(VTC News) – Còn nhớ nếu như người nào đó lỡ miệng đề cập đến ‘dân trí chúng ta thấp’ trên báo chí, lập tức người ta sẽ nhảy chồm chồm phản đối, nhưng rất tiếc, lần này Google đã chứng thực những lời nói trên.
1. Google vừa công bố 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam, thật đáng buồn, khi 9/10 từ khóa đó thuộc lĩnh vực giải trí với hàng loạt bài hát thị trường theo trào lưu.
Không phải Trường Sa, Hoàng Sa và những diễn biến quanh vùng biển “nóng” thuộc chủ quyền quốc gia; không phải người Việt đang chết dần chết mòn vì thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường ra sao; không phải lý do nào khiến thảm sát hàng loạt gia tăng đột biến, càng không phải những quyết sách đổi mới giáo dục hay y tế, thậm chí cả cơn sốt công nghệ làm mưa làm gió khắp toàn cầu cũng không hề có trong từ khóa tìm kiếm của người dùng Việt.
Người Việt, đa số người Việt trẻ dùng công cụ tìm kiếm google, dường như đang quan tâm đến những vấn đề nhảm nhí vô bổ hơn bất cứ khi nào.
Nhớ năm 2009, khi thông tin Việt Nam đứng đầu thế giới về tìm kiếm từ khóa “sex” trên mạng internet được công bố, nhiều người đã giật mình sửng sốt. Năm 2014, tình hình khả quan hơn khi Việt Nam “tụt xuống” vị trí thứ 8 trong top 10.
Tới năm 2015, người Việt dường như đã “chán” tìm “sex”, nhưng thay vì những vấn đề dân sinh sát sườn, người dùng Google quay ra quan tâm tới "Vợ người ta", "Không phải dạng vừa đâu", rồi cả "Cô dâu 8 tuổi".
Nhìn vào top 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tại Việt Nam, và đặt nó lên so sánh với xu hướng tìm kiếm của những quốc gia khác.
Tại sao người dân của Singapore lại quan tâm tới mức độ ô nhiễm trong không khí, sau khi nước này bị ô nhiễm không khí nặng do cháy rừng vào năm 2015, tại sao người dân nơi đây tìm kiếm mã của chuyến bay AirAsia bị rơi?
Trong khi người Nhật lo lắng về Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự phong IS, người Hàn Quốc tìm hiểu về Hội chứng hô hấp Trung Đông MERS, người Hồng Kông chú ý tới sự ra đời của Iphone 6s, đến ngay nước bạn Malaysia, người dân cũng quan tâm tới hệ thống thông tin quản lý nhân sự, bản tin tiền tệ hay cuộc biểu tình nhằm cải cách bầu cử…thì người Việt trẻ, vẫn loay hoay với lời bài hát vô bổ, nhố nhăng, tri thức ở tầm rất thấp ở trên, hoặc với diễn biến của bộ phim mà giọt nước mắt lăn từ mắt xuống sống mũi hết nửa tập?
Người Việt trẻ, đang bị thế giới bỏ lại bao xa? Sau sex, sau "Vợ người ta", sau "Không phải dạng vừa đâu"… sẽ là gì?
2. Đến đây, lại nhớ tới cuộc tranh luận ồn ào suốt một thời gian dài để trả lời cho câu hỏi: Dân trí Việt Nam cao hay thấp, bắt nguồn từ trích dẫn câu nói của đại biểu quốc hội Hà Minh Huệ tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật trưng cầu ý dân.
Ông Hà Minh Huệ có trích dẫn nguyên văn câu trả lời phỏng vấn của GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội tỏ ý băn khoăn về hạn chế của trưng cầu dân ý:
Trả lời câu hỏi: Trình độ dân trí ảnh hưởng như thế nào đến việc trưng cầu ý dân, ông Dung nói (đại biểu quốc hội Hà Minh Huệ đọc nguyên văn): “Theo tôi, nó có vai trò quyết định. Bởi trong khi tâm lý đám đông rất phổ biến mà trình độ dân trí nói chung còn thấp thì việc trưng cầu dân ý có khi lại gây hại. Thực tế, người lý trí, suy nghĩ có tính chất triết học vẫn là thiểu số”.
Câu trích dẫn bị cắt ra và đưa vào những ngữ cảnh khác nhau khiến vị đại biểu quốc hội này đã phải hứng chịu không ít chỉ trích và búa rìu dư luận khi nhiều người nhảy “chồm chồm” phản bác lại rằng, dân trí Việt Nam đã chuyển biến rõ rệt, không hề thấp.
Nhưng nhìn vào xu hướng tìm kiếm của người dùng Việt trên internet, phần nào đã có câu trả lời thay cho sự ngụy biện ru ngủ về một nền dân trí “không thấp”. Đó là bởi Google gần như đã trở thành thói quen của người dùng internet, và thói quen này, ở góc độ nào đó đã phản ánh tình trạng dân trí của người Việt hiện nay.
Chỉ có dân trí thấp, mới bỏ qua tất cả những vấn đề kinh tế, xã hội, dân sinh liên quan trực tiếp đến cơm ăn áo mặc, sức khỏe và mạng sống chính mình, của chính những người xung quanh mình để tào lao với những thứ nhảm nhí như “Vợ người ta”, hay vô bổ giết thời gian như “Cô dâu 8 tuổi”.
Chỉ có dân trí thấp, mới ngày ngày nhồi nhét vào đầu óc bao giai từ lãng xẹt của những bài hát nhố nhăng như Google đã thống kê, hầu như chẳng mang lại tri thức hay điều gì tốt đẹp, mới dành một quỹ thời gian không nhỏ cho việc xem gameshow, xem phim truyền hình mà số tập dài dằng dặc cả cây số năm này qua năm khác chưa hết.
Kẻ say thường không bao giờ nhận mình say. Người dốt chẳng bao giờ muốn nghe nhận xét nghịch nhĩ của người khác rằng mình dốt.
Không thể ngụy biện bằng bất cứ lý do gì, rằng đó không phải dân trí thấp. Chỉ khi nào dám nhìn vào sự thật rằng chúng ta đang dốt, đang yếu kém, ta mới có thể nỗ lực bước vào con đường tri thức, đưa đất nước, dân tộc này dần sánh với những nước ‘dân trí cao’ được.