(VTC News) - Cái ô chỉ mang vai trò che nắng che mưa, rồi nay biến tấu thành mua quan bán chức, nhưng nếu biết dùng như Obama thì hình ảnh cái ô trong tay vị tổng thống siêu cường mang một ý nghĩa đặc biệt.
Cái ô của Obama
Làm đến tổng thống Hoa Kỳ chắc chỉ có ông ta tự làm cái “ô” cho chính mình bởi sự sàng lọc của nền dân chủ, thể chế tam quyền phân lập, tranh cử ở 50 bang qua các vòng đấu loại, không có “ô dù” nào đỡ nổi.
Chuyện ô dù đó là theo nghĩa bóng. Nhưng theo nghĩa đen, Tổng thống Mỹ cũng phải tự cầm ô che mưa nắng cho chính mình.
Cuối tuần vừa rồi, trong chuyến thăm Cuba, khi bước ra khỏi chuyên cơ Air Force One dành riêng cho Tổng thống, trời mưa khá to, người ta thấy ông Obama một tay cầm ô che cho phu nhân Michelle Obama, phía sau là hay đứa con cũng tự cầm ô bước xuống cầu thang.
Mới nhìn qua tưởng gia đình Tổng thống đi nghỉ mát ở quốc đảo thuộc loại đẹp nhất hành tinh mà không phải tới thăm chính thức Cuba sau 88 năm, bởi tại sao Tổng thống phải tự cầm ô trong mưa. Ở các quốc gia khác thường có tùy tùng che ô giúp lãnh đạo.
Chuyện cái ô của Obama còn dài hơn thế nữa. Hồi tháng 5/2015, khi chiếc máy bay lên thẳng Marine One hạ cánh xuống vườn cỏ trước Nhà Trắng, ông Obama mở cửa bước ra thì trời mưa tầm tã. Ông bình tĩnh giương ô và bước xuống. Chân cầu thang máy bay là một lính thủy đánh bộ trong trang phục nghi lễ đứng dưới trời mưa.
Dường như ông đoán được trong khoang máy bay một số nhân viên không chịu ra do sợ ướt. Ông liền dừng lại và ra hiệu cho mấy người xuống để chung ô với Tổng thống. Hai trợ lý nữ là cố vấn cao cấp Valerie Jarrett và phó quản lý của Nhà Trắng là bà Anita Breckenridge bước xuống máy bay. Cả ba cùng chung nhau một cái ô dưới trời mưa tầm tã, một hình ảnh lạ và bắt mắt trong truyền thông.
Sau đó ông gửi một memo cho đội cận vệ, các bạn nên để thêm một số ô trong máy bay Marine One để khi cần có cái mà dùng.
Cũng vào tháng 5/2013, trong khi họp báo ngoài trời trước cửa Nhà Trắng với ông Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, thì trời đổ mưa. Tổng thống Obama đã ngừng chút và yêu cầu mấy lính thủy đánh bộ (lính canh Nhà Trắng) mang ô đến để che mưa. Ông nói vui “Tôi thì có đồ để thay, nhưng không biết ông Thủ tướng thế nào.”
Có hai lính thủy ăn mặc rất đẹp cầm ô ra đứng cạnh hai vị nguyên thủ quốc gia và cuộc họp báo lại tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra. Ông còn nói xin lỗi mấy anh lính phải chịu trận mưa ngoài ý muốn.
Tưởng chừng câu chuyện chỉ dừng ở đó. Nhưng phe đảng Cộng hòa đã lên án hành động “tùy tiện” đó của Obama.
Lou Dobbs, một tay bình luận có tiếng trên Fox News, đã tweet “Obama muốn quân đội của chúng ta đứng cầm ô đáng nguyền rủa trong khi có thể họp báo trong nhà. Đó là sự không tôn trọng, không suy nghĩ và không có vị thế của Tổng thống. (Obama expects our troops to hold damn umbrellas rather than go inside: It’s disrespectful, inconsiderate, classless).
Bà Sarah Palin, ứng viên Phó Tổng thống cùng thời với John McCain trong tranh cử năm 2008, cũng tranh thủ chế giễu “Thưa ngài Tổng thống, khi mưa rơi, hầu hết dân Mỹ đều tự cầm ô đó ạ”.
Một số còn đi xa hơn, nói rằng Obama đã vi phạm điều lệnh của quân đội. Hàng ngàn comments khen chê trên mạng xã hội.
Số là trong quân đội Hoa Kỳ có qui định rất rõ, lính thủy nam khi mặc trang phục không được cầm ô dù mưa hay nắng. Nữ lính thủy được dùng ô nhưng phải mầu đen và phải là ô gấp. Vì thế, nhóm lính thủy canh Nhà trắng hay Quốc hội bị mưa ướt là thường.
Quân lệnh như sơn và tổng thống cũng phải theo, dù rằng trong điều lệnh có một chi tiết nói rõ, quân đội phải thực thi những nhiệm vụ mà Tổng thống giao phó. Trường hợp nhờ che ô cho Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nhiệm vụ đặc biệt.
Người xem tivi bên Mỹ quá quen với hình ảnh Obama giương ô đi một mình, che ô cho phu nhân, rồi đi cùng ô với nhân viên dưới trời mưa, mà không cho đó là một hành động đặc biệt tự quảng cáo.
Nhưng hình ảnh chính khách tự cầm ô cũng nói lên rất nhiều về tầm văn hóa, trình độ hiểu biết, và sức mạnh quốc gia nằm trong cả cái ô của người đứng đầu.
Là tổng thống một siêu cường số 1 thế giới, không có chiếc “ô” nào theo nghĩa bóng ở ngoài đời có thể giúp vào Nhà Trắng. Và đã ngồi vào đó rồi thì nếu trời mưa cũng phải tự giương ô theo nghĩa đen mà đi, nếu không muốn bị ướt và bị mang tiếng lạm dụng “nước sông công lính”.
Cái ô của người Việt
Xem lại những bức ảnh do người Pháp chụp quan tổng đốc Hà Nội dưới triều Nguyễn thế kỷ 19 thấy ảnh một ông quan râu dài, khăn xếp, áo thụng, cưỡi ngựa và có tới bốn thanh niên đi theo cầm ô (dù) che người và che cả ngựa.
Trong những thước phim đen trắng về các quan lại thời phong kiến đều có cảnh quan đi, quan đứng, quan ngồi, thậm chí chơi cờ, cũng có người quạt phe phẩy, người cầm ô, một cảnh mà bây giờ nhìn thấy chướng mắt vì sự phân tầng giai cấp.
Giấc mơ giầu sang phú quí có chiếc lọng vàng (ô) từng đi vào thơ của Nguyễn Bính trong bài Quan Trạng “Quan Trạng đi bốn lọng vàng//Cờ thêu tám lá qua làng Trang Nghiêm…”.
Cách mạng đến quét sạch tàn dư phong kiến. Những chiếc ô, lọng vàng biến mất khỏi sinh hoạt văn hóa của người Việt. Có chăng chỉ trong những lễ hội mang tính hình thức để nhớ về một thời “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau” hoặc đơn thuần dùng để che nắng che mưa. Lãng mạn hơn nữa dành cho các đôi chung tình dưới tán ô.
Tuy nhiên thế giới đã hội nhập vào thế kỷ 21 rồi, thói phong kiến gia trưởng lại ăn sâu vào nhiều quan chức từ huyện tới tỉnh và trung ương. Chỗ nào có cuộc gặp ngoài trời, nắng mưa một chút y như rằng có một hay hai vị xoắn xít giương ô lên che cho bề trên, chả khác gì thời phong kiến.
Thời thế đổi thay, chuyện mua quan bán chức xảy ra. Người ta thường đồn thổi, ai lên được vị trí cao nào đó hay có người che ô, ý nói chống lưng mới được như thế. Cái ô, cái dù đã biến tấu sang một nghĩa xấu mới. Từ chỗ mang vai của vua quan thối nát nay thành tiền và chức tước, quốc gia không thể phát triển.
Vĩ thanh
Làm lãnh đạo phải chịu sự soi mói của dân chúng, từ lời ăn tiếng nói cho tới cách xắn quần lội ruộng, tự cầm ô hay để quân làm việc đó. Dân đóng tiền thuế để quan tồn tại thì họ có quyền bắt vị đó phải biết quên đi “bốn lọng vàng” của phong kiến quan lại, một đòi hỏi của thời cuộc về văn hóa làm quan thời hội nhập.
Nhớ đến mấy câu thơ cuối của Nguyễn Bính “Mọi người hớn hở ra xem//Chỉ duy có một cô em chạnh buồn//…Thế rồi quan Trạng vinh quy qua làng”.
Ngày xưa thiếu nữ buồn vì người ta vinh qui thì quên mất nàng. Nhưng thời nay chàng thành danh có đầy kẻ xu nịnh xúm xít, tranh nhau cầm ô, dù có quên thì người đẹp vẫn đề lên vạt áo mấy câu nhắn nhủ vị quan chức háo danh:
Giản dị khi nhiều tiền
Im lặng khi tức giận
Lịch sự khi có quyền.