Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Cuộc đua bolero: Làm kinh doanh hay làm nghệ thuật?

LÂM HẠNH

DNSGO - Năm 2014, chương trình truyền hình thực tế Solo cùng bolero – một sân chơi dành cho những người thể hiện các bài hát có điệu bolero – ra đời và được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Rating của chương trình khi đó khá cao, vào khoảng 20%, làm cho nhiều người và ngay cả nhà sản xuất cũng bất ngờ vì sự quan tâm của khán giả dành cho cuộc thi này.

“Thừa thắng xông lên”, đơn vị sản xuất tiếp tục làm chương trình Solo cùng bolero các mùa sau, làm thêm một bản thi khác là Tình bolero và sau đó các cuộc thi hát bolero từ các đơn vị khác nhau nối tiếp ra đời như: Thần tượng bolero, Người hát tình ca… Đó là chưa kể có một số chương trình thi hát khác mà ở đó rất nhiều người chơi chọn hát rất nhiều ca khúc mang giai điệu bolero như Biến hóa hoàn hảo, Giọng hát Việt (cả phiên bản người lớn và trẻ em).

Việc nở rộ các cuộc thi hát các bài hát có giai điệu bolero làm cho khán giả có cảm giác cứ mở tivi là thấy người ta hát bolero. Các cuộc chơi này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại vì vẫn xuất hiện mùa 2, 3…, thí sinh đăng ký liên tục tăng, lượng khán giả xem vẫn tăng, chỉ tính riêng chương trình Solo cùng bolero, nếu mùa đầu tiên có khoảng 7 nghìn người đăng ký dự thi thì đến mùa thứ 3 đã có khoảng 25 nghìn, rating mùa đầu khoảng từ 15% đến 20% thì mùa 3 tăng lên 30,02% (con số rất cao, được cập nhật ngày 18/11/2016). Chương trình Thần tượng bolero chỉ tính trên kênh YouTube cũng đạt con số từ hơn 2 triệu đến hơn 3 triệu lượt người xem.

Đó là con số được cung cấp từ các đơn vị sản xuất, còn trong thực tế có rất nhiều khán giả than phiền rằng họ đã phát chán khi mà “người người hát bolero, nhà nhà hát bolero” và cho rằng các bài hát giai điệu này đang bị lạm dụng, ngoài các chương trình kể trên thì có rất ít các chương trình giải trí âm nhạc dạng khác để thưởng thức.

Vì sao có sự lạm dụng này trong khi âm nhạc Việt Nam còn rất nhiều các bài hát hay thuộc nhiều thể loại khác nhau? Theo góc nhìn của ca sĩ Anh Bằng (giảng viên Nhạc viện TP.HCM): “Đây là một nhu cầu của khán giả. Âm nhạc Việt Nam đang ở thời điểm khán giả Việt Nam thích nghe nhạc Việt, trong khi đó đã rất lâu chúng ta có quá ít những sáng tác mới hay, nhạc trẻ thì không thuần Việt, nên họ muốn tìm về cái cũ vì dù gì thì các bài hát được viết theo giai điệu bolero cũng có tính Việt nhất định”.

Ca sĩ Vũ Quốc Việt – người đã tham gia viết ca khúc chủ đề cho chương trình Tình bolero, Người hát tình ca thì cho rằng: “Có rất nhiều bài hát hay mang giai điệu bolero, có nhiều khán giả đã một thời nghe chúng… nên muốn tìm lại ký ức của mình và các cuộc thi đó như mở cánh cửa ký ức cho họ thưởng thức”.

Khi nói về các cuộc chơi nhạc này, NSƯT Tạ Minh Tâm cho biết: “Đây là một xu thế của nền kinh tế thị trường, người ta đã kinh doanh tràn lan bất chấp tất cả. Họ, từ nhà sản xuất cho đến những người tham gia cuộc chơi, vì muốn tạo uy tín cho sân chơi của mình đã đẩy giá trị của những ca khúc đó lên, làm cho nó trở nên cao siêu nên dùng chữ “bolero” để gọi tên và xem đó là một dòng nhạc. Bolero không phải là một dòng nhạc, nó chỉ là một giai điệu âm nhạc và những bài hát mang điệu bolero có giá trị riêng để phục vụ tầng lớp khán giả nào đó. Nói thẳng là giá trị âm nhạc của nó không lớn”.

Khi được hỏi, ở một số chương trình, người ta xếp cả những bài hát như Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên), Một mình (Anh Bằng), Tình nhớ (Trịnh Công Sơn)… cũng là bolero thì NSƯT Tạ Minh Tâm cho rằng đó lại là một sự lạm dụng, ngày xưa người ta không gọi những bài hát giai điệu chầm chậm, ca từ như kể chuyện là bolero và cũng không xếp những bài hát vừa kể trên thuộc kiểu nhạc bolero như bây giờ hay gọi.

Nếu các chương trình thực tế được phát sóng trên truyền hình cứ mãi nhắm vào những bài hát mang giai điệu bolero thì chuyện gì sẽ xảy ra? Đó là sự nhàm chán. Với Solo cùng bolero, sau cái hào hứng của mùa thứ nhất thì sang mùa thứ 2, 3, khi nghe hoài kiểu cố gắng dùng ngữ điệu, cốt cách Nam bộ của người dẫn chương trình Trác Thúy Miêu, khán giả cũng cảm thấy chán.

Trác Thúy Miêu hay chia sẻ những hiểu biết của mình về bolero, hay kể cho khán giả nghe câu chuyện về đời sống của những bài hát mang điệu bolero nhưng đến khi hát thì chị lại hát Niệm khúc cuối. 

Trong chương trình Thần tượng bolero, các huấn luyện viên Quang Linh, Cẩm Ly, Đan Trường thường hát những ca khúc mang âm hưởng dân ca, Quang Dũng lại là người hát dòng nhạc nhẹ, trữ tình… nên khi chọn một số bài hát cho thí sinh theo thế mạnh của mình đã gây ra nhiều tranh cãi.

Còn chương trình Người hát tình ca với lợi thế về tên gọi của mình nên việc lựa chọn bài hát rộng rãi hơn nhưng thành phần giám khảo thì ngoài ca sĩ Ý Lan, Vân Sơn thì có thể tạm chấp nhận được khi chấm phần diễn xuất thì Thúy Vân không có chuyên môn gì về âm nhạc nên chưa đem lại sự tin cậy cho khán giả (nếu nói cô chấm điểm đại diện cho khán giả thì chương trình đã có khán giả chuyên môn rồi).

Sự thật thì các nhà sản xuất cũng đã rất cố gắng để chương trình ngày càng thu hút khán giả, chẳng hạn như Solo cùng bolero các mùa sau mở rộng đối tượng thí sinh hơn (điều này thì lợi bất cập hại vì thí sinh đông hơn nhưng bình dân hơn từ phong cách đến chất giọng, làm khán giả có cảm giác ai cũng có thể thi hát được), có người hướng dẫn các thí sinh để chất lượng thí sinh tốt hơn…

NSƯT Tạ Minh Tâm thì cho rằng, với sự xuất hiện ồ ạt của các chương trình truyền hình thực tế nói chung và các chương trình hát bolero nói riêng, có điểm tích cực là làm cho những người có liên quan cố gắng hơn về mặt chuyên môn như kỹ thuật âm thanh ánh sáng, cách tổ chức chương trình, giám khảo cũng phải tự mình trau dồi kiến thức âm nhạc cũng như cách ăn nói… thế nhưng hệ quả của nó thì lớn hơn là làm cho lớp trẻ lao theo hào quang ảo mà không có thời gian nhìn lại xem mình thật sự thích hợp với điều gì.

Ca sĩ Anh Bằng thì cho rằng hiện tượng “người người hát bolero” đang bị lạm dụng để giải quyết nhu cầu nhất thời của người nghe, rồi nó sẽ lắng xuống và trở về đúng vị trí của nó, các ca khúc hay cũ sẽ sống lại và các ca khúc hay mới sẽ xuất hiện.

Nhưng nhạc sĩ Vũ Quốc Việt thì có cái nhìn buồn hơn khi anh nhận xét hiện tượng hát bolero cho thấy một vòng xoay luân chuyển, một biểu đồ mà hiện giờ đang là thời điểm đi xuống của âm nhạc, chắc chắn cái khác sẽ thay thế bolero nhưng có lẽ lại là cái gì đó không chính thống. Cái đẹp đẽ chưa lên ngôi đầu. Anh cho rằng không chỉ ở Việt Nam mà có lẽ nền âm nhạc toàn thế giới đang khủng hoảng, theo nhạc sĩ này thì giai đoạn đẹp nhất của âm nhạc là từ những năm 70 đến những năm 90 của thế kỷ XX.

Hiện tượng xuất hiện ào ạt các chương trình thi hát các bài hát về bolero dẫn đến lạm dụng, biến tấu đủ kiểu và phân loại bài hát một cách lộn xộn. Điều này cũng cho thấy các nhà sản xuất những chương trình giải trí trong nước đang làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”, nghĩa là thấy đang “ăn” thì đua nhau làm đến khi nào khán giả chán thì dẹp.

Trong việc kinh doanh thì chuyện đó có thể chấp nhận được nhưng đừng mang danh nghĩa làm vì nghệ thuật, làm sống lại bolero mà vô tình khiến khán giả “bội thực” rồi lại bị bỏ quên và mỗi nơi làm một kiểu làm khán giả không biết hiểu thế nào là đúng, cả thể loại và giá trị, về những bài hát mang giai điệu bolero.

Hãy để những bài hát điệu bolero ở đúng vị trí của nó và phục vụ đúng khán giả yêu thích nó chứ đừng vì những cuộc chơi của mình mà di chuyển những bài hát đó đi chỗ khác, bắt nó sống một cuộc đời khác.