần nhân văn và cảm xúc, chứ không cần những chính sách mang nặng thương xót và cảm tính.