Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Đối thoại đầu năm giữa Tham nhũng và Niềm tin

Xuân Dương

(GDVN) - Nếu không chống được tham nhũng, à quên, không chống được sự suy thoái đạo đức cán bộ thì “nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ” là đúng còn gì?

Chào bác Niềm Tin, sao bác mặt đỏ tía tai, đi lại vếnh váng thế kia?

Tham Nhũng đấy à, chúc mừng năm mới nhé, anh vội đến hội nghị đọc tham luận, với lại đang bực mình với mấy cái anh truyền thông truyền thiếc mượn danh quan to đổ vạ hết tội lỗi cho người khác.

Sao cơ, đổ vạ cho người khác thì liên quan gì đến Niềm Tin? 

Hơ, mày đúng là loại bụng to, chân yếu, câu suy thoái đạo đức cán bộ khiến “dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ” được đăng đầy trên báo, thế không liên quan đến Niềm Tin thì liên quan cái gì, thế không phải là đổ vạ thì là cái gì? 

Ơ hay, nếu không chống được tham nhũng, à quên, không chống được sự suy thoái đạo đức cán bộ thì “nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ” là đúng quá rồi còn gì.

Trời ạ, cái thằng đầu quả dưa, óc lại quả này, nói thế mà chưa chịu hiểu. Này nhé, Nhà nước, Chế độ hay Đảng là những tổ chức, không phải vật thể, không thể cảm nhận bằng mấy cái giác như ngửi, nhìn, nghe, nếm, sờ. 

Nhà nước Việt Nam hình thành đã mấy nghìn năm, làm gì có chuyện dân không tin Nhà nước. Chế độ hay Đảng cũng thế, Đảng có ba bốn triệu đảng viên, phần lớn là công nhân, nông dân, người lao động chân chính, bộ đội, công an, cán bộ hưu trí, cái số thuộc bộ phận không nhỏ chỉ còn lại một phần, nói dân không tin Đảng, Nhà nước là đổ vạ, là nói láo, hiểu chưa? 

Chưa hiểu, không thể hiểu, thứ nhất sao bác bảo em là “óc lại quả”, thứ hai bác cũng đang đổ vạ đấy thôi, bác dựa vào đâu mà dám mạnh mồm tuyên bố cái bộ phận không nhỏ có từ 6 đến nhiều người?

Thì dựa vào số người phải kê khai tài sản mà bên Nội Vụ công bố chứ dựa vào đâu, số người phải kê  khai tài sản là gần triệu, trừ béng đi 5 người thì bộ phận không nhỏ chẳng nằm trong phạm vi từ 6 đến hiệu số đó là gì? 

Còn bảo mày “óc lại quả” vì lúc nào mày chả nghĩ đến chuyện lại quả, ký soẹt mấy cái dự án là mày biết ngay cú này lại quả được bao nhiêu, đúng không? 

Không đúng, thề có mèo đen chứng giám, em chẳng bao giờ biết người ta lại quả bao nhiêu, có lẽ cái bà người dưng mẹ của mấy đứa con em đang ở du học bên Tây không về nước biết chút xíu chứ em tuyệt đối không biết, mà sao bác lại trừ đi 5 người?

Cái thằng không bao giờ đọc báo này thật hết chỗ dạy, này nhé ngày 30/6/2015 Dân trí chấm vơ nờ (Dantri.vn) bảo “Gần 1 triệu người kê khai tài sản, chỉ 4 người “không trung thực”.

Gần tháng sau, ngày 23/7/2015 Tuổi trẻ vờ nờ (Tuoitre.vn) bảo có 5 người, còn ngày 28/10/2015 mấy ông bên vờ tờ cờ (vtc.vn) bảo chỉ còn 2. Như vậy vứt đi 5 người thì phải tính từ người thứ 6 chứ từ mấy mà phải hỏi.

Bác học lớp mấy mà dốt tính toán thế?

Hả, thằng này hỗn quá, đừng thấy anh thân mật mà liếm mặt nhé.

Không, em đâu có dám, chẳng qua là thấy cách tính của bác ngược đời nên mới hỏi như vậy, ừ thì cứ trừ đi 5 người không trung thực thì số còn lại phải là trung thực chứ?

Nếu thế thì làm gì có chuyện dân mất niềm tin, làm gì phải có Nghị quyết để định nghĩa thế nào là bộ phận không nhỏ, cái số gần triệu người kê khai tài sản nó lẫn lộn cả trung lẫn thực, chẳng biết ai trung, ai thực nên người ta mới không tin, nhưng đó vẫn là số nhỏ nên không thể vơ đũa cả cụm mà đổ cho Đảng và Nhà nước được.

Về điểm này thì có lẽ bác đúng.

Đúng đứt đuôi con dê cụ chứ lại. 

Thế thì theo bác phải nói thế nào cho phải phép?

Phải nói rằng dân mất niềm tin vào ông đảng viên này, ông giám đốc nọ, ông trưởng ban kia, nghĩa là cụ thể ai, người nào chứ đừng đổ cho tập thể.

Nói Đảng, Nhà nước chung chung là bôi nhọ rất, rất nhiều đảng viên, là đánh đồng nhà nước với người thực thi công vụ.

Nhà nước Việt Nam trải qua bốn nghìn năm oanh liệt, chiến công hiển hách, dân không tin làm sao còn tồn tại đến bây giờ?

Em nói có sai bác bỏ quá cho, hình như bác hiểu định nghĩa Nhà nước chẳng khác gì cái ông ở trong nam thì phải.

Sao?

Nghĩa là hầm pà lằng, tất cả đều trong tay ông ấy, ông ấy chức tuy bằng cái nắm tay nhưng lại tuyên bố mình là người quản lý nhà nước. 

Hả, mày mà cũng đòi hiểu Nhà nước hơn anh, hơ hơ, hơ hơ,… khục khục, khục khục…

Ấy chết, bác cười bớt tí kẻo nghẹn, người ta nói mất niềm tin vào Nhà nước là Nhà nước bây giờ chứ có phải quá khứ đâu mà bác lôi bốn nghìn năm ra dọa?

Thế đấy, chỉ dạy có tí mà mày sáng láng ra rồi, những cái người ta đưa ra như Nhà nước, chế độ… đều không cụ thể, nói tóm lại nó là tập thể, mất niềm tin vào tập thể thì chả sao, miễn là không mất niềm tin vào anh, vào mày, vào bà K, ông Z nào đó. Khi giữ được uy tín trước dân thì khó vạn lần dân lo cũng lọt.

Thế còn dễ vạn lần thì sao? 

Dễ vạn lần, dễ vạn lần (ngoáy mũi) mà ai dạy mày cách hỏi xoáy đá xoay thế hả?

Thì cánh nhà báo chứ ai, chẳng thế mà có ông đồng liêu bảo rằng nếu có kiếp sau ông sẽ chuyển sang làm báo chứ không làm quan nữa.

Hề hề, mày nhầm rồi, mày không nghe có người bảo báo chí bây giờ “bốn sợ, bốn không” à?

Bác nói “bốn sợ, bốn không” là gì em chưa hiểu?

Thì mày tìm bài “Báo chí thời bốn sợ bốn không mà đọc”, dưng mà quên, mày có bao giờ đọc đâu mà bảo đọc.

Bác cứ đùa, thế em hỏi bác có hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ không đấy?

Hả, sao mày lại liên hệ anh với Thổ Nhĩ Kỳ, tao không bắn máy bay của ai, không mua dầu của ai, đừng có vu vạ mà ăn đòn nghe chửa?

Em đâu có vu vạ, chỉ là nhớ tới nhà văn Thổ có cái tên là Azit Nezin, ông ấy viết cuốn “Những người thích đùa” hay đáo để, em thấy bác cũng thích đùa nên hỏi vậy.

Ha, ha… nói chuyện nãy giờ mới thấy mày được câu có tí “đại học”, cũng có vẻ biết đọc đấy nhẩy?  Thế ngoài cái ông, ông … ông “Nhà Văn Thổ” ấy mày còn đọc được gì thêm không? Mà này đệm là “Văn” thì đích thị người mình rồi, dưng mà nước mình làm gì có ai họ “Nhà”, lạ thạt, lạ thật!

Đấy thấy chưa, các cụ nhà bác đặt tên cho bác là Niềm Tin thật là đã nhìn ngang trông dọc, vừa nói nhà văn Thổ là bác tin ngay có ông họ Nhà tên Văn Thổ, quả đúng “tên làm sao, mao mao làm vậy”.

Hả, giời ơi là giời, cái thằng ngu đến từng xăng ti mét kia, vừa khen mày một câu là mày lại ngu thêm mấy xăng ti mét nữa, các cụ bảo “người làm sao, chiêm bao làm vậy” chứ có ai nói “tên làm sao, mao mao làm vậy” đâu.

Hề hề, bác biết mười mà chẳng biết một. Tên luôn gắn với một cái gì đó, mà ở đô thị nào chẳng thấy, chắc bác cũng đã từng qua cả rồi?

Thay chữ “người” bằng chữ “tên” trong câu ngạn ngữ là hoàn toàn chính xác, còn “mao mao” muốn hiểu cặn kẽ thì loại cả tin như bác làm sao hiểu nổi.

Được, cứ cho là không hiểu đi, mày mà giải thích không được thì chuẩn bị mua mấy cái mo mà lót vào mông.

Này nhé, chiêm bao là mơ, mơ thì gắn với “vơ vẩn”, đúng không?

Mày quả là láo, ai cho phép mày viện câu “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” của tiền nhân, cẩn thận cái miệng đấy.

Thì thôi vậy, chiêm bao là mơ, vậy mơ thì thì từ đâu sinh ra bác có biết không?

Từ đầu chứ còn đâu nữa.

Quá đúng, mơ sinh ra từ đầu, thế trên đỉnh đầu có gì?

Đỉnh đầu ai chẳng có tóc, hỏi ngu thế mà cũng hỏi.

Thế tóc tiếng tầu gọi là gì?

Mày đừng có chuyện nọ xọ chuyện kia, không lừa được anh đâu. Tóc tiếng tầu là mao, lúc còn mặc quần thủng đít tao đã xem phim “Bạch mao nữ” nghĩa là cô gái tóc trắng rồi.

Hầy, chú anh quả là thần thông quảng bá, tóc nghĩa là mao, mao gắn với đầu, đầu gắn với mơ, mơ gắn với chiêm bao, thế nên thay chiêm bao bằng mao mao có gì phải bàn cãi?

Ơ…

Thôi bác đi đọc diễn văn đi kẻo muộn, mà nhớ nhẹ cái chân kẻo vung bụi lên mấy cái xe ba gác cạnh đường.