Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

‘Không để giọt nước thải nào chảy ra biển’

NAM GIANG thực hiện

(PL)- Đó là trả lời của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen.

. Phóng viên: Tại sao ông lại chọn thời điểm nhạy cảm sau sự cố môi trường tại nhà máy thép Formosa để công bố kế hoạch triển khai dự án thép Cà Ná?

+ Ông Lê Phước Vũ: Dự án tổ hợp thép đã được Tập đoàn Hoa Sen khởi động cách đây khoảng một năm, trước thời điểm xảy ra sự cố môi trường tại Formosa Hà Tĩnh. Trong quá trình đó, chúng tôi đã khảo sát rất nhiều địa điểm khác nhau từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa. Các địa điểm này đều có vị trí gần cảng biển, rất thuận tiện để xây dựng một nhà máy thép. Ban đầu chúng tôi dự tính chọn Dung Quất bởi ở đây đã có mặt bằng sạch, chi phí đầu tư ít hơn. Tuy nhiên, sau này chúng tôi đã chọn khu vực Cà Ná khi đích thân lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận vào làm việc trực tiếp với lãnh đạo Hoa Sen để kêu gọi đầu tư. Ninh Thuận là tỉnh rất khó khăn và họ đang cần một cú hích để đột phá kinh tế cũng như tăng thu ngân sách địa phương.

Khi đến Cà Ná, chúng tôi đã nhận thấy đây là địa điểm lý tưởng, chính sách thu hút đầu tư của Ninh Thuận rất tốt, thân thiện. Đặc biệt, cảng nước sâu Cà Ná là nơi duy nhất ở Việt Nam có mực nước sâu 20 m tự nhiên, không bị bồi lắng, vùng đất này ít có bão, phù hợp để đặt tổ hợp thép sát biển.

. Để sản xuất 16 triệu tấn thép/năm, chủ đầu tư sẽ lấy nguồn nước ở đâu để đáp ứng công suất của nhà máy bởi Ninh Thuận là vùng khô hạn?

+ Hiện chúng tôi đang trong quá trình thực hiện bước đầu của dự án như lựa chọn nhà thầu, khảo sát dự án; khi chọn được nhà thầu thì mới đưa ra các phương án tính toán về công nghệ, thiết bị,…

. Ai sẽ dám đảm bảo môi trường, đời sống ngư dân, diêm dân, du lịch biển của Ninh Thuận tuyệt đối an toàn khi nhà máy thép được xây dựng tại Cà Ná, thưa ông?

+ Chúng tôi xem sự cố môi trường của Formosa là bài học rất lớn khi cụ thể hóa dự án thép Cà Ná. Trước mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành và báo chí, tôi đã cam kết nếu dự án để xảy ra ô nhiễm môi trường, tôi sẽ trả lại tài sản cho Nhà nước và đóng cửa nhà máy. Báo chí, Chính phủ cứ ghi âm, ghi hình lại lời hứa này để nếu sau này tôi không giữ lời sẽ đem tôi ra tòa xử. Chúng tôi khẳng định sẽ đặt môi trường lên hàng đầu, sau đó mới nói đến các yếu tố khác.

Thời gian qua, đa số doanh nghiệp đều xem nhẹ khâu môi trường, kể cả cơ quan quản lý. Qua vụ việc Formosa, chúng ta phải xem lại quy trình giám sát, kiểm tra chéo, thậm chí phải đưa ra hình sự hóa vấn đề môi trường; pháp nhân, cá nhân nào tạo ra ô nhiễm môi trường phải chịu trách nhiệm.

. Có thông tin việc khảo sát dự án này được thực hiện bởi Tập đoàn CISDI Trung Quốc, là tập đoàn đã xây lò thép Formosa?

+ Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi đang trong quá trình lựa chọn nhà tư vấn cũng như đang khảo sát dự án. Chúng tôi cũng chưa tiếp xúc với đơn vị tư vấn nào cũng như chưa ký kết với đối tác nào. Những thông tin trên mạng xã hội về dự án không phải là thông tin chính thức từ Hoa Sen và nhiều thông tin không chính xác.

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đã có nhiều đối tác từ các nước khác nhau đến làm việc, khảo sát dự án. Mọi việc mới chỉ dừng lại khâu tìm hiểu dự án. Hiện nay, chúng tôi đang xúc tiến thuê chuyên gia môi trường đến từ công ty tư vấn của Mỹ, sau khi chuyên gia đưa ra những tiêu chí rõ ràng thì chúng tôi mới lựa chọn công nghệ và thiết bị.

Môi trường, công nghệ chưa chọn xong thì chưa nói lên điều gì. Chẳng hạn bây giờ tôi nói chọn nhà thầu Ý, Đức nhưng sau này chọn nhà thầu Pháp, Hàn Quốc thì sao. Ngày 6-9, tập đoàn tổ chức đại hội cổ đông để xin ý kiến về dự án này. Khi đó, mọi việc mới được quyết định cụ thể.

Dù chọn nhà thầu nào đi nữa, chúng tôi cam kết sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại, tối ưu hóa năng lực sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm thiểu tối đa tác động đối với môi trường. Nhà đầu tư sẽ xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải đồng bộ, hiện đại; ứng dụng công nghệ tái sử dụng các chất thải để phục vụ các hoạt động của dự án và cộng đồng; xây dựng hệ thống hồ điều hòa chứa nước mưa và nước thải sau xử lý để tái sử dụng và tạo cảnh quan sinh học cho khuôn viên dự án; thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các đơn vị được ủy thác xử lý chất thải. Tập đoàn Hoa Sen cam kết không để một giọt nước thải từ dự án chảy ra biển.

. Xin cám ơn ông.
***

“Chưa nhận được văn bản nào từ nhà đầu tư”

Ông Đặng Văn Lợi (ảnh), Cục trưởng Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT), cho biết:

“Phải nhìn nhận dự án thép Hoa Sen Cà Ná ở nhiều khía cạnh, đặc biệt ở khía cạnh có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường. Bộ TN&MT có đầy đủ năng lực, pháp luật, quy định yêu cầu đối với nhà đầu tư buộc phải đưa các công nghệ hiện đại nhất không gây ra nguy hại đối với môi trường, đời sống của người dân địa phương. Nếu việc đánh giá tác động môi trường đạt chuẩn, đồng thời cùng với việc sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại đảm bảo thì mới có thể cho đầu tư được, ngược lại thì không thể tiếp tục dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Cục chưa nhận được bất cứ một văn bản nào từ phía nhà đầu tư gửi đến”.

ĐẶNG TRUNG