MTG - Chính quyền là lực lượng thay mặt dân làm nhiệm vụ thực thi pháp luật nhưng lại buông lỏng pháp luật thì thiên hạ nhìn vào rất khó coi.
Bất cứ nước nào cũng vậy, từ xưa đến nay, để duy trì trật tự xã hội đều phải có pháp luật. Đó là những quy định được cả cộng đồng tuân phục, chấp hành triệt để. Tổ chức, cá nhân nào làm sai, chống lại pháp luật thì lấy chính pháp luật ra để xử lý. Thượng tôn pháp luật là nguyên tắc tối cao, không loại trừ một ai.
Xã hội có bao nhiêu lĩnh vực thì có bấy nhiêu luật lệ tương ứng, chưa kể có những bộ luật tổng hợp bao trùm mang tính cốt lõi, định hướng, chỉ đạo. Ngày xưa nước ta có những bộ luật nổi tiếng như bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) thời nhà Lê, Quốc triều hình luật thời nhà Trần, Hoàng Việt luật lệ thời nhà Nguyễn… dù đậm đặc tính phong kiến, quân chủ nhưng góp phần tạo ra hệ thống pháp luật Việt Nam, và cơ bản là tạo nên một xã hội tôn trọng pháp luật, mọi hành vi được điều chỉnh bằng pháp luật.
Cuộc sống thay đổi, luật lệ đổi thay theo, được sửa đổi, bổ sung, tạo mới để phù hợp với thời đại. Dễ nhận thấy nhất, cứ mỗi kỳ họp, Quốc hội lại thông qua những luật mới, những sửa đổi bổ sung bộ luật cũ, ngày càng tạo nên nền pháp luật hoàn chỉnh.
Thế thì, chả vì lý do gì mà có những vụ việc xảy ra trong xã hội, đáng lẽ chỉ cần căn cứ vào pháp luật để xử lý, dù rằng đôi khi cũng cần phải lưu ý đến yếu tố này nọ, thì chẳng hiểu sao, cứ chần chừ, nhùng nhằng, dây dưa, kéo dài. Tình trạng ấy không chỉ gây bất bình trong nhân dân, tạo dư luận xấu, nó còn ảnh hưởng rất tệ đến ý thức thượng tôn pháp luật. Tôi muốn nói đến vài vụ cụ thể liên quan đến tài sản nhà nước, công sản, vi phạm về đất đai, xây dựng.
Có vẻ vừa qua chính quyền TP.Đà Nẵng khá lúng túng trong việc xử lý cái u nhọt “biệt phủ” của nhà giàu Ngô Văn Quang. Có thể khi đang liền mạch thông suốt trong việc thực thi nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố thì đùng một cái có ý kiến của Thanh tra chính phủ. Cũng may là mọi chuyện sớm được làm rõ ràng, công khai, và cái mạch thực thi pháp luật kia lại tiếp tục chảy. Chả lý gì một khu biệt thự đồ sộ, hoành tráng trị giá cả trăm tỉ đồng xây dựng không phép (vi phạm Luật Xây dựng), lấn chiếm trái phép đất rừng Hải Vân (vi phạm Luật Đất đai), coi thường sự quản lý của chính quyền địa phương… lại có thể tồn tại. Càng không thể lách luật, “nhất bên trọng, nhất bên khinh” khi biệt thự của tướng công an Phan Như Thạch cũng vi phạm tương tự, đã bị phá dỡ (do chính chủ nhân chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp), còn “biệt phủ” lại trơ lì, trơ gan cùng tuế nguyệt, thách thức dư luận. Giàu cỡ Thạch Sùng, Vương Khải tiền muôn bạc vạn là cùng chứ gì, đại gia vàng chứ đại gia kim cương cũng thế thôi, luật là luật. Tiền có thể mua được nhiều thứ, nhưng nó không thể mua được luật. Đừng để đồng tiền chen vào luật. Khi luật bị lung lay có nghĩa là niềm tin của dân chúng bị hao mòn. Luật pháp nghiêm minh đúng đắn mà không được thực thi nghiêm chỉnh, thì xã hội sẽ rối loạn. Kết luận cuối cùng của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh về việc xử lý đập bỏ biệt phủ của đại gia vàng không chỉ là ý thức thượng tôn pháp luật của các nhà lãnh đạo TP.Đà Nẵng mà còn là ý chí của đông đảo nhân dân.
Nhân chuyện của Đà Nẵng, lại quay về chuyện xảy ra ở Hà Nội. Nhiều năm trước, dư luận ồn lên về vụ căn biệt thự ở 12 Nguyễn Chế Nghĩa, Q.Hoàn Kiếm mà nhà nước giao cho ông Hoàng Văn Nghiên sử dụng. Là chủ tịch UBND thành phố, ông Nghiên có quyền sử dụng biệt thự đó, theo quy định. Nhưng khi không làm chủ tịch nữa, ông Nghiên phải trả lại công sản cho nhà nước, nhà nước có quyền đòi lại, đó cũng là theo quy định. Pháp luật rõ ràng là thế, vậy mà cứ nhùng nhà nhùng nhằng, chả ra làm sao. Chính quyền thủ đô không có biện pháp dứt khoát, cả hệ thống chính trị ở thủ đô nhìn chung thiếu trách nhiệm, còn chính ông Nghiên, một người từng ở cương vị cao như vậy, lẽ ra phải gương mẫu, thì vin vào đủ cớ để không chấp hành pháp luật. Một bên thì ngại đụng chạm, nể nang, không kiên quyết, hoặc là sợ “rút dây động rừng”; một bên thì câu giờ, muốn “để lâu cứt trâu hóa bùn”, rút cục cho đến nay, sau gần chục năm vẫn không thấy chính quyền Hà Nội có kết luận, thông báo cụ thể gì về số phận ngôi biệt thự “nổi tiếng” này. Dư luận có thể có lý khi bảo rằng ở thủ đô có những vùng cấm, bất khả xâm phạm, chứ không sao lại có thể thế được.
Chính quyền là lực lượng thay mặt dân làm nhiệm vụ thực thi pháp luật nhưng lại buông lỏng pháp luật thì thiên hạ nhìn vào rất khó coi. Ông Nghiên có công với thành phố thì thành phố đền đáp cách này cách khác cho ông ấy, chứ không phải bằng cách xé rào pháp luật, tạo đặc quyền đặc lợi. Công lao đóng góp không có nghĩa là được đứng ngoài pháp luật. Trong những trường hợp thế này, lãnh đạo Hà Nội cần phải học Đà Nẵng hoặc học TP.HCM (xử lý dứt khoát và nhanh chóng khi thu lại căn nhà cấp sai cho ông cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận).
Nói gì thì nói, muốn dân chúng tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh trước pháp luật thì trước hết cán bộ, chính quyền, cơ quan thực thi pháp luật phải đàng hoàng, làm gương, thượng tôn pháp luật. Vậy thôi.