Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

Gạc Ma: Phải công bố sự thật lịch sử với nhân dân

PHẠM VŨ thực hiện

TTO - "Mọi sự thật trong lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có những câu chuyện chiến tranh biên giới phía Bắc, Hoàng Sa, Trường Sa hay Gạc Ma đều rất cần thiết phải lần lượt cung cấp trung thực và đầy đủ cho nhân dân".

Ngày 14-3, trong dòng cảm xúc thương nhớ Gạc Ma, hướng về Trường Sa, về biển Đông, lại có những xôn xao khi nghe tin cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử hơn hai năm không được cấp phép xuất bản. 

Có phải vì chủ đề được xem là “nhạy cảm”? Hay các tư liệu, nội dung chưa chính xác? Hay việc biên soạn, biên tập sách chưa được chỉn chu?

Rất nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra, nhưng câu trả lời sẽ chỉ có khi bạn đọc được cầm quyển sách trên tay.

Tập sách gồm năm chương: Tháng ba khắc khoải; Máu nhuộm bãi đá san hô; Nước mắt hào hùng, nước mắt đau thương; Gạc Ma ngày nay và chiến thuật leo thang trên biển của Trung Quốc và Dư luận. 

Ngoài ra còn có bài tựa của James G. Zumwalt – tác giả quyển Bare Feet, Iron Will – Stories from the Other Side of Vietnam’s Battlefields (Chân trần chí thép), lời bạt của nhà sử học Dương Trung Quốc và lời giới thiệu của thiếu tướng - Anh hùng LLVT Lê Mã Lương cùng một số phụ lục: Danh sách 64 liệt sĩ hy sinh, mất tích ngày 14-3-1988 trong trận chiến bảo vệ quần đảo Trường Sa; Danh sách 9 chiến sĩ Gạc Ma, Trường Sa bị Trung Quốc bắt làm tù binh…

Nhân câu chuyện này, Tuổi Trẻ trao đổi với ông VŨ NGỌC HOÀNG - phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương - xung quanh việc công bố những sự thật lịch sử trên thông tin đại chúng.


* Dư luận đang ồn ào, bức xúc về việc cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử không được cấp giấy phép xuất bản, thêm vào đó là việc sách giáo khoa chỉ có 11 dòng về chiến tranh biên giới phía Bắc 1979...

Là người làm công tác tuyên giáo, ông nghĩ gì về việc công bố những sự thật lịch sử, xuất bản sách viết về lịch sử? Việc dạy và học sử trong nhà trường?

-  Theo quan điểm của tôi, việc viết và xuất bản sách về lịch sử Việt Nam, cũng như việc dạy và học lịch sử trong nhà trường là hết sức cần thiết và quan trọng, đó là một phần quan trọng trong giữ gìn và xây dựng văn hóa và lòng yêu nước trong mỗi người.

Tất nhiên trong đó có cả câu chuyện bi tráng ở bãi đá Gạc Ma. Đây là công việc văn hóa, giữ nước, vì sự trường tồn và phát triển của dân tộc.

Sách giáo khoa chưa đề cập hoặc viết quá ít về chiến tranh giữ nước ở biên giới cũng là chưa đúng. Tôi cho rằng: nhân dân chứ không phải ai khác mới chính là những người trực tiếp giữ lấy đất nước của mình và viết tiếp những trang sử mới.

Mọi sự thật trong lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có những câu chuyện chiến tranh biên giới phía Bắc, Hoàng Sa, Trường Sa hay Gạc Ma đều rất cần thiết phải lần lượt cung cấp trung thực và đầy đủ cho nhân dân, để nhân dân ta hiểu bản chất của vấn đề, để tiếp tục giữ nước và ứng xử phù hợp trong mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc.

Tôi chưa rõ lý do cụ thể khiến cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử chưa được cấp giấy phép xuất bản, nhưng tôi cho rằng không phải vì lý do nhạy cảm.

