Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Vắng mợ thì chợ vẫn đông

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) - Mất bảy năm để kết thúc đàm phán, nhưng chỉ cần một ngày sau khi người Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống mới, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) xem như đã “chết lâm sàng”.

Không cần cất công thăm dò cũng có thể hình dung được nhiều nỗi thất vọng vì TPP được xem là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Cũng có những tiếng nói ít bi quan hơn cho rằng dù Mỹ thông qua TPP hay không thì dòng chảy thương mại quốc tế vẫn diễn ra. Người Việt có câu “Vắng mợ thì chợ vẫn đông”, thật thích hợp để áp dụng vào tình huống này.

Tuy nhiên, chúng ta cần giữ được thái độ đúng để có những bước chuẩn bị nghiêm túc cho mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra sắp tới.

Nói như vậy là vì dù có nhận định lạc quan hay bi quan về TPP cũng không thể phủ nhận rằng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu liên lập hiện nay, kinh tế Việt Nam cũng như các nước khác sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều khi chính sách kinh tế Mỹ thay đổi. Ở mức độ vi mô, một loạt doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu của chúng ta có thể lao đao qua một đêm sau quyết định chống bán phá giá của phía Mỹ. Về mặt vĩ mô, cũng nên nhớ rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam với hơn 33 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn một phần năm tổng doanh số xuất khẩu năm 2015.

Nhiều khả năng Chính phủ mới của Mỹ sẽ áp dụng các chính sách phòng vệ thương mại để dựng lên thêm nhiều rào cản nhắm đến hàng xuất khẩu vào nước họ. Điều này không chỉ áp dụng với Việt Nam mà còn với nhiều nền kinh tế khác, kể cả Trung Quốc. Sở dĩ phải nhắc đến điều này là vì tác động kép của nó. Một mặt, rào cản về phía Mỹ sẽ khiến thị trường số 1 thế giới này khó tiếp cận hơn đối với hàng hóa của Việt Nam lẫn Trung Quốc. Mặt khác, nhiều chuyên gia đã lo ngại rằng một khi gặp khó ở Mỹ, nhiều mặt hàng Trung Quốc sẽ chuyển hướng sang Việt Nam.

Đây là một kịch bản mà không ai muốn xảy ra. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường có những quy luật riêng. Một trong những quy luật như vậy là tính quyết định của chất lượng và giá cả hàng hóa. Để chống hàng Trung Quốc tràn ngập sân nhà và bán được cho Mỹ cũng như các nước khác, hàng Việt phải tốt, giá phải hợp lý. Muốn vậy, doanh nghiệp Việt phải có được điều kiện tốt nhất để sản xuất hàng tốt có giá tốt.

Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh đến một trong những điều quan trọng nhất TPP có thể mang lại cho nền kinh tế Việt Nam, đó là cải cách thể chế kinh tế. Đây chính là bước chuẩn bị cơ bản tạo ra sự thay đổi có tính chất bước ngoặt mà cộng đồng doanh nghiệp hy vọng sẽ cởi trói hoàn toàn cho kinh tế Việt Nam.

Với sự thúc đẩy trong quá trình đàm phán hiệp định TPP, Việt Nam đã có bước chuẩn bị với một loạt chính sách như đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Dù nay các kịch bản TPP lạc quan trở nên xa vời, Việt Nam cũng không được lơi bước trong tiến trình cải cách thể chế kinh tế nếu chúng ta muốn giảm sự đe dọa, phụ thuộc vào hàng hóa, thị trường nước ngoài. Đây chính là một tiền đề cho “đổi mới lần hai”.

Tám ngày trước khi người Việt đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu - nghĩa là chỉ hơn một tháng nữa -  ông Trump sẽ nắm quyền điều hành nước Mỹ. Chúng ta không còn nhiều thời gian, nhưng cũng không phải hoàn toàn hết hy vọng nếu kiên định với những cải cách của mình. Phải chăng đó cũng là một thách thức cho năm 2017 sắp đến?