Đất Việt - "Ông là người trình xin Thủ tướng cho phép dự án có thời hạn 70 năm hay trình dự án 50 năm mà Thủ tướng chữa lại thành 70 năm?"
Câu hỏi khó của ông Phạm Quyết Thắng nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ gửi tới ông Võ Kim Cự - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Thắng nói trên Tuổi Trẻ: “Tôi thấy ông Cự trả lời quanh co, thậm chí mâu thuẫn với chính những gì ông ấy đã từng làm. Ông Cự từng làm trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, làm chủ tịch rồi bí thư tỉnh Hà Tĩnh, ông ấy cũng từng quản lý doanh nghiệp khai thác khoáng sản và làm chủ tịch Hiệp hội Titan VN. Có nghĩa là không phải ông ấy không hiểu về khai thác khoáng sản, không phải ông ấy không hiểu về
dự án”.
Vì vậy, khi để xảy ra tình trạng như ngày hôm nay, ông Thắng cho hay với lương tâm và trách nhiệm của một người lãnh đạo ông Cự phải đứng ra nhận trách nhiệm.
"Tôi nhớ một ông thống đốc ngân hàng Nhật Bản, khi xảy ra vấn đề với chứng khoán, ông ấy đã cúi đầu xin lỗi, chủ động xin từ chức.
Đó là văn hóa của người làm quản lý. Đảng, Nhà nước không chỉ dạy ta làm quản lý và đưa ta vào các vị trí quản lý mà còn dạy ta phải biết rút ra khỏi quản lý khi không làm được việc, khi việc làm của ta liên đới tới những hậu quả xấu mà đồng bào phải gánh chịu", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, việc cho Formosa thuê đất 70 năm, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và kết luận rõ ràng từ lâu là không đúng với quy định của pháp luật. Người đề nghị dành ưu ái này cho Formosa chính là ông Võ Kim Cự.
Ông Cự không thể đùn đẩy trách nhiệm cho Thủ tướng là không được.
“Tôi xin phép hỏi ông Cự một câu và mong ông trả lời tắp lự: ông là người trình xin Thủ tướng cho phép dự án có thời hạn 70 năm hay trình dự án 50 năm mà Thủ tướng chữa lại thành 70 năm?".
Ông nói thẳng, trong bất kỳ dự án nào cũng đều có quá trình đi lại rất kỹ với những người có thẩm quyền quyết định. Do đó, không loại trừ trong quá trình quan hệ đó có lý do nể nang, quen biết, cảm tình và có cả vấn đề lợi ích cá nhân.
"Một cách rất chủ quan, tôi nghĩ rằng ông Cự phải chịu trách nhiệm chính về quá trình giới thiệu đầu tư dự án này vào VN. Thế còn những ai, ở cấp nào có liên quan thì ông Cự hãy chỉ ra. Ông Cự có quyền, có trách nhiệm và lòng tự trọng chỉ ra những người cùng với ông ta làm việc đó. Người nào có tác động mạnh mẽ nhất trong việc cho thuê đất 70 năm? Ông Cự chủ động, tích cực làm việc này nhưng chắc chắn phải có người hậu thuẫn, bật đèn xanh cho ông ấy", ông Thắng đặt câu hỏi.
Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải xử lý nghiêm khắc dự án Formosa càng sớm càng tốt.
"Với những gì họ đã làm (ở nhiều nước chứ không phải riêng VN), tôi rùng mình khi nghĩ đến thời gian 70 năm mà các nhà chức trách chúng ta đã cấp phép cho dự án này.
Sẽ có những dự án khác, nhà máy khác thân thiện với môi trường, những dự án phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của chúng ta", vị chuyên gia kết luận.
Trả lời lấp liếm
Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Võ Kim Cự rất tự tin khẳng định việc cấp phép cho Formosa là đúng quy trình và pháp luật.
Tuy nhiên, không hài lòng với phần trả lời thiếu trách nhiệm và có phần đùn đẩy trách nhiệm của ông Cự, ĐBQH Dương Trung Quốc đặt câu hỏi:
"Quy trình là thủ tục, nhưng thủ tục đó ai vận hành? Tất cả do con người cụ thể. Bên cạnh đó, cụm từ “được cấp có thẩm quyền” cũng được nhắc tới. Nhưng cấp thẩm quyền là ai? Lẽ ra ông ấy phải trả lời được câu hỏi này".
Theo vị đại biểu đoàn Đồng Nai, việc lặp lại một điệp khúc “đúng quy trình” bao giờ cũng đúng nhưng kết quả lại không đúng. Vì vậy vấn đề chính là ở đây, quy trình có nghĩa là gì?
"Quốc hội cũng cần xem xét lại quy trình có đúng không. Tại sao cấp địa phương lại quyết định cho Formosa hoạt động 70 năm? Điều này có vượt quá khung của pháp luật hay không? Kể cả Chính phủ, nếu được sự tán đồng của các cơ quan cấp Chính phủ thì Quốc hội không có vai trò gì sao? Do đó, phải xem xét lại hệ thống pháp luật của chúng ta có kẽ hở ở chỗ nào", ông Quốc nhấn mạnh.
Vụ việc xảy ra tại Formosa theo ông Quốc là bài học đau đớn, buộc chúng ta phải xem lại tất cả những gì đã làm. Doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng chỉ luôn tìm kẽ hở để làm sao đạt được hiệu quả kinh tế, thu được lợi nhuận cao nhất. Còn nếu chúng ta buông lỏng, thậm chí có người tiếp tay thì chắc chắc sẽ bị thiệt hại, ông Quốc nói.
Vị đại biểu cũng nhắc tới vai trò của công tác giám sát. Ông Quốc tự đặt câu hỏi và tự chất vấn mình: "Vai trò của đại biểu Quốc hội ở đâu, cũng như các Ủy ban có liên quan trực tiếp? Kể cả chúng tôi, chúng tôi đã làm gì trong quá trình người dân phản ánh ý kiến đó? Đây là thời điểm phải rà soát lại tất cả, không phải nhằm duy nhất vào Formosa, mà đầu tiên phải nhìn vào chúng ta".
Riêng với cá nhân ông Cự, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng cần phải thẩm định lại những phát ngôn của vị này. Theo ông, phải làm rõ vấn đề ở chỗ nào, trách nhiệm đến đâu để xử lý.
"Chắc chắn khi xảy ra chuyện này, sẽ có sự đùn đẩy. Chính vì thế Quốc hội phải giám sát bộ máy của mình, từ chính quyền địa phương đến Trung ương.
Tôi nghĩ vụ này không thể “hòa cả làng” được. Bởi sau Formosa còn nhiều cái khác. Tình trạng ô nhiễm môi trường không phải chỉ riêng Formosa, mà tiềm tàng rất nhiều nguy cơ, ở rất nhiều cơ sở khác, kể cả các doanh nghiệp trong nước", ông Quốc nói.
Cũng bức xúc trước trả lời của ông Võ Kim Cự, - ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nói: “Thanh tra Chính phủ thời điểm đó đã khẳng định Hà Tĩnh làm như thế là chưa đúng pháp luật, bởi Luật Đầu tư chỉ cho phép 50 năm”.
Về kiến nghị xem xét trách nhiệm, ông Khánh cho rằng cấp có thẩm quyền, ban quản lý dự án phải xem xét xử lý kiểm điểm. “Trách nhiệm đó của những ai thì sẽ gắn với từng việc, từng người có trách nhiệm”- ông Khánh nói.