Infonet - Đó là ý kiến của Luật sư Phạm Công Út, Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư Tp HCM) về quy định tại dự thảo Thông tư lấy ý kiến của Tòa án Nhân dân Tối cao về Nội quy phiên tòa.
Mới đây, Tòa án Nhân dân tối cao đã phát đi công văn yêu cầu tòa án cấp dưới góp ý vào dự thảo về Nội quy phiên tòa.
Tuy nhiên, dự thảo thông tư mới lại vẫn giữ nguyên quy định này, duy trì thủ tục thẻ nhà báo và giấy giới thiệu như Điều 4 Thông tư số 01/2014/TT-CA.
Tại khoản 3 Điều 3 Nội quy phiên tòa (ban hành kèm theo dự thảo thông tư) về Nội quy phòng xử án: “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa và ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của thư ký phiên tòa; trường hợp đến muộn thì phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho thư ký phiên tòa thông qua lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa…”...
Điều đáng nói, tại Điều 25 Luật Báo chí 2016: Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo. Khi đến các cơ quan, tổ chức chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo; được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật…
Theo các chuyên gia pháp lý, đến thời điểm này, có thể nói nội dung của Thông tư số 01/2014/TT-CA là không phù hợp, nói cách khác là trái với Luật Báo chí 2016, mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Chia sẻ quan điểm về nội dung trong dự thảo của Tòa an Nhân dân Tối cao, Luật sư Phạm Công Út, Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư Tp HCM) chia sẻ: “Thông tư là một văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, dùng để giải thích cụ thể một quy định luật định, phải mang tinh thần của pháp luật, không thể đặt vị trí của thông tư là văn bản "siêu luật" và trái với quy định của pháp luật được.
Mặt khác, quyền tự do báo chí cần được tôn trọng và bảo vệ bằng luật chuyên ngành dành cho báo chí, vốn được cơ quan lập pháp quy định, không nên dùng văn bản dưới luật để đặt thêm những quy tắc mang tính gây khó cho phóng viên”.
Theo Luật sư Phạm Công Út, trong khi luật báo chí chỉ quy định một "giấy phép" là thẻ nhà báo (đối với Nhà báo), thì Thông tư lại quy định thêm một "giấy phép con" là phải có thêm giấy giới thiệu, là một quy định mang tính gây khó cho phóng viên, nhà báo. Vì không phải việc có giấy giới thiệu mới làm cho nhà báo đủ tư cách lấy tin tại các phiên toà. Cũng giống như luật tố tụng dân sự, luật sư chỉ cần xuất trình giấy yêu cầu luật sư và xuất trình thẻ luật sư, toà án không cần một giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư và chứng chỉ hành nghề nữa. Chính vì thế mà Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, là văn bản có sau Luật luật sư cũng phải được xây dựng theo tinh thần của Luật luật sư đã có từ trước đó.
“Do vậy, tôi cho rằng Thông tư chỉ mang tính hướng dẫn, là văn bản có sau luật báo chí thì cũng phải được xây dựng theo tinh thần của Luật Báo chí là vậy. Hay nói cách khác, đừng soạn thông tư vượt trên cả luật”- Luật sư Phạm Công Út nhấn mạnh.
Không biết nội dung trong dự thảo thông tư về Nội quy phiên tòa của Tòa án Nhân dân tối cao đã bỏ đi hay chưa, nhưng cũng phải nhắc lại, trước đó, quy định tương tự tại Điều 4 Thông tư số 01/2014/TT-CA, đã vấp phải sự phản ứng từ nhiều chuyên gia luật pháp và báo giới.
Lý do, quy định nhà báo tham dự phiên tòa vừa phải có thẻ Nhà báo vừa phải có Giấy giới thiệu đã trái với tinh thần Luật Báo chí 1999 và Nghị định 51/2002/NĐ-CP. Từ khi Luật Báo chí 2016 có hiệu lực, quy định “Khi đến các cơ quan, tổ chức chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo” đã được cụ thể hóa trong từng con chữ, không hiểu sao, người soạn thảo dự thảo thông tư này vẫn cứ “vượt qua giới hạn” của luật.