* Đã không ít lần báo chí cũng như ngành xuất bản vấp phải những cảnh báo “nhạy cảm” khi công bố thông tin.

Ông có thể cho biết những vấn đề nào được coi là nhạy cảm, cần hạn chế thông tin? Quan điểm của ông về vấn đề này?

-  Tôi nghĩ khái niệm “nhạy cảm” được hiểu còn mập mờ lắm, nên làm rõ ra và rất không nên lạm dụng từ “nhạy cảm” để ngăn cản thông tin.

Thông tin có quy luật riêng của nó, càng “nhạy cảm” nó càng dễ lan ra, bịt đường này nó đi đường khác. Không thể bưng bít được đâu, tốt nhất là cứ công khai hóa, minh bạch hóa.

Càng “nhạy cảm” thì càng phải chú ý cung cấp thông tin trên kênh chính thống, đừng để người khác lợi dụng úp mở để xuyên tạc hoặc là nhân dân hiểu không đúng như sự thật vốn có.

Phạm vi vấn đề “nhạy cảm”, không được cung cấp thông tin rộng rãi, nếu có, chỉ nên rất ít thôi, chủ yếu là để bảo vệ các bí mật quốc gia.

Còn lại, nói chung, mọi việc đều có thể thông tin miễn là trung thực và có trách nhiệm với dân với nước.

* Trong thời đại thông tin này, hạn chế thông tin trên kênh chính thống không chỉ là vẽ đường vòng để thông tin ấy đến với độc giả, mà khi đó nó có thể bị trộn lẫn một cách vô tình hay cố ý với những thông tin sai lạc khác, chưa kể sẽ tạo ra tâm lý tiêu cực, chán nản, mất niềm tin trong người dân.

Theo ông, chúng ta sẽ phải giải quyết việc này như thế nào?

Các kênh ấy có điều kiện thuận lợi hơn, gần hơn với các nguồn thông tin từ bộ máy, vậy mà cách làm lâu nay không phát huy lợi thế này, để các kênh chính thống bị thụ động và “phải” chậm chạp lại.-  Tôi cũng nghĩ như vậy. Các phương tiện truyền thông chính thống nên chủ động, và nên được tạo điều kiện, để đưa thông tin đầy đủ và sớm nhất.

Nếu cứ chậm hơn hoặc là không cung cấp thông tin (vì sợ nhạy cảm) cũng có nghĩa là tự làm giảm vai trò, tác dụng của mình, mất thị trường và mất công chúng.

* Trở lại cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử, người dân đã phải chờ đợi quá lâu để có được những câu chuyện về sự thật lịch sử những gì diễn ra ở bãi đá Gạc Ma trên sách báo chính thống.

Nếu nội dung cuốn sách được biên soạn chưa tốt, chưa thật sự chính xác, theo ông nên giải quyết thế nào? Việc cuốn sách phải đi “chu du” qua mười mấy nhà xuất bản trong hơn hai năm có hợp lý không?

- Tôi xin khẳng định lại: việc cung cấp thông tin, sự thật đầy đủ và chính xác cho nhân dân là trách nhiệm của giới truyền thông, của các nhà xuất bản và cả của hệ thống chính trị nữa! 

Chuyện ở bãi đá Gạc Ma mấy chục năm rồi mà nhân dân chưa biết nhiều về sự thật của nó là đáng trách.

Trong khi đó, phía Trung Quốc đưa tin nhiều rồi và không loại trừ có những thông tin không chuẩn, không đúng sự thật, rất cần nói lại để nhân dân Trung Quốc hiểu đúng sự thật, mà cả nhân dân thế giới cũng cần biết rõ.

Nếu bản thảo có những nội dung chưa thật sự chính xác thì các nhà xuất bản có thể nhờ các cơ quan có trách nhiệm thẩm định độ chính xác của vấn đề, góp ý cho tác giả hoàn thiện để có thể xuất bản sớm nhất nhằm cung cấp thông tin cho nhân dân.