Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

‘Tiền thối’

Ngân Hà

TTTG.VN – Ngày 14/1, báo Thanh Niên có bài “Sách tiền tỷ đem bán giấy vụn”. Theo đó, 90 tỷ đồng đã được giải ngân cho dự án sách bảo tồn văn hóa dân tộc, sách đã được in và đã được các cửa hàng sách thu mua giá như bán ve chai.

Cụ thể, báo này cho biết, trong 250 tỷ đồng cho dự án làm sách bảo tồn văn hóa dân tộc thì 90 tỷ đồng đã được giải ngân đợt 1. Sách đã được in và bán cho các cửa hàng sách thu mua giá như bán ve chai. Sau đó, các cửa hàng bán lại giá từ 10.000- 50.000 đồng/cuốn.

Có lần đi làm việc với một số nhà nghiên cứu thuộc một Viện nghiên cứu ngoài Bắc, ngồi cà phê, nghe kể rằng bất kỳ dự án nào, dù lớn hay nhỏ, luật bất thành văn, sau khi đã giải ngân, đều phải chi cho các cơ quan liên quan đã tiến hành thực hiện và ký các loại giấy tờ một nửa số tiền đó.

Còn lại một nửa đem về “nghiên cứu” và thực hiện dự án. Số tiền phải chia lại một nửa đó, họ gọi là “tiền thối”.

Trở lại với Dự án làm sách bảo tồn văn hóa do Hội Văn nghệ dân gian VN chủ trì (NXB Khoa học Xã hội) trình ngân sách hai đợt là 250 tỷ đồng. Đợt 1 đã giải ngân 90 tỷ để in sách, đợt hai đang tiếp tục 150 tỷ thì bị đình lại vì có dấu hiệu tham ô.

Có lẽ tiền thối ấy đã bắt đầu bốc mùi.

Tiền tỷ cho văn hóa, ở các nước văn minh là chuyện bình thường. Họ có thể bỏ cả triệu đô la để mua một bức tranh của một họa sĩ tên tuổi đã được cả thế giới ngưỡng mộ, và con người đáng ngưỡng vọng đã được sinh ra ở nơi ấy cùng với tác phẩm được trở về quê hương với niềm tự hào của vùng đất đã sinh ra người tài năng, tạo ra những giá trị nghệ thuật cho nhân loại.

Nhưng số tiền ấy, minh bạch và dân chúng phải được biết. Sau khi bức tranh đem về quê, nó sẽ được treo ở nơi trang trọng nhất của đất nước. Đó là tiền tỷ cho văn hóa- đã được coi như một giá trị được thừa nhận, được trân trọng. Và nhân dân cũng đồng lòng được góp sức cho những giá trị đích thực.

Sách cũng vậy, việc đầu tư để thực hiện một bộ sách hay, có giá trị thực sự, phải bắt đầu từ những người tử tế, có tâm huyết. Bởi số tiền nhà nước bỏ ra để đầu tư cho giá trị ấy, là tiền máu và nước mắt của nhân dân đóng thuế cho ngân sách. Đó là đồng tiền xương máu.

Những ai chiếm đoạt đồng tiền thối ấy, dù làm với mục đích gì, cũng đều là đáng khinh.

Với tư cách của một công dân đang đi làm và đóng thuế thu nhập, tôi có đã nổi giận khi đọc những thông tin như thế này vẫn diễn ra trên đất nước ngày một cạn kiệt vì tài nguyên bị tận diệt, vì tham nhũng tận thu.

Người giàu không hiểu sao vẫn giàu một cách… vô lý. Người nghèo thì ngày càng nghèo đi vì thiếu ăn. Thậm chí, ngày càng nghe nhiều đến những cái chết tức tưởi, chỉ vì nghèo quá mà cha mẹ giết con, rồi thắt cổ tự tử.

Có thể những kẻ tham nhũng sẽ không đọc những dòng này, hoặc sẽ từ chối những dòng này vì chúng sợ hãi. Nhưng cũng đến lúc phải làm sao để cho họ biết sợ hãi đồng tiền thối- tiền bẩn ấy, bằng cách nào thì chúng ta chưa biết.

Trách nhiệm của một người dân trước kẻ tham tàn, là phải lên tiếng và bằng mọi cách, phải hành động để đẩy lùi cái ác.

Trách nhiệm của những người có lương tri đang nắm giữ chức năng bảo vệ cho sự công bằng của đất nước là phải đưa ra ánh sáng tòa án những kẻ kiếm tiền trên xương máu của người dân.

Chỉ sợ, thời mạt pháp đến, thì những ánh sáng của lòng từ cũng mãi chỉ le lói trong bóng tối của các ác xấu tràn lan.