TGTT - Anh T, nhìn bề ngoài giống hệt một tay chạy xe ôm hay ba-gác, da đen, người gầy, mặc lôi thôi nhưng anh là một ông chủ. Anh có hai “khách sạn”, nghe đâu sắp có cái thứ ba. “Khách sạn” dân nhập cư của anh ở ngay giữa khu Cô Giang – Cô Bắc. Anh kể: “Rốt cuộc cái tôi có được sau mấy năm đi Thanh niên Xung phong là tinh thần chia sẻ với người nghèo”. Thu nhập hàng tháng từ cho thuê phòng và bán cơm bình dân của anh ngang với của một công ty nhỏ.
Mỗi ngày từ sau 5 giờ chiều ai muốn vào chỗ anh ngả lưng qua đêm phải gặp anh tại bàn bán cơm để “đăng ký” và nạp đúng số tiền quy định. Khách không cần chứng minh nhân dân, không phân biệt lý lịch xuất xứ… Sau khi được phép vào nhà trọ, “lữ khách vỉa hè” có quyền tắm, giặt ở ba phòng tắm sau nhà. Tất nhiên là để có chút nước rũ sạch bụi đường, khách phải xếp hàng và chịu đựng chuyện mất vệ sinh, lầy lội trong nhà tắm.
Xe cơm bình dân của anh đậu trước cửa nhà trọ do vợ anh đứng bán món cơ bản là rau và tàu hũ. Quán cũng có thịt heo chợ chiều ở chợ đầu mối Hóc Môn, thịt gà vịt ế chợ Lộ Đá Đỏ. Lữ khách nào trúng mánh muốn có chút thịt bồi dưỡng phải trả thêm tiền. Anh nói: “Đích thân tôi đi mua hàng giá sỉ, hàng chợ chiều nhưng được cái giá rẻ cho bà con nhờ”.
Trở lại chuyện “khách sạn” của anh, anh cho biết: căn nhà cũ này tôi thuê của người ta, mua đồ cũ về làm thêm hai tầng gác gỗ, nam – nữ ngủ riêng, mỗi đêm trải trên 60 cái chiếu. Khách đa phần là thợ xây, bán hàng rong. Họ kéo nhau tới, có từng nhóm, cùng làng cùng quê nên đỡ cãi nhau lôi thôi, không mất đồ hay đánh lộn.
Buổi chiều hôm chúng tôi có mặt tại “khách sạn” anh T, lữ khách vỉa hè chưa về đủ. Quanh xe cơm của anh có ba cái bàn tròn. Hỏi chuyện người thợ trẻ đang ngồi ăn cơm chiều, anh cho biết: “Cơm ở đây ăn no, còn đồ ăn thì không cần ngon. Ở Sài Gòn sinh thói ăn ngon mặc đẹp thì mất xác”. Anh theo công trình xây dựng lớn, trọ ở đây được hơn ba tháng, cánh thợ cùng quê với anh ở Bắc Ninh. Năm trước, tết không về nhưng năm nay để dành đủ tiền sẽ về, công trình anh đang làm còn lâu mới xong nên không sợ mất việc. Dĩa cơm trắng không đồ ăn của anh tuy không thơm ngon nhưng dù sao cũng là cơm gạo trắng. Chúng tôi hỏi: ăn ngủ chung đụng như vầy có bị mất đồ, mất tiền không? Anh nói. “Tiền thì không sợ, dân ở đây có người có tiền ngày, tiền tuần, ai lo không giữ được thì gởi cho ông chủ nhà trọ, tới tháng ra bưu điện gởi về làng”.
Chúng tôi quay sang hỏi anh T chủ nhà trọ: ai trên xứ lạ cũng có lúc gặp cảnh ngặt nghèo có khi nào anh cho họ mượn hay vay không? Anh T, thản nhiên nói: “Tôi dứt khoát không cho ai vay mượn, nếu quen mặt kẹt lắm thì cho thiếu ít hôm tiền chỗ, tiền ăn. Giữ tiền giùm họ là việc chẳng đặng đừng. Qua bao năm làm nghề này, tôi thấy người nhập cư có cách giải quyết của họ, họ vào đây có khi cả làng, cả họ, cả nhà chớ có ai đơn độc đâu”.
Chúng tôi ở lại nhà trọ của anh T đến 8 giờ tối. Những chú bé bán vé số, đánh giày về muộn nhất. Cái nồi cơm lớn của quán anh T chỉ còn lại những phần cơm cháy, cơm khô, cơm thịt thì còn, cơm rau đậu hũ thì hết sạch. Anh T mời tôi một chai bia Sài Gòn để nói chuyện chơi. Anh nói: “Nhiều tờ báo cũng muốn viết về quán trọ của anh, nhưng anh không đồng ý. D, ghé đây chơi đừng viết gì, viết có khi làm ồn ào tội cho tôi lắm. Dân trọ chỗ tôi là dân tứ xứ, đủ thành phần, công an họ ngó lơ cho làm ăn là tốt lắm rồi”. Tôi hỏi. Có phải lót tay gì không. Anh cười cười: “Tôi kinh doanh hẳn hoi, chẳng phải là người làm từ thiện. Chuyện khỏi phải nói anh đừng hỏi. Đến mấy tay anh chị khu này tôi còn lấy lòng nữa là”.
Những người nhập cư trọ ở “khách sạn” anh T, đa phần đến Sài Gòn làm việc thời vụ, lúc nào đó họ sẽ trở về quê. Đời ở trọ của họ có thể là một vài tháng hay nhiều năm nhưng không người nào có ý định lập nghiệp ở Sài Gòn. Còn với những người có ý định cùng cả gia đình bám rễ sâu bền ở Sài Gòn, thì số phận ở trọ của họ lại khác.
Mặc cho đường phố Sài Gòn lúc nào cũng ồn ào sôi động, nhưng sau 9 giờ “khách sạn nhập cư” của anh T chìm vào im lặng như một trại lính. Có lẽ giữa Sài Gòn hoa lệ, chỉ nơi đây là có những con người không cần xem tivi, đọc sách, báo, người trẻ không cần hò hẹn, người già không chuyện trò đêm khuya. Họ, những người nhập cư lam lũ cần một giấc ngủ sớm cho đôi chân và cái đầu ngày mai được tỉnh táo, để đi hết những ngày của một khoảng đời tha hương kiếm sống trên đất Sài Gòn.