Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Tái cơ cấu EVN: Xóa độc quyền, tạo thị trường cạnh tranh?

NGỌC AN thực hiện

TTO - Liệu đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà Chính phủ mới phê duyệt có có xóa được độc quyền và thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh hơn?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN - cho biết đề án tái cơ cấu EVN vừa được phê duyệt có vai trò lớn trong thúc đẩy phát triển thị trường 
điện cạnh tranh.

Thực tế với đề án này EVN vẫn nắm 100% vốn ở các khâu truyền tải, phân phối. Điều này đặt ra nhiều lo ngại EVN vẫn nắm giữ vị thế độc quyền và 
rất khó để có thị trường điện cạnh tranh?

- Cách hiểu như trên là chưa đầy đủ bản chất vấn đề. Hiện đã có quy định về phát triển thị trường điện cạnh tranh gắn với quy luật thị trường, nên không phải cứ đơn vị nào nắm vai trò chủ sở hữu cũng có thể độc quyền.

Có ba đơn vị nhà nước vẫn phải giữ 100% vốn là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, là đơn vị quản lý vận hành đường dây 220kV đến 550kV. Đây là hệ thống xương sống của toàn bộ hệ thống điện ở bất kỳ quốc gia nào, có tầm quan trọng với an ninh kinh tế và xã hội nên phải 
giữ 100% vốn.

Thứ hai là lưới điện phân phối, từ cấp điện áp 110kV xuống đến đường dây hạ thế 220V là độc quyền một cách tự nhiên. Vì không ai đi xây dựng hệ thống song trùng để cạnh tranh, đầu tư rất tốn kém cho xã hội. Vì vậy tất cả các nước họ quy định độc quyền lưới điện là độc quyền tự nhiên và nhà nước quản lý chặt.

Khâu thứ ba phải độc quyền là công ty điều hành thị trường điện và hệ thống điện. Tới đây sẽ thành lập công ty TNHH một thành viên, Nhà nước vẫn nắm giữ vốn để qua đó điều hành chính sách, thị trường điện và quản lý an ninh đảm bảo an toàn trong vận hành hệ thống điện.

Còn với khâu quan trọng nhất trong thị trường điện là khâu phát điện và kinh doanh bán lẻ. Hai khâu đó được tự do cạnh tranh nên theo đề án, sẽ tiến hành cổ phần hóa các tổng công ty phát điện 1, 2, 3. Hiện nay EVN 
đang làm rồi.

* Nhiều doanh nghiệp tham gia khâu phát điện nhưng chỉ có một đầu mối EVN mua điện và bán điện nên nhiều đơn vị cho rằng đã phát sinh bất cập, khiến phần lợi về EVN và phần thiệt về phía họ. Ông nghĩ sao 
về việc này?

- Việc đàm phán mua điện của EVN với các đơn vị được thực hiện trên cơ sở thông tư 56 của Bộ Công thương về đàm phán mua điện. Mục tiêu là để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Tức là khi đầu tư nhà máy nào có giá thành thấp thì bán giá thấp chứ không được quyền đẩy giá lên cao quá mức mà Bộ Công 
thương cho phép.

Việc tính toán từng chỉ số giá bán giữa hai bên thông tư 56 cũng đã hướng dẫn rất kỹ các yếu tố. Khi đàm phán xong EVN thống nhất với đơn vị cung cấp điện, trình lên bộ sau đó cơ quan này sẽ kiểm duyệt một lần nữa rồi mới chốt giá và ký hợp đồng 
mua bán điện.

Sắp tới dự kiến tất cả hợp đồng mua bán điện này sẽ chuyển cho 5 tổng công ty điện lực để quản lý và đến năm 2023 khi có thị trường bán lẻ điện thì doanh nghiệp sẽ trực tiếp bán cho các công ty này.

* Trong một trả lời mới đây của chủ tịch EVN cho rằng khâu dịch vụ truyền tải có thể cho tư nhân tham gia. Nhưng theo quyết định của Chính phủ thì Nhà nước nắm 100% vốn ở công ty này, như vậy tư nhân không có cơ hội để tham gia?

- Công ty truyền tải sẽ do Nhà nước sở hữu 100%, vì nếu cho tư nhân vào thì sẽ tạo độc quyền tư nhân. Như tôi nói ở trên là nếu tư nhân quản lý đường dây này thì sẽ thành vấn đề lớn, liên quan an ninh năng lượng, xã hội nên Nhà nước sẽ vẫn phải quản lý.

Tuy nhiên, tư nhân có thể tham gia theo hình thức BT, xây dựng xong và chuyển giao. Nhà đầu tư nếu có tiền, có thể ứng ra hoặc thu xếp vốn để xây trước, sau đó bàn giao cho các công ty truyền tải, lấy nguồn phí truyền tải hằng 
năm để trả dần.

Song đầu tư từng đoạn thôi chứ không phải là cả hệ thống truyền tải. Tức là xây dựng xong bàn giao để tổng công ty 
truyền tải vận hành. Còn việc vận hành, có sử dụng đường truyền tải ấy hay không là do công ty truyền tải quyết định.

* Chính phủ đặt ra vấn đề tái cơ cấu EVN, nhưng trong nội bộ tập đoàn hiện nay những vấn đề như năng suất lao động vẫn còn thấp, hệ thống nhân viên cồng kềnh. Vậy EVN đặt ra vấn đề này để thực hiện tái cơ cấu trong nội bộ thế nào?

- Chúng tôi cũng đang thực hiện tái cơ cấu trong nội bộ, theo quyết định 168 về sắp xếp ngành điện. Từ nay đến đó chúng tôi sẽ sắp xếp lại lực lượng lao động. Chúng tôi cũng đặt vấn đề cơ cấu hệ thống nhân lực, mục tiêu đến năm 2020 tăng năng suất lên 2,5 triệu kWh/năm. Với tốc độ phụ tải tăng lên thì vẫn phải tăng thêm người, nhưng sẽ sắp xếp lại lao động, cắt giảm những 
khâu kém hiệu quả.
***

Đề án 
tái cơ cấu EVN

- Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

- Doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.

- Doanh nghiệp do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ: Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 
điện 2.

- Cổ phần hóa các tổng công ty phát điện 1, 2, 3 (EVN nắm giữ ít nhất 51% đến hết năm 2019).

- Thoái vốn: Công ty cổ phần năng lượng Vĩnh Tân 3 thoái vốn sau khi hoàn thành dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3. Các công ty phải thoái toàn bộ vốn: Công ty Tài chính cổ phần điện lực, Công ty cổ phần cơ điện Thủ Đức, Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh, Công ty cổ phần phong điện Thuận Bình, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4.