TGTT - Ít nhất là đã tám năm qua, chính quyền TP.HCM luôn kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, giúp giải hạn cho giao thông thành phố này vốn quá căng thẳng.
Thế nhưng, với những gì đang diễn ra thì ai cũng có thể thấy dường như chính quyền đang nói một đằng, làm một nẻo.
Thiệt hại nặng nề
PGS.TS Phạm Xuân Mai, trưởng bộ môn ôtô, trường ĐH Bách khoa TP.HCM từng báo cáo về Thực trạng giao thông đô thị và sự phát triển ôtô trong xã hội hiện đại, cảnh báo: TP.HCM có tốc độ phát triển hạ tầng giao thông rất thấp, chỉ 2%, trong khi tốc độ tăng trưởng ôtô, xe máy khoảng 10%/năm. Diện tích dành cho giao thông chỉ đạt 7 – 9% so với tiêu chuẩn là 20 – 25%. Hạ tầng giao thông yếu kém ở TP.HCM làm thiệt hại nặng về kinh tế – xã hội, mất 2,5% GDP/năm về tai nạn giao thông, trong đó tai nạn do xe máy chiếm 60 – 70%.
Hiện tại tốc độ tăng trung bình của xe gắn máy 10%/năm với bình quân 750 xe/1.000 dân. Đây là con số lớn nhất thế giới so với nhiều thành phố khác của châu Á. Rồi từ việc tắc nghẽn đã làm lượng tiêu hao nhiên liệu biểu kiến (tính theo hành khách/km) trong một ngày của xe gắn máy cao gấp 92 lần so với xe buýt. Thiệt hại do lãng phí tiêu hao nhiên liệu là 5.472 tỉ đồng/năm. Đó là chưa kể, tổng lượng chất thải trung bình một loại xe thải ra trên tuyến An Sương – Cộng Hoà – bến Bạch Đằng vào giờ cao điểm là cực lớn. Tính theo g/km/HK/hướng của xe gắn máy đến 97.411,30g, trong khi xe buýt là 2.480,64g.
“Tóm lại tình hình này, mỗi năm TP.HCM đã làm lãng phí của dân, của ngân sách (xe công) khoảng gần 20 ngàn tỉ”, ông Mai tính toán cụ thể.
Tương tự, TS Nguyễn Hữu Nguyên từ lâu đã cho rằng kẹt xe bây giờ đã thành “giặc” vì nó xâm lăng tất cả các ngõ ngách ở TP.HCM. Thiệt hại rồi đây sẽ không thể tính toán được. Còn theo ông Nguyễn Văn Kích, nguyên vụ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, hệ thống giao thông đô thị của TP.HCM hiện nay đang hạn chế lợi thế cạnh tranh của chính thành phố, đặc biệt là nút thắt hậu cần, chi phí vận chuyển cao bất thường, tắc nghẽn giao thông gia tăng.
Nói cho có!
Ngoài chuyện thiệt hại về kinh tế, sức khoẻ, thì chuyện khiến người dân, chuyên gia giao thông, đô thị ở TP.HCM bức xúc nhất trong vấn nạn ùn tắc giao thông ở thành phố chính là quan điểm tiền hậu bất nhất của các ngành, các cấp trong việc chống lại vấn nạn này.
Đơn cử, chính quyền TP.HCM lúc nào cũng luôn miệng nói quyết liệt phát triển phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, metro…) hay hạn chế cấp phép xây dựng cao ốc (văn phòng, chung cư) trong khu vực trung tâm; hạn chế cấp phép các cơ sở giáo dục ở các ngã ba, ngã tư nơi phương tiện qua lại nhiều…Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn trái ngược.
Nói đến chất lượng xe buýt thì nhiều bức xúc sẽ oà ra. Nào là trợ giá ngày càng tăng, lượng khách ngày càng giảm; nào là các đơn vị kinh doanh xe buýt cùng với người điều hành đang tìm mọi cách rút ruột ngân sách (việc này đã có kết luận thanh tra, và đang tiếp tục thanh tra mở rộng – NV).
Riêng nói đến chủ trương hạn chế cấp phép các cơ sở giáo dục, các cơ sở kinh doanh lớn ở các ngã ba, ngã tư trong khu vực các quận nội thành, thì không hề hạn chế. Bằng chứng là giờ chỉ ra các ngã ba, ngã tư ở quận Tân Bình mà cụ thể là ở đường Cộng Hoà thôi, ai cũng có thế thấy án ngữ các ngã ba, tư ở đây là trung tâm Anh ngữ; chưa kể, trên một đoạn đường ngắn chỉ hơn 2km từ ngã tư Hoàng Hoa Thám – Cộng Hoà đến nhà thi đấu Quân khu 7, đường Hoàng Văn Thụ đã có đến ba siêu thị khổng lồ của các đại gia trong lĩnh vực bán lẻ.
Ông Kích thì cho rằng tầm nhìn, chất lượng quy hoạch là thách thức nghiêm trọng hiện nay cho ngành giao thông vận tải TP.HCM. Trong đó, chất lượng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông chưa cao, chưa đảm bảo, thiếu đồng bộ và tính khả thi rất thấp. Đồng thời, việc tổ chức điều hành, quản lý hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị cũng còn nhiều bất cập kéo dài.
Cuối cùng, theo không ít các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đô thị trong buổi hội thảo kỷ niệm 40 năm ngành giao thông thành phố, đã thẳng thắn nêu quan điểm: ngoài việc phải khắc phục những nhược điểm, yếu kém như đã nêu ở trên, để giải hạn cho giao thông TP.HCM chính quyền nhất thiết phải giảm bớt việc phát triển các cơ sở dịch vụ làm gia tăng dân số ở khu vực trung tâm. Đồng thời, đầu tư trọng điểm, tạo ra những khu trung tâm mới đủ đối trọng với trung tâm hiện hữu, nhằm chia nhỏ lượng người đổ dồn về một điểm.