Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

62 = 3,5 tỉ (?)

Thái Bình

(TBKTSG Online) - Đẳng thức trên tất nhiên không phải là một phương trình toán học mà chỉ là một dữ kiện cho thấy tình trạng bất bình đẳng khủng khiếp của thế giới ngày nay: 62 người giàu nhất hành tinh hiện sở hữu khối tài sản vật chất ngang bằng tổng tài sản của 3,5 tỉ người nghèo nhất, tức là khoảng một nửa nhân loại.

Một con số đáng kinh ngạc khác là hiện tổng tài sản của 1% dân số thế giới, khoảng 70 triệu người giàu nhất, đã lớn hơn tổng tài sản của 99% dân số còn lại.

Trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới 2016 (WEF) sắp khai mạc vào ngày 20-1 sắp tới tại Davos, Thụy Sĩ, tổ chức phi chính phủ chống nghèo đói toàn cầu Oxfam đã đưa ra các dữ kiện trên, dựa vào việc phân tích các số liệu điều tra của Ngân hàng Credit Suisse và danh sách các tỷ phú thế giới của tạp chí Forbes.

Theo bảng dữ kiện này, tài sản của một nửa nhân loại nghèo nhất tương đương với tổng tài sản của 80 người giàu nhất năm 2015, 85 người năm 2014 và 388 người năm 2010. Tính ra, người giàu ngày càng giàu lên, còn người nghèo ngày càng nghèo đi và xu hướng tích lũy tài sản vào tay người giàu, hố ngăn cách giàu-nghèo đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, ngày càng rộng.

Trong vòng 5 năm qua, tài sản của 62 người giàu nhất – trong đó có 53 người đàn ông và 9 phụ nữ – đã tăng thêm 44%, tương đương hơn 500 tỉ đô la Mỹ; trong khi tài sản của một nửa nhân loại nghèo nhất đã bị giảm hơn 1 ngàn tỉ đô la Mỹ, theo tính toán của Oxfam.

“Thay vì ‘nhỏ giọt’ từ tầng lớp trên xuống tầng lớp dưới, thu nhập và của cải đang bị hút lên trên với tốc độ đáng kinh ngạc”, Oxfam nhận xét và cho rằng tình trạng bất bình đẳng của thế giới đã đạt đến mức chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ qua. “Kinh khủng hơn nữa là tình trạng này ngày một tồi tệ hơn”, Nick Galasso, nhà nghiên cứu cao cấp của Oxfam America nhận định.

Trong Thông điệp liên bang cuối cùng vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội là một nỗi nhức nhối của xã hội Mỹ và cho rằng sự thay đổi về công nghệ là một trong những yếu tố gây ra tình trạng trên. “Đó là sự thay đổi có thể mở rộng cơ hội mà cũng có thể mở rộng sự bất bình đẳng. Và dù chúng ta muốn hay không thì bước đi của sự thay đổi vẫn sẽ ngày càng nhanh… Trong nền kinh tế toàn cầu, các công ty có thể đặt cơ sở ở bất kỳ nơi nào và đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt… Kết quả là, lợi thế mà người lao động sử dụng để đòi tăng lương giảm đi; các doanh nghiệp bớt trung thành với cộng đồng; ngày càng có nhiều của cải và thu nhập được tập trung vào tay những người giàu nhất”, ông Obama nói.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, ngoài công nghệ còn có nhiều yếu tố quan trọng hơn về chính trị, kinh tế và quản trị thúc đẩy xu thế tập trung của cải vào tay những người giàu và có thế lực. “Quyền lực và đặc quyền được sử dụng để bóp méo hệ thống kinh tế nhằm gia tăng khoảng cách giữa người giàu và phần còn lại của xã hội… Cuộc chiến chống đói nghèo sẽ chẳng thể nào thành công khi nào cuộc khủng hoảng về bất bình đẳng chưa được giải quyết”, báo cáo của Oxfam nhận định.

Một minh chứng cho nhận định này, theo Oxfam, là sự tồn tại một “mạng nhện toàn cầu” các “thiên đường thuế khóa”, nơi những người giàu có cất giấu tài sản mà công dân bình thường, thậm chí các chính phủ, không thể nào vói tay tới được, và chủ nhân của các tài sản đó không phải đóng thuế cho đất nước mà họ sinh sống. Theo Oxfam, hiện các thiên đường thuế khóa này đang cất giữ khoảng 7,6 ngàn tỉ đô la Mỹ tài sản cá nhân, bằng GDP của Anh và Đức cộng lại.