Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

“Hài Hoài Linh” và chuyện nghệ sĩ của nhân dân

Đào Tuấn

LĐO - Đứng giữa vòng vây của báo giới, danh hài Hoài Linh - giờ đã là một nghệ sĩ ưu tú, xúc động tới mức đề nghị tạm dừng vài phút để… hút vài hơi thuốc, để… trấn tĩnh lại - một tờ báo kể. Và anh nói về tâm trạng của mình bằng hai từ “khó tả”.

Hoài Linh “khó tả” là phải thôi. 32 năm trong lịch sử danh hiệu NSƯT, NSND chưa từng có một nghệ sĩ hải ngoại nào qua khỏi “vòng gửi xe” dù tên tuổi anh ra sao, dù anh cống hiến thế nào! Dẫu, về lý thuyết, chúng ta vẫn được học, được nghe hằng ngày rằng “Nghệ thuật là không biên giới”!

Chủ nghĩa lý lịch và những tiêu chuẩn bất thành văn khác đè nặng suốt mấy thập kỷ đã khiến những danh hiệu, chẳng hạn “nghệ sĩ nhân dân” chưa chắc đã dành cho những nghệ sĩ thật sự được nhân dân yêu thích.

Hoài Linh là một nghệ sĩ hài bẩm sinh. Anh gây cười ngay cả khi như đang muốn khóc. Anh khiến cho người ta được giải tỏa ngay từ - bằng chất giọng “vịt khàn”- một cái “e hèm”. Một thương hiệu đồ hiếm thực sự trong làng hài được dân Bắc Hà - vốn nổi tiếng kỹ tính - ưa thích!

Còn sự cống hiến của Hoài Linh? Chẳng phải người ta vẫn gọi anh là “Ông Hoàng của dân chúng? Và đó, ngay trong ngày “khó tả” giọng anh khản đặc đến độ sắp phải mổ thanh quản, vì phải… 
nói nhiều.

Trường hợp Hoài Linh, một nghệ sĩ hải ngoại được tặng danh hiệu NSƯT, hay Tự Long, trở thành NSND ở vào tuổi 42, vì thế, đáng được xem là những phá cách tuyệt vời, những tiền lệ tốt đẹp cho 32 năm phong tặng vốn không thiếu điều tiếng.

Một tiền lệ để những danh hiệu ưu tú dành cho những người cống hiến ưu tú nhất. Một tiền lệ để xóa bỏ chuyện “đi đêm”, “mua bán” huy chương ngõ hầu đủ tiêu chuẩn!

Một tiền lệ để những danh hiệu nhân dân không chỉ dành cho những tên tuổi quản lý văn hóa lạ huơ lạ hoắc mà công chúng - khán giả - nhân dân phải “tra gúc” khi nghe tên cái ông nghệ sĩ nhân dân đó được sướng lên, khi chẳng biết đó là ai, từng biểu diễn hay cống hiến gì cho… nhân dân!

Tất nhiên, giá như không phải nói hai chữ “giá như”.

Thế còn nghệ sĩ Chí Trung?

Không lẽ vì thiếu một cái huy chương màu vàng mà những người cả đời cống hiến cho nhân dân thì lại không…nghệ sĩ nhân dân (?!).

Mới nói những danh hiệu được trao tặng chỉ thật sự được tâm phục, khẩu phục nếu sự công nhận mang tính nhà nước đó phù hợp với cảm nhận, đánh giá của chính người dân - những người về nguyên tắc cảm nhận bằng tâm tư tình cảm thật sự của mình - chứ không phải bằng quan hệ, chạy chọt - với những cống hiến của người nghệ sĩ. Trong mắt người dân, họ mới là nghệ sĩ của nhân dân!