(TBKTSG) - Câu chuyện vốn “xưa như trái đất” là tranh cãi về mã số thuế hàng hóa nhập khẩu đang trở nên rất thời sự bởi lá đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính của tám doanh nghiệp sữa vào cuối tháng 11-2015. Những diễn biến tiếp theo được dự báo là sẽ rất kịch tính...
Trong lá đơn dài được tám doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ sữa và sữa (gồm Vinamilk, Hanoimilk, FrieslandCampina, Nutifood, Đại Tân Việt, Hoàng Lâm, Á Châu và Thế Hệ Mới) gửi đi, câu chuyện được tường thuật khá chi tiết.
Tính thuế bất nhất...
Cụ thể, ở thời điểm hiện tại, các cục hải quan địa phương đã và đang gửi văn bản thông báo nộp thuế đến các công ty, yêu cầu truy thu hàng trăm tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu cho các lô hàng nhập khẩu mặt hàng Anhydrous Milk Fat (AMF) từ năm 2010 đến nay. Đây là một loại nguyên liệu để sản xuất sữa, được các doanh nghiệp bắt đầu nhập khẩu từ năm 2000 và được khai báo hải quan với tên tiếng Việt là dầu bơ tinh chế từ sữa/dầu bơ có nguồn gốc từ sữa/dầu bơ khan/chất béo khan của bơ/dầu bơ/chất béo sữa đã tách nước...; mã số là 0405.90.10.00 (mã 10 số), và 0405.90.10 (mã 8 số).
Bản thân cơ quan hải quan trên toàn quốc cũng đã lấy mẫu hàng hóa, gửi đi phân tích tại các trung tâm phân tích trong ngành hoặc tại cơ quan chuyên môn ngoài ngành để xác định chính xác về bản chất, thành phần cấu tạo. Tất cả kết quả giám định, phân tích chứng nhận đều xác định mặt hàng AMF có mã số đúng là 0405.90.10 như khai báo của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cách đây một năm, sau thông báo của Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu chi nhánh tại TPHCM về một mẫu hàng do Công ty TNHH Nestlé Việt Nam nhập khẩu qua Cục Hải quan Đồng Nai, mặt hàng AMF được xác định lại mã số là 0405.90.90. Từ đây, các cục hải quan địa phương mời các doanh nghiệp lên làm việc và yêu cầu điều chỉnh mã số, đồng thời đề nghị truy thu thuế đối với tất cả các tờ khai nhập khẩu trước đây!
Các doanh nghiệp không đồng ý với kết quả phân tích và việc truy thu thuế mới này, đưa ra các cơ sở để chứng minh cho lập luận của mình nên cơ quan hải quan đã đồng ý dừng lại mọi việc, đồng thời lấy mẫu phân tích lại rồi tái khẳng định mã số hàng hóa là 0405.90.10.
Mọi chuyện tưởng như kết thúc thì đến nay, các cục hải quan tỉnh, thành phố có lượng hàng AMF qua cửa khẩu nhiều như Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM đã, đang (và sẽ) lần lượt ban hành thông báo truy thu thuế với doanh nghiệp theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan cho các lô hàng nhập khẩu từ năm 2010, áp mã số 0405.90.90 với thuế nhập khẩu là 15%, cao hơn mười điểm phần trăm so với mã số 0405.90.10.
Tiếp tục không đồng ý, các doanh nghiệp đã làm đơn gửi lên các cấp quản lý của Tổng cục Hải quan kiến nghị dừng việc làm không nhất quán này lại, và cho rằng nếu các quyết định truy thu được hiện thực thì sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng và “có khả năng xảy ra tranh chấp pháp lý”.
Hải quan nói doanh nghiệp nhập hai mặt hàng khác nhau
Đến thời điểm hiện tại, trả lời trên báo chí, lãnh đạo Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan, cho biết đã biết về kiến nghị của doanh nghiệp sữa và sẽ làm việc với lãnh đạo cấp trên để bàn bạc hướng xử lý. Lãnh đạo cơ quan chức năng cũng phân tích, doanh nghiệp đã nhập hai mặt hàng khác nhau, đó là chất béo của bơ và chất béo của sữa nhưng cho là cùng một mặt hàng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của cơ quan hải quan thì đây là hai mặt hàng, hai dòng thuế. Trong đó, chất béo của bơ hưởng thuế suất 5% còn chất béo của sữa phải chịu thuế suất lên tới 15%. Theo một nguồn tin của TBKTSG, trước khi các cục hải quan địa phương ban hành các quyết định truy thu thuế, Tổng cục Hải quan đã có cuộc họp bàn với các bên liên quan để thống nhất phương án hành động trong câu chuyện vẫn được gọi là dầu bơ khan này.
Doanh nghiệp “thủ” bằng chứng?
Còn từ phía doanh nghiệp, vẫn chưa rõ họ có dùng đến phương án cuối cùng là khởi kiện việc cơ quan hải quan ban hành quyết định truy thu thuế ra tòa như đã để ngỏ trong đơn kiến nghị nói trên hay không.
Trong thực tế, việc này cũng không quá hiếm. Cách đây ba năm, một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu phân phối camera từng kiện và thắng kiện Chi cục Hải quan Tân Cảng thuộc Cục Hải quan TPHCM khi hai bên không thống nhất về cách áp mã số hàng hóa cho sản phẩm chân máy camera. Doanh nghiệp này thắng kiện khi hội đồng xét xử căn cứ vào văn bản trả lời, hướng dẫn của các cơ quan cấp trên của Chi cục Hải quan Tân Cảng về trường hợp tương tự.
Hiện tại, tám doanh nghiệp sữa nói trên đang nắm nhiều bằng chứng chứng minh cơ quan hải quan bất nhất. Đó là các thông báo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong các năm từ 2001-2015 về việc xác định mã số hàng hóa của mặt hàng AMF là 0405.90.10. Bên cạnh đó, còn có ý kiến chuyên môn của nhiều cơ quan liên quan có chuyên ngành về thành phần, chất lượng sản phẩm như Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế hay Bộ Công Thương.
Ngoài ra, như chia sẻ của một doanh nghiệp cũng bị thay đổi mã số với mặt hàng AMF nhưng không đứng tên trong kiến nghị trên là hải quan các nước cũng áp mã 0405.90.10 cho mặt hàng này.
Đặc biệt, theo giám đốc văn phòng đại diện tại Hà Nội của một công ty luật hiện có hai khách hàng có tranh chấp về mã số mặt hàng AMF (nhưng không muốn nêu tên) thì cơ sở pháp lý quan trọng nhất là Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Việt Nam (QCVN 5-4:2010/BTY), Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN 8434:2010) đều gọi Anhydrous Milk Fat hay Anhydrous Butterfat là một, đều là dầu bơ khan, gọi cách khác là chất béo khan của bơ hay chất béo khan từ sữa. Điều này cũng được ghi trong tài liệu Quy chuẩn Codex (CODEX STAN 280-1973) của Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế mà Việt Nam là thành viên cấp Chính phủ.
Thế khó...!
Trong khi đó, cơ quan hải quan lại đang ở thế khó. Khó vì quy định hiện hành - Luật Thuế xuất nhập khẩu năm 2005 (ở khoản 5, điều 23, chương V) - nói rằng khi phát hiện có sự gian lận, trốn thuế, cơ quan hải quan có trách nhiệm truy thu tiền thuế, tiền phạt trong thời hạn năm năm trở về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện có sự gian lận, trốn thuế; trường hợp nhầm lẫn về thuế, cơ quan hải quan có trách nhiệm truy thu hoặc hoàn trả tiền thuế đó trong thời hạn 365 ngày trở về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện có sự nhầm lẫn đó.
Trong trường hợp của doanh nghiệp sữa, rõ ràng có sự trao đổi thông tin qua lại suốt một thời gian dài và sự không thống nhất chỉ bắt đầu phát sinh thực sự từ cuối năm 2014 (khi một cơ quan kiểm nghiệm ra thông báo về một lô hàng do Công ty Nestlé Việt Nam nhập khẩu). Vì vậy, không thể quy tội gian lận, trốn thuế để truy thu tiền thuế, tiền phạt trong thời hạn năm năm như quyết định truy thu hiện tại. Ở đây, nếu có chăng chỉ là nhầm lẫn về thuế và như vậy, chỉ có thể truy thu trong thời hạn 365 ngày trở về trước.
Một cái khó khác là chỉ còn 20 ngày nữa là hết năm 2015, các con số về số thu nộp ngân sách cho năm 2015 cần phải được tất toán trong ngày 31-12-2015 để báo cáo cơ quan cấp trên. Trong bối cảnh thu ngân sách sụt giảm vì giá dầu giảm gần một nửa trong năm qua so với dự toán thì con số hàng trăm tỉ đồng truy thu từ doanh nghiệp sữa cũng có ý nghĩa sổ sách không nhỏ.
Hãy chờ xem cuối cùng thì cơ quan hải quan sẽ xem xét và quyết định thế nào để vừa gỡ được thế khó thu ngân sách, vừa đúng quy định pháp luật, vừa không làm ảnh hưởng hình ảnh “chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả” mà ngành này đã và đang dày công xây dựng.