(Tieudung) - Dự án lắp đặt 821 nhà vệ sinh trên tàu đã được đầu tư với số tiền “khủng” hơn 168 tỷ đồng nhưng đang trở thành một công trình tệ hại nhất, gây bức xúc dư luận và hành khách đi tàu.
Những ngày gần đây dư luận trong và ngoài ngành đang xôn xao về những tiêu cực trong ngành đường sắt đang được các phương tiện truyền thông phanh phui.
Những toa tàu cũ mục nát từ Trung Quốc được mua về với giá đắt hơn tàu đóng mới mua, mua tàu Trung Quốc 20 tỷ đồng/toa nhưng đóng tại Việt Nam chỉ 10 tỷ; những chuyện tham nhũng, ăn bớt từ dự án đường ngang, những chuyện làm một tháng lãnh lương một năm mà Thanh tra Bộ giao thông công bố mới đây gây bức xúc dư luận.
Thực tế, những nghi vấn tham nhũng trong ngành đường sắt dường như có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực, từ cái nhỏ nhất như thiết bị trên toa xe cho đến cả những dự án lớn đều bị các nhóm lợi ích tìm cách móc nối đẩy giá gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho ngành đường sắt.
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi đề cập đến một dự án nó đã gây phiền toái đến hành khách từ nhiều năm qua, đó là phòng vệ sinh trên tàu.
Nỗi khổ “thầm kín” của người đi tàu đó là chuyện vệ sinh nhiều năm qua tưởng chừng như được giải quyết khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phê duyệt một dự án “Lắp đặt thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách” được đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Tổng cộng 821 thiết bị vệ sinh trị giá trên 168 tỷ đồng đã được lắp đặt trên các đoàn tàu Nam Bắc từ nhà cung cấp Chodai.
Dự án này được kỳ vọng sẽ tiến thêm một bước vào hiện đại hóa, tạo ra nét văn minh trên tàu hỏa, tăng tính cạnh tranh, xóa bỏ tình trạng xả thẳng xuống đường sắt mà bấy nay vẫn sử dụng.
Thế nhưng niềm vui chẳng được bao lâu thì những “cải tiến” vệ sinh của đường sắt lại trở thành “thảm họa”.
Nhiều hành khách đi tàu đã phản ứng rất dữ dội khi sử dụng thiết bị vệ sinh này. Bản thân các nhân viên đi tàu cũng rất bức xúc khi Tổng công ty đưa vào sử dụng loại thiết bị vệ sinh với giá 200 triệu đồng/ bộ nhưng không giải quyết được mùi hôi thối. Nhiều trường hợp nhân viên trên tàu đã phải đóng cửa các phòng nhà vệ sinh vì mùi hôi làm ảnh hưởng đến công tác phục vụ hành khách trên các đoàn tàu.
“Không hiểu sao họ lại đưa vào một loại thiết bị vệ sinh khủng khiếp như thế. Nó vừa xấu vừa thiếu mỹ quan mà mùi hôi thối thì không thể chịu nổi. Trước đây sử dụng loại thải trực tiếp xuống đường tuy có hơi mất vệ sinh nhưng nó không hôi như thế”, một nhân viên trong ngành nhận xét.
Trước sự bức xúc của dư luận và hành khách đi tàu, các đơn vị vận tải hành khách đã đề nghị Tổng công ty tháo dỡ toàn bộ thiết bị vệ sinh Chodai để thay thế thiết bị vệ sinh khác.
Cụ thể tại Xí nghiệp toa xe Sài Gòn đã thay thế bằng bồn sứ do Việt Nam sản xuất, tính tổng chi phí thì rẻ hơn 40-60 triệu đồng/bộ so với so với thiết bị Chodai.
Như vậy một dự án với số tiền lớn hơn 168 tỷ đồng nhưng hoàn toàn không khả thi, có nguy cơ gây thất thoát. Trách nhiệm này thuộc về ai?