Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Tiếng dân

Đoàn Khắc Xuyên

Người Đô Thị - Trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước, chúng ta đang chứng kiến cùng lúc hai hiện tượng diễn ra song song.

Một mặt, một số công bộc của dân tự cho mình đặc quyền dùng công quỹ để ban phát cho nhau những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng ở nước ngoài bằng tiền ngân sách trong giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ”, dưới vỏ bọc đi học tập kinh nghiệm từ làm du lịch, đối phó với biến đổi khí hậu đến... làm xổ số. Và còn vô vàn hình thức lạm dụng công quỹ, lạm dụng của công tinh vi hoặc lộ liễu khác nữa, như vụ hàng chục chiếc xe công tỉnh Sóc Trăng đổ về ấp Trà Vôn A, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu dự đám giỗ tại nhà một người dân kinh doanh thức ăn nuôi tôm, có anh vợ làm cán bộ cấp tỉnh. Có vị, nguyên là bí thư tỉnh ủy, thậm chí còn cho rằng dùng tiền ngân sách cho cán bộ sắp về hưu đi nước ngoài tham quan du lịch là “phải đạo”.

Không biết thứ “đạo” đó là đạo gì, trong khi từ đạo đức cách mạng tới đạo làm quan thời phong kiến đều dạy rằng công bộc của dân là người “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” (Phạm Trọng Yêm - học giả và nhà chính trị thời Bắc Tống).Thực ra, cũng chẳng cần viện đến đạo đức. Chỉ cần áp dụng cho nghiêm luật pháp về chi tiêu ngân sách và luật công vụ thì những quan chức xem việc chi tiền ngân sách như tiền túi của mình đã có thể phải chịu trừng phạt, ít nhất là trả lại tiền cho công quỹ. Chẳng qua vì bộ máy quản lý nhà nước và việc chi tiêu ngân sách không được giám sát hữu hiệu nên quan chức trước khi về hưu mới có thể tự ban phát cho mình đặc quyền như đã nói.

Mặt khác, người ta cũng đang chứng kiến việc người dân và công chức, viên chức cấp dưới ngày càng thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình trên mạng xã hội về những thiếu sót, bất cập của bộ máy quản lý, của những công bộc của dân, từ việc chê một ông quan đầu tỉnh “kênh kiệu” xa dân đến việc đặt vấn đề trách nhiệm của lãnh đạo địa phương về một cây cầu mục gãy làm giáo viên trên đường đến trường rơi xuống sông thiệt mạng hoặc suýt thiệt mạng.

Chẳng phải trước đây họ không có những suy nghĩ tương tự, chẳng qua mạng xã hội giúp họ nói thẳng ra điều mà trước đây họ nghĩ nhưng không dám, không có phương tiện để nói ra cho nhiều người cùng biết. Một số quan chức địa phương đã liên tiếp đưa ra hình thức kỷ luật, trừng phạt đối với những ai có những nhận xét thẳng thắn nói trên. Họ hành xử như những nhà cai trị quyền uy chứ không phải là công bộc của dân, họ không muốn nghe tiếng nói của dân, không cho phép ai nói động đến mình. “Vox populi, vox Dei”, tiếng (hay ý) dân là tiếng (hay ý) Trời. Với não trạng của người cai trị quyền uy, họ đã quên mất điều đó. Và họ đã vấp phải phản ứng quyết liệt của công luận trên mạng xã hội và ngay cả trên báo chí chính thống khiến họ phải rút lại các quyết định kỷ luật những người dân dám có ý kiến về công việc của họ.

Nhìn từ góc độ mối quan hệ giữa công dân và nhà nước, việc người dân lên tiếng phê bình, chê trách (khác với nhục mạ, vu khống) các công bộc của mình là việc bình thường trong một xã hội dân chủ và chỉ có thể có lợi cho nhà nước. Nó cho thấy người dân không thờ ơ với công việc chung, với sự vận hành của bộ máy nhà nước, phẩm chất của đội ngũ cán bộ công chức, cho dù phát biểu của họ đôi khi có khó nghe với ai đó. Bộ máy nhà nước lẽ ra phải lấy đó làm mừng mới phải, phải xem đó như tấm gương phản chiếu lòng dân về thành tích, công việc của họ. Từ đó mà xem xét lại mình và đội ngũ để sửa sai, để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Thực ra, vox populi hay tiếng dân chẳng phải điều gì xa lạ. Đó chính là quyền tự do ngôn luận đã được hiến định. Tự do ngôn luận (tất nhiên không phải là nhục mạ hay vu không cá nhân như đã nói ở trên) chính là công cụ để giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước. Ở mọi đất nước tự coi mình là dân chủ, việc quan chức, công chức thường xuyên nằm dưới sự giám sát của người dân, chịu sự phê bình, chỉ trích của người dân là chuyện đương nhiên. Ở ta, Hiến pháp cũng đã công nhận quyền tự do ngôn luận nhưng có vẻ như quan chức (phải chăng còn bị ảnh hưởng của tàn dư tư tưởng phong kiến?) chưa quen với điều này. Vấn đề bây giờ là không để một quyền con người căn bản như quyền tự do ngôn luận mãi là những con chữ chết trong Hiến pháp, mãi nằm trên giấy. Nhìn trong viễn cảnh đó thì sự thực hành quyền tự do ngôn luận của người dân, của cán bộ viên chức cấp thấp qua việc phê phán một số quan chức vừa qua là một dấu hiệu đáng mừng cho việc xây dựng thể chế dân chủ “của dân, do dân, vì dân”.