Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Còn rất nhiều nơi đang cần có bình… cứu hỏa!

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Và tất nhiên vị trí tối nghiêm trọng cuối cùng là đầu mấy cha chuyên ngồi phòng lạnh mà vẫn nóng hâm hấp, mới nghĩ ra những quy định chưa thực thi đã cần chữa cháy như thế này!

Chuyện chiếc bình cứu hỏa đang nóng, rất nóng. Nóng, thì tất nhiên rồi. Không nóng, sao gọi là hỏa (lửa). Nhưng lạ thay, cả khi chưa có lửa mà nó vẫn nóng, vẫn phải “cứu hỏa”. Chả là cái qui định phải có bình cứu hỏa trên xe ô tô khiến những ngày qua, dư luận nóng giẫy cả lên vì nhiều người thấy nó vô lý, rất vô lý và không đồng tình.

Tại sao lại vô lý?

Dư luận cho rằng nó vô lý bởi hình như cho đến thời điểm hiện tại, chưa (hoặc hiếm) có nước nào có qui định này. Cả các hãng xe lớn trên thế giới cũng không chế tạo nơi đặt bình cứu hỏa.

Chưa hết, nghe nói trên tất cả các bình cứu hỏa đều ghi rõ nào phải tránh xóc lắc, nào nhiệt độ râm mát, dưới 50 độ C… Thế nhưng xe cộ, đường sá của ta thì có mà xóc như… xóc ốc. Lại ngày mưa hay mùa đông ở miền Bắc thì không vấn đề gì, còn ở miền Nam và mùa nóng thì ôi thôi, trong xe có mà như lò lửa.

Nên trong dư luận, có nhiều ý kiến không đồng tình là vì vậy.

Song, cũng không ít ý kiến rất và rất đồng tình. Lý do họ đưa ra là bởi các nước có nền công nghiệp ô tô hiện đại khí hậu thường không nóng nực như ở ta. Đường sá của họ không xóc như ở ta và quan trọng nhất, là chất lượng xăng dầu của họ ổn định, không hoặc hiếm có chuyện cháy xe cơm bữa như ở Việt Nam ta nên họ không cần có bình cứu hỏa. Vả lại, nếu có xảy ra cháy, họ chi a lô một cái, vài phút sau là xe cứu hỏa đến ngay. Chứ còn ở ta thì có mà chờ đến khi… chả còn gì để cháy.

Nên ở ta, qui định cần có bình cứu hỏa là đúng, 100% là đúng.

Có điều ở ta, có lẽ nhiều nơi cần bình cứu hỏa hơn.

Trên mục Shop TIN ngày 9/1/2015 của báo điện tử Infonet, bác Phạm Xuân Cần, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An không chỉ nhiệt liệt hưởng ứng mà còn đề nghị cần bổ sung quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy cho những nơi có nguy cơ cháy nổ rất cao sau đây: Một là ghế đá công viên, nơi ngọn lửa tình yêu có thể thiêu cháy cả người cả ghế. Hai là giường trong nhà nghỉ, nơi nguy cơ cháy nổ còn cao gấp 10 lần ghế đá. Ba là túi nhà thơ và túi sinh viên luôn bị... cháy. Bốn là ghế các sếp hách dịch chỉ biết nóng tính với cấp dưới nhưng lại mát lạnh với cấp trên. Năm là bục giảng của các vị nói dai, đề phòng cháy giáo án. Sáu là nhà hàng cơm cháy ở Bãi Cháy (Hạ Long). Bảy là các cửa hàng bán bình chữa cháy xe ô tô, vì nhờ quy định mới mà cửa hàng luôn... cháy hàng, còn khách hàng càng thêm... cháy túi. Và tất nhiên vị trí tối nghiêm trọng cuối cùng là trốc (đầu) mấy cha chuyên ngồi phòng lạnh mà vẫn nóng hâm hấp, mới nghĩ ra những quy định chưa thực thi đã cần chữa cháy như thế này!

Vâng, có lẽ ý kiến của ông nguyên là cán bộ ngành công an, chuyển sang làm khoa học này có vẻ có lý, phải không các bạn?