TTTG - Bob Dylan, nhạc sĩ – ca sĩ đoạt giải Nobel văn chương 2016 với những ca từ đậm chất thi ca, dù hai tháng nữa mới chính thức nhận giải với bài diễn từ truyền thống, nhưng có vẻ như ông lại quá thờ ơ như bài hát nổi tiếng nhất của mình với tựa đề Blowin’ in the wind – “Hãy để gió cuốn đi”.
Những âm hưởng trong ca khúc Bob Dylan
Dù giải thưởng lúc ban đầu gây ra nhiều tranh cãi bởi sự đột phá mang tính phá vỡ các ranh giới hình thức nghệ thuật của ban giám khảo Nobel Văn chương, thì việc lý giải về chuyện này, cuối cùng là để cho các cây bút có tầm ảnh hưởng bởi các tờ báo uy tín lên tiếng.
Tờ New York Times nhận định: “Bob Dylan từng nói các ca khúc của ông “tự thân nó không có được”. Những âm hưởng lồng trong tác phẩm của Dylan gồm nhiều nguồn. Thuở ban đầu là nhạc đồng quê và nhạc phương Tây. Muộn hơn là rock ‘n’ roll của Chuck Berry và Little Richard.
Thời niên thiếu, ông khám phá ra các nhạc sĩ dân ca như Odetta, và bị hớp hồn bởi Woody Guthrie, thậm chí còn bắt chước tiếng búng dây trong Oklahoma của Guthrie.
Ông biểu diễn dân ca ở Greenwich Village – nơi được xem là chốn náu nương cho nghệ sĩ – tại New York hồi tháng 1/1961, và tiếp tục thẩm thấu dân ca và ca cổ bất cứ nơi nào ông tìm thấy từ các bạn đồng diễn, từ sách vở như Những bài dân ca của Bắc Mỹ của Alan Lomax, và từ các đĩa ghi âm.
Và còn phải kể đến thi ca, văn chương và điện ảnh đều đi vào tác phẩm của ông. Nhưng điều cốt tủy thực sự là ông có khả năng thẩm thấu các ảnh hưởng hỗn tạp ấy, và biến chúng, bằng sự dũng cảm và nhạy cảm vĩ đại, thành một thứ âm thanh độc sáng, không thể nhầm lẫn của chính mình và sáng tạo nên “những biểu đạt thi ca theo truyền thống ca khúc lớn lao của Mỹ”.
Ở một góc nhìn khác, một tiến sĩ ngôn ngữ học nhận định: “Ban tổ chức và hội đồng xét chọn có lý do riêng của mình và cho rằng Bob Dylan trở về với truyền thống của các tên tuổi lớn như Homère và Sappho trong lịch sử ra đời của các tác phẩm thi pháp được sáng tác để diễn trình và để nghe, đồng thời đã phát minh ra những cách diễn đạt thi pháp mới lạ cho không gian văn hóa Mỹ…
“Dù sao đi nữa, sự kiện Nobel văn học năm nay cũng cho thấy sự dịch chuyển văn chương rõ nét trong thời gian, mà khái niệm thời-không-gian (chronotope) của Bakhtine có lẽ cũng sẽ phù hợp để diễn giải sự giao thoa giữa văn chương và xã hội”.
Lời kinh khổ
“Bob Dylan dửng dưng với Nobel văn chương”- đó là cái tít mà nhiều tờ báo đưa tin đồng loạt trên các trang mạ ng ngày hôm qua.
Thật ra, ông còn đang rất bận rộn với các sáng tác mới của mình, đó mới thực sự là hơi thở đời sống, chứ không phải giải thưởng và những sự tranh cãi. Bob Dylan vẻ như không tham dự vào trò chơi đó, ông lặng lẽ làm công việc của mình, cho đến tuổi 75 vẫn chưa dứt…
Blowin’ in the wind là ca khúc được xếp hạng thứ 14 trong 500 ca khúc hay nhất mọi thời đại bởi ca từ sâu sắc và đầy nhân bản.
Có một điều, Bob Dylan không ngờ rằng, ngày ông có tin về giải Nobel thì tại Việt Nam, một trận lũ quét do thiên tai và do cả sự nhẫn tâm của con người đã lấy đi biết bao mạng người, hàng trăm ngàn ngôi nhà tan hoang: “Cần bao nhiêu lần ngước lên mới nhìn thấy bầu trời? / Cần đến bao nhiêu cái tai mới nghe được tiếng chúng sinh than khóc?”.
“Để gió cuốn đi” như một lời kinh khổ cho dân tộc Việt khi ngay đầu bài hát, đã nghe những tự vấn quen thuộc của một thời chiến tranh khốc liệt “Và biết bao lâu những hòn đạn sắt lướt giữa trời / Cho tới lúc một thời bị chôn vùi trong lãng quên?”
Bob Dylan viết rất nhiều những ca khúc phản chiến chống chiến tranh Việt Nam. Nhưng ông không ngờ rằng bài hát này gắn mãi với thân phận người Việt “Thời gian còn lại bao xa, để kẻ đui điếc trước nỗi đau đồng loại hô biến?…Và còn cần tiêu mất bao nhiêu mạng người, ta mới hiểu đã có quá nhiều sinh linh đã chết?” – lời ca như tiếng kêu gào trong cơ khổ giữa đêm trường của hàng vạn người dân ngập chìm trong biển nước, chới với tìm cuộc sống mong manh.
Ca từ của Bob Dylan để nhắc nhớ về “bể khổ” với những gì thế giới đã trải qua gần một thập kỷ nay: sự thống khổ tận cùng của con người trong chiến tranh, thiên tai và sự tự hủy hoại bởi chính con người gây ra cho đồng loại.
Khi nghe lại lời ca này trong những hình ảnh lũ quét miền Trung mấy ngày qua, mới thấy, dù có Nobel hay không, thì những ai đã từng nghe ca từ của ông, cũng đã dành cho Bob Dylan một sự cảm kích sâu xa và trên hết là giọt nước mắt trong đêm cô quạnh chảy dài như niềm hạnh phúc có được từ một người bạn như thiên sứ thì thầm bên cạnh với lời yêu thương, san sẻ ngay phút giây bất hạnh nhất.
Bình thản với giải Nobel, với danh vọng, Bob Dylan đã không cần có thêm một lời ca ngợi nào ngoài điều mà ông mang đến cho thế giới này: lòng trắc ẩn để chia sớt đau thương.
Đó cũng là một con người khiến chúng ta phải nghi ngờ về sự vận động “tùy duyên” của những lý giải về “số phận”, dù đặt để thế nào, con người cũng cần phải vượt lên thân phận mình, chứ không thể cam chịu và chờ đợi trong sự mông muội, yếu hèn